(TG) - Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Bộ Công an và Cục Hàng hải Việt Nam, trong quý I năm 2022 (tính từ ngày 15/12/2021 đến 14/3/2022) toàn quốc xảy ra 2.762 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.676 người, bị thương 1.741 người. So với cùng kỳ năm 2021, số vụ TNGT giảm 662 vụ (-19,33%), số người chết giảm 67 người (-3,84%), số người bị thương giảm 739 người (-29,80%). Trong đó:
Đường bộ: xảy ra 2.731 vụ, làm chết 1.630 người, bị thương 1.734 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 655 vụ (-19,34%), giảm 80 người chết (-4,68%), giảm 739 người bị thương (-29,88%). Nguyên nhân: có 15,47% do người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường; 7,49% do chuyển hướng không đảm bảo an toàn; 3,69% do vượt xe sai quy định; 3,28% do vi phạm tốc độ; 1,76% do sử dụng rượu, bia, chất kích thích có cồn; 1,52% do người đi bộ sang đường sai quy định; 0,12% do công trình giao thông đường bộ không đảm bảo an toàn; 0,52% do dừng đỗ sai quy định; 0,08% do phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật; 27,42% do các nguyên nhân khác; 38,61% chưa xác định được nguyên nhân.
Đường sắt: xảy ra 18 vụ, làm chết 11 người, bị thương 6 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 02 vụ (-10,00%), giảm 05 người chết (-31,25%), giảm 01 người bị thương (-14,29%).
Đường thuỷ: xảy ra 12 vụ, làm chết 25 người, bị thương 01 người. So với cùng kỳ năm trước giảm 02 vụ (-14,29%), tăng 15 người chết (+150%%), tăng 01 người bị thương.
Hàng hải: xảy ra 01 vụ, làm chết và mất tích 10 người, không có người bị thương. So với cùng kỳ năm trước giảm 03 vụ (-75%), tăng 03 người chết và mất tích (+42,86%), số người bị thương không thay đổi (0/0).
Về lĩnh vực hàng không dân dụng: Đã nhận 90 báo cáo an toàn bắt buộc (Mandatory Occurrence Report), xảy ra 01 tai nạn mức A (hoạt động bay huấn luyện phi công cơ bản) và 14 sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn (01 mức C và 13 mức D), không xảy ra sự cố nghiêm trọng. So với cùng kỳ năm ngoái giảm 21,1% tổng số tai nạn, sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn.
* Tình hình TNGT theo địa phương quý I năm 2022 (tính từ ngày 15/12/2021 đến 14/3/2022): có 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2021, trong đó 11 địa phương giảm trên 40% số người chết là: Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Quảng Bình, Hà Giang, Sơn La, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Ninh Thuận, Quảng Trị. Đặc biệt: Thái Nguyên, Vĩnh Phúc và Quảng Bình giảm trên 60% số người chết do TNGT.
Tuy nhiên, vẫn còn 24 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2021, trong đó 13 tỉnh tăng trên 15% là: Bình Dương, Bắc Giang, Đồng Tháp, Hòa Bình, Long An, Đăk Nông, Đà Nẵng, Hậu Giang, Yên Bái, Tây Ninh, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Điện Biên, trong đó, có 04 tỉnh có số người chết tăng trên 50% trở lên là: Tây Ninh, Quảng Ngãi, Phú Thọ và Điện Biên (phụ lục số 03).
Tình hình tai nạn giao thông 09 ngày tết nguyên đán Nhâm Dần: Cũng theo báo cáo của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), Cục Hàng Hải Việt Nam và Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT), trong 09 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (từ ngày 29/01 đến 06/02/2022, tức từ 27 tháng Chạp năm Tân Sửu đến mùng 6 tháng Giêng năm Nhâm Dần): toàn quốc xảy ra 216 vụ, chết 121 người, bị thương 138 người. So với cùng kỳ năm 2021, giảm 25 vụ (-10,4%), giảm 67 người chết (-35,6%), giảm 48 người bị thương (-25,8%). So với cùng kỳ năm 2021 giảm 17 vụ (-7,3%), giảm 14 người chết (-10,4%), giảm 29 người bị thương (-17,4%).
Tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng: Đường bộ: có 09 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 30 người, bị thương 23 người. Trong đó, Gia Lai 03 vụ; Thanh Hóa 02 vụ; Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Định, Tiền Giang và Thừa Thiên Huế mỗi địa phương xảy ra 01 vụ. Nguyên nhân theo điều tra sơ bộ ban đầu: đi không đúng làn đường, phần đường quy định 01 vụ (Thừa Thiên Huế); đi không đúng làn đường, phần đường và chạy quá tốc độ quy định 01 vụ (Gia Lai); vi phạm quy định về nồng độ cồn 01 vụ (Tiền Giang); vi phạm quy định về nồng độ cồn, chở quá số người, chạy quá tốc độ quy định và không chú ý quan sát, chưa đủ độ tuổi lái xe 01 vụ (Gia Lai); vượt xe và chạy quá tốc độ quy định 01 vụ (Thanh Hóa); chở quá tải trọng phương tiện, quá số người quy định, mất lái khi đi xuống đường đèo, dốc trong điều kiện thời tiết hạn chế tầm nhìn 01 vụ (Gia Lai); lái xe trong tình trạng mệt mỏi, ngủ gật 01 vụ (Bà Rịa – Vũng Tàu); đang điều tra 02 vụ. Về thời gian xảy ra tai nạn: 9,26% từ 0h đến 06h; 16,93% sau 06h đến 12h; 31,71% từ sau 12h đến 18h và 42,1 từ sau 18h đến 24h.
Đường thủy: có 01 vụ đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Quảng Nam, làm chết 17 người. Ùn tắc giao thông: xảy ra 14 vụ ùn tắc giao thông kéo dài[1]. Nguyên nhân, có 08 vụ do tai nạn giao thông (chiếm 57,14%); 04 vụ do lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng đột biến (chiếm 28,57%), còn lại 01 vụ do mưa lớn gây sạt lở đất và 01 vụ do thi công đường bộ (chiếm 7,14%).
Chống người thi hành công vụ: xảy ra 08 vụ, làm 01 đồng chí Cảnh sát giao thông bị thương; bắt giữ 07 đối tượng.
Đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng, gây rối TTCC: Quý I năm 2022, Công an các địa phương đã phát hiện 35 vụ với 922 đối tượng có hành vi lạng lách, đánh võng, chạy xe thành đoàn với tốc độ cao, có dấu hiệu đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng; xử lý hình sự 02 vụ, 08 đối tượng (03 đối tượng tổ chức đua xe trái phép, 05 đối tượng gây rối trật tự công cộng tại Tiền Giang); xử lý hành chính 33 vụ, 914 đối tượng. Ngoài ra, trong quý I/2022, Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố 01 vụ, 16 bị can về tội gây rối trật tự công cộng, xảy ra vào ngày 21/9/2021./.
Tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông
Để tiếp triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Nghị quyết số 48 của Chính phủ và Kế hoạch số 36 của Ủy ban ATGT Quốc gia về Kế hoạch Năm An toàn giao thông 2022; trong quý II năm 2022, Ủy ban ATGT Quốc gia đề nghị Bộ GTVT triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về kiểm soát tải trọng xe theo Chỉ thị số 32 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông; yêu cầu chủ đầu tư các dự án xây dựng, bảo trì công trình giao thông xử lý nghiêm nhà thầu để xe ô tô cung cấp vật liệu cho công trình chở quá tải trọng khi lưu thông trên các tuyến đường bộ công cộng.
Đối với Bộ Công an cần kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực Kế hoạch số 53 về tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề "người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn" và Kế hoạch số 435 về chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo phương tiện trên đường bộ… |
Duy Hưng