Thứ Năm, 19/12/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 19/1/2010 20:54'(GMT+7)

Bác bỏ đề nghị lập Ủy ban quốc gia an toàn thực phẩm

Lý giải cho đề xuất trên, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu dẫn việc lập Ủy ban Dân số kế hoạch hóa gia đình trước đây: "Suốt 30 năm tỷ lệ sinh của chúng ta không giảm, năm 1990 số con trung bình của một phụ nữ tới 3,8. Nhưng 10 năm sau đó, khi có Ủy ban dân số kế hoạch hóa gia đình, con số này đã giảm xuống 2,1 đảm bảo quy mô dân số hợp lý".

Bộ trưởng nói thêm, trong điều kiện Việt Nam có tới 9,4 triệu hộ nông dân trực tiếp sản xuất nông sản và tiểu thương kinh doanh thực phẩm quy mô nhỏ lẻ tại chợ, đường biên giới lại dài, nhập tiểu ngạch lớn thì việc lập một ủy ban quản lý nhà nước về lĩnh vực này là "hoàn toàn xứng đáng". Ông Triệu đề xuất ủy ban này sẽ trực thuộc Chính phủ, các bộ cử người tham gia phối hợp.

"Thành lập Ủy ban quốc gia sẽ giảm được sự chồng chéo dẫn đến khó quy trách nhiệm như lâu nay, việc quản lý điều hành sẽ mạch lạc hơn. Có việc gì, Quốc hội chỉ cần gõ ủy ban, tránh phải gõ nhiều bộ, ít nhất như dự luật hiện nay là phải gõ 3 bộ Y tế, Nông nghiệp và Công thương", Bộ trưởng Y tế phân tích.

Tuy nhiên, hầu hết ý kiến sáng nay đều không đồng tình với đề xuất của Bộ Y tế. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn lý giải: "Tôi từng tham gia Ủy ban dân số kế hoạch hóa gia đình, Ủy ban bảo vệ trẻ em ở địa phương, nhưng thấy hiệu quả hoạt động rất kém".

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Quang Bình bổ sung: "Nhiều lãnh đạo phàn nàn không biết tham gia bao nhiêu ủy ban, ban chỉ đạo vì hiếm khi nào đi họp, toàn giao cho văn phòng cơ quan. Khi chất vấn, chính Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu từng trả lời danh sách thành viên ủy ban toàn là thứ trưởng, nhưng nhìn xuống người đi họp toàn là vụ trưởng, vụ phó. Cơ chế phối hợp lỏng lẻo khiến hiệu quả của những ủy ban này không cao".

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, địa vị pháp lý của ủy ban quốc gia không rõ ràng. Bộ máy Chính phủ trước đây gồm bộ, cơ quan ngang bộ và ủy ban. Nhưng sau khi sửa hiến pháp năm 1992, ta chỉ giữ lại Ủy ban Dân tộc, Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng nhà nước là cơ quan ngang bộ, còn lại đưa các lĩnh vực quản lý nhà nước về bộ. Các ủy ban hiện nay do Chính phủ thành lập chủ yếu làm nhiệm vụ tư vấn, không tham gia quản lý nhà nước.

"Giờ lập Ủy ban quốc gia an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ đi ngược lại chủ trương đang thực hiện. Mặt khác, quản lý an toàn thực phẩm là nhiệm vụ của nhiều bộ ngành, giờ nếu lập riêng một cơ quan sẽ gây xáo trộn", ông Lưu nói.

Từ lập luận trên, Thường vụ Quốc hội nhất trí với phương án dự luật an toàn vệ sinh thực phẩm chỉ quy định mang tính nguyên tắc về trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp trong quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm. Bộ Công thương có trách nhiệm phối hợp, chủ trì trong công tác phòng chống thực phẩm giả, gian dối thương mại trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Những vấn đề còn sự giao thoa, chồng lấn giữa các bộ thì giao Chính phủ quy định.

Dự luật này sẽ được hoàn thiện và có thể được thông qua trong kỳ họp Quốc hội tháng 5 tới.

Trong 3 tháng qua, các cơ quan chức năng tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng...liên tiếp phát hiện các vụ mỡ bẩn, nước tương bẩn, hạt dưa, ớt bột nhiễm chất độc hại. Gần đây nhất, xét nghiệm 19 mẫu cháo dinh dưỡng trên thị trường, Thanh tra Sở Y tế TP HCM phát hiện 4 mẫu chứa hóa chất ngoài danh mục cho phép.

8 bộ đang tham gia quản lý an toàn thực phẩm

Theo nghị định 163 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm thì quản lý nhà nước được phân công cho 8 bộ. Nghị định 79 quy định hệ thống tổ chức quản lý, thanh tra và kiểm nghiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm thì phân công cho 5 bộ. Chính vì vậy, theo Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, trong nhiều công đoạn của quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn có sự chồng chéo trong quản lý nhà nước, khi xảy ra sự việc khó xác định trách nhiệm của các bộ liên quan.


Vnexpress

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất