Sau hai năm diễn ra theo hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, lần đầu tiên các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) có cơ hội gặp gỡ trực tiếp tại thủ đô Bangkok của Thái Lan để cùng thảo luận và thống nhất các giải pháp thúc đẩy thương mại và đầu tư, phục hồi tăng trưởng và tăng trưởng bao trùm trong một thế giới đang chuyển động phức tạp, tiềm ẩn nhiều bất trắc khó đoán định.
Trên thực tế, đây là năm đầu
tiên APEC triển khai Kế hoạch Hành động Aotearoa - được thông qua năm
ngoái khi New Zealand chủ trì nhóm - nhằm thực hiện Tầm nhìn Putrajaya
về một “Cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương cởi mở, năng động, kiên cường
và hòa bình vào năm 2040 vì sự thịnh vượng của tất cả mọi người và các
thế hệ tương lai”. Chính vì vậy, Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC
năm nay có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ đánh dấu sự
bình thường trở lại sau những mất mát, gián đoạn vì đại dịch COVID-19
suốt gần 3 năm qua mà còn là dịp để các thành viên tái kết nối với nhau,
cùng hợp tác phục hồi kinh tế hậu COVID-19, tăng cường liên kết kinh tế
và kết nối khu vực, cũng như thúc đẩy tăng trưởng cân bằng, bền vững và
bao trùm.
Trong hai thập niên qua, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã đạt tốc
độ phát triển nhanh chóng và sự thịnh vượng ngày càng tăng. Tuy vậy,
thách thức đặt ra hiện nay là làm sao đảm bảo tất cả các nền kinh tế
APEC đều có tốc độ tăng trưởng dương như nhau. Có thể thấy sau nhiều
thập niên dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng kinh tế, khu vực châu Á
- Thái Bình Dương ngày nay là một khối kinh tế lớn song có sự phân hóa
kinh tế xã hội rõ rệt giữa các thành viên giàu nhất và nghèo nhất. Các
nhà lãnh đạo kinh tế APEC phải thừa nhận rằng bất bình đẳng ngày càng
tăng là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với khu vực. Do đó, vấn đề là
mỗi nền kinh tế phải đặt ra một mốc thời gian và mục tiêu để thu hẹp
khoảng cách giữa những người giàu nhất và những người nghèo nhất, phù
hợp với các cam kết đối với các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của
Liên hợp quốc (LHQ).
Định nghĩa của Ngân hàng Thế giới (WB) về tăng trưởng bao trùm tập
trung vào sự thịnh vượng chung, mà các nhà kinh tế thường đo lường bằng
cách phân tích mức tăng trưởng thu nhập hằng năm của 40% dân số nghèo
nhất của một nền kinh tế. Như vậy, sự thịnh vượng chung không thể đạt
được khi các hộ gia đình nghèo không được hưởng lợi từ sự tăng trưởng
kinh tế chung. Từ góc độ này, xúc tiến thương mại đơn thuần sẽ chưa thể
thoả mãn được mục tiêu “tăng trưởng bao trùm” từng được các nhà lãnh đạo
kinh tế APEC đề cập nhiều lần ở các hội nghị trước đây. Nhiệm vụ của
hội nghị APEC năm nay là phải nêu bật được tầm quan trọng của việc thúc
đẩy hội nhập kinh tế, tài chính và xã hội như những cách thức để đạt
được “tăng trưởng bao trùm”.
Với tư cách Chủ tịch APEC 2022, Thái Lan đã xây dựng chương trình
nghị sự với chủ đề “Mở - Kết nối - Cân bằng” cho mục tiêu nói trên. "Mở"
ở đây là mở cửa cho tất cả các cơ hội. Ưu tiên này tập trung vào việc
tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư và thương mại, tài chính, cũng như
bắt đầu đối thoại mới về việc hiện thực hóa Khu vực Tự do thương mại
châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP) thông qua lăng kính hậu COVID-19 để
thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực APEC, bao gồm các vấn đề thương mại
mới nổi như thương mại điện tử và kinh tế số, đồng thời tăng cường xây
dựng năng lực cho tất cả các nền kinh tế.
"Kết nối" là tái kết nối khu vực. Hai năm sau đại dịch, kết nối bị
gián đoạn vẫn là một trong những vấn đề cấp bách chưa được giải quyết
thấu đáo. Để phục hồi tăng trưởng, Hội nghị APEC 2022 sẽ tập trung vào
việc khôi phục kết nối bằng cách nối lại du lịch xuyên biên giới an toàn
và liền mạch, phục hồi sức mạnh du lịch và lĩnh vực dịch vụ, tạo thuận
lợi cho sự di chuyển của doanh nghiệp cũng như tăng cường đầu tư vào an
ninh y tế, đồng thời sử dụng công nghệ số để tăng tốc kết nối trong khu
vực.
Ưu tiên cuối cùng là "Cân bằng" tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng
bao trùm và bền vững bằng cách khám phá các mô hình và thực tiễn kinh tế
ưu tiên giải quyết biến đổi khí hậu và các thách thức môi trường nghiêm
trọng khác của khu vực, song song với tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và có
khả năng phục hồi, đồng thời đảm bảo sự tham gia và mang lại của toàn
xã hội lợi ích công bằng cho tất cả mọi người.
Thái Lan đã áp dụng mô hình kinh tế Sinh học - Tuần hoàn - Xanh
(BCG) như một phần trong quá trình phục hồi quốc gia sau đại dịch. Chủ
nhà của APEC 2022 tin tưởng rằng mô hình này có thể là giải pháp phù hợp
để các nền kinh tế thành viên APEC khác tham khảo trong quá trình hành
động để đạt được một nền kinh tế hậu COVID-19 cân bằng và bền vững hơn.
Ông Tanee Sangrat, phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan, bày tỏ hy vọng tại
hội nghị này, các nhà lãnh đạo kinh tế APEC sẽ thảo luận, thông qua và
cùng công bố Tuyên bố Bangkok về mô hình BCG vào ngày 19/11 tới. Theo
ông, tuyên bố này sẽ đặt một dấu mốc, một di sản quan trọng cho năm Thái
Lan làm chủ nhà APEC, giúp các nền kinh tế thành viên phát triển một
cách bền vững hơn, vượt qua các thách thức, đặc biệt là đại dịch
COVID-19 và các dịch truyền nhiễm mới nổi khác có thể xảy ra trong tương
lai.
Với Việt Nam, khu vực châu Á - Thái Bình Dương và APEC là một trong
những ưu tiên quan trọng trong triển khai chiến lược đối ngoại, chủ
trương đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, góp phần bảo vệ và thúc
đẩy các lợi ích an ninh, phát triển và tầm ảnh hưởng của đất nước trong
giai đoạn phát triển mới. Riêng trong năm 2022, Việt Nam đã đề xuất các
sáng kiến về kinh tế tuần hoàn, xử lý rác thải cứng đại dương, thương
mại điện tử, nâng cao quyền phụ nữ, ứng phó với biến đổi khí hậu, đóng
góp tích cực triển khai Kế hoạch Hành động Aotearoa.
Việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn cấp cao Việt Nam dự
Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 29 được tổ chức tại
Bangkok, Thái Lan, thể hiện mạnh mẽ thông điệp về một Việt Nam đang chủ
động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và nâng tầm đối
ngoại đa phương; góp phần thúc đẩy hòa bình, hợp tác và liên kết kinh tế
tại khu vực; quảng bá vị thế, hình ảnh đất nước ổn định, tăng trưởng
kinh tế tích cực sau đại dịch và thu hút nguồn lực phục vụ phát triển
kinh tế - xã hội trong nước./.
ĐỖ SINH (TTXVN)