Thứ Sáu, 22/11/2024
Thành phố Hồ Chí Minh
Thứ Tư, 7/7/2021 9:45'(GMT+7)

"Ba tại chỗ", "hai vừa" trong các khu chế xuất, khu công nghiệp

Nhân viên y tế TP. Hồ Chí Minh lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. (Ảnh: TTXVN)

Nhân viên y tế TP. Hồ Chí Minh lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. (Ảnh: TTXVN)

Thực tế cho thấy, từ rất sớm, Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (Hepza) đã tổ chức lấy mẫu tầm soát COVID-19 trên diện rộng cho hàng chục nghìn công nhân lao động tại hầu hết các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn. Từng doanh nghiệp chủ động thực hiện phòng dịch và thực hiện an toàn vệ sinh lao động tại nhà máy, công xưởng theo thông điệp 5K.
 
Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với quy mô hàng nghìn công nhân, đã tích cực "đẩy" công tác phòng, chống dịch COVID-19 lên mức độ cao nhất bằng các biện pháp như: Trang bị các loại thiết bị hỗ trợ kiểm tra sức khỏe; khai báo y tế điện tử thường xuyên; tổ chức, phân luồng lưu lượng công nhân và giờ giấc tập trung vào ca làm việc; thực hiện giãn cách khu vực làm việc của công nhân ở mỗi dây chuyền sản xuất và khu vực nhà ăn.

Các doanh nghiệp cũng quan tâm, chú trọng việc bảo đảm nguồn cung ứng thực phẩm an toàn, nhu yếu phẩm cần thiết để bữa ăn của công nhân luôn được đầy đủ và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Các đoàn thanh tra, kiểm tra của ngành y tế, các đơn vị quản lý chuyên ngành cùng chính quyền địa phương đã thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những yếu kém, thiếu sót trong công tác phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp, đơn vị.

Cùng với đó, chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở khu chế xuất, khu công nghiệp được tích cực thực hiện với khoảng 320 nghìn công nhân lao động đã được tiêm và đang tiếp tục đẩy mạnh nhằm tăng cường hiệu quả phòng, chống dịch. Gần đây, khi nhận thấy các ca F0 có xu hướng gia tăng và lây lan nhanh, một số doanh nghiệp đã chủ động xây dựng kịch bản "3 tại chỗ" (làm việc, ăn ngủ, sinh hoạt tại nhà máy).

Thế nhưng, vấn đề khiến không ít doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp lo ngại chính là từ một vài ca bệnh ban đầu được phát hiện tại nhà máy đã xuất hiện hàng trăm ca F0, vài nghìn ca F1 khiến công tác phòng, chống dịch của doanh nghiệp rơi vào tình thế bị động, lúng túng, trở tay không kịp.

Ðiểm chung mà nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có đông công nhân lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh đang lúng túng khi thực hiện phương án "vừa sản xuất, vừa chống dịch" là điều kiện cơ sở vật chất có hạn, chỉ đáp ứng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường. Ngoài ra, đánh giá mức độ lây nhiễm, kể cả phương án khoanh vùng, cách ly tại chỗ của lực lượng y tế sở tại chưa kịp thời để ứng phó cũng là việc khiến doanh nghiệp cảm thấy "đuối sức", loay hoay, lúng túng…

Thành phố Hồ Chí Minh là thị trường lao động được đánh giá năng động và lớn nhất cả nước với khoảng 1,6 triệu công nhân, người lao động; trong đó, 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và một Khu công nghệ cao đang có tổng cộng hơn 320.000 người làm việc. Vì vậy, chính quyền các cấp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cùng các cơ sở y tế địa phương cần xây dựng kịch bản thật cụ thể để xử lý những tình huống doanh nghiệp có số ca F0, F1 quá lớn trong điều kiện cơ sở vật chất tại chỗ hạn chế để xử lý kịp thời, đồng bộ. Ðơn vị y tế có thẩm quyền cần tiến hành điều tra nhanh ca F0 kết hợp với đánh giá thực địa để đưa ra phương án xử lý nhanh, hiệu quả nhất. Việc truy vết và thời gian trả kết quả xét nghiệm F1, F2 cần thực hiện nhanh hơn nữa nhằm hạn chế sự lây lan dịch bệnh trong môi trường sản xuất khép kín.

Hơn lúc nào hết, công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các khu chế xuất, khu công nghiệp phải được thực hiện một cách chủ động, xuyên suốt với tinh thần trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị. Thiết lập các biện pháp dự phòng chặt chẽ, khoa học, tạo điều kiện để doanh nghiệp kịp thời có phương án sản xuất phù hợp, bảo đảm an toàn cao nhất về sức khỏe và an toàn vệ sinh lao động cho người lao động. Mỗi phân xưởng, xí nghiệp phải thật sự là một "pháo đài"; từng công nhân phải thật sự là một "chiến sĩ" trên trận tuyến chống dịch nhằm bảo đảm an toàn từ chỗ ở cho đến nơi làm việc và cả cộng đồng dân cư…/.

Quý Hiền (nhandan.vn)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất