Thứ Sáu, 20/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Hai, 23/2/2009 22:51'(GMT+7)

“Bác đi rồi vẫn thấy Bác khắp nơi”

Từ khi nền văn học nghệ thuật cách mạng Việt Nam hình thành, Bác Hồ trở thành một trong những đề tài chủ yếu và nguồn cảm hứng sáng tạo đầy hứng khởi của các văn nghệ sĩ.

Viết về Bác Hồ, vẽ về Bác Hồ bao nhiêu cũng không đủ và không phản ánh hết tầm vóc vĩ đại, cao cả của Người. Khai thác và phát huy ưu thế của loại tranh cổ động, các họa sĩ đã chọn những hình ảnh, sự kiện, cử chỉ, việc làm tiêu biểu nhất trong cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác Hồ để sáng tạo ra những bức tranh đẹp với ngôn ngữ tạo hình cô đọng, súc tích, dễ hiểu và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem. Nhiều bức tranh cổ động được các họa sĩ vẽ từ những năm kháng chiến, nhưng đến nay vẫn còn giá trị sâu sắc. Tác phẩm “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” (vẽ năm 1951) của họa sĩ Nguyễn Xuân Hiệp tái hiện các giai cấp, tầng lớp nhân dân siết chặt tay nhau đứng xung quanh Bác Hồ như biểu thị sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc trong việc giữ vững nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Hình ảnh Bác Hồ mặc bộ quân phục với tư thế nghiêm trang đứng ở phía trước, nối tiếp là đoàn quân trùng trùng điệp điệp ra trận trong tác phẩm “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” của Huy Oánh-Nguyễn Thụ (vẽ năm 1970) như lời thúc giục hào hùng của vị Tổng tư lệnh tối cao động viên người chiến sĩ khắc phục mọi gian lao, quyết tâm đánh thắng kẻ thù.

Tình cảm Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho các tầng lớp nhân dân cũng được các họa sĩ thể hiện sâu đậm. Nhìn bức tranh “Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh” (tác giả Lê Tuyết) với cảnh các em thiếu nhi quây quần bên Bác cùng vui múa hát rộn ràng; hay tác phẩm “Sống bình dị, sống gần dân, sống cuộc sống của dân” (họa sĩ Phạm Lung) với hình ảnh Bác Hồ quần xắn đến gối cùng kéo lưới bắt cá với một lão ngư dân, khiến người xem rưng rưng cảm động. Trước tấm lòng cao cả, thân thương, nhân hậu, mộc mạc của vị lãnh tụ đã dành cho đồng bào, họa sĩ Võ Lương Nhi khắc họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một trái tim lớn với lời đề “Bác Hồ sống mãi trong trái tim mọi người” như một thông điệp đầy sức thuyết phục.

Không chỉ dừng lại ở việc trân trọng, ngợi ca, tôn vinh công đức của Người, các họa sĩ còn chuyển tải tới người xem những điều chỉ bảo, dặn dò ân cần của Bác đối với nhân dân. Bức tranh “Thi đua là yêu nước” của họa sĩ Nguyễn Thanh Hải in hình Bác Hồ, bên cạnh là những đóa hoa sen đang nở trải dài theo hình chữ S-biểu tượng của nước Việt-càng có ý nghĩa với lời dặn dò của Bác: “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp. Cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”. Tấm hình Bác Hồ đang chăm chú đọc báo Nhân Dân (tác giả Trần Mai) với lời đề “Mỗi khi viết một bài báo thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết như thế nào cho phổ thông, dễ hiểu, ngắn gọn” là lời nhắc nhở nhẹ nhàng, sâu sắc của Bác Hồ đối với mỗi người cầm bút ở mọi lúc, mọi nơi. Hay bức tranh của họa sĩ Nguyễn Bằng Lâm “ghi lại” cảnh bà con nông dân đang tấp nập cày cấy, thu hoạch trên đồng lúa kèm theo lời huấn thị của Bác “Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ” vẫn còn ý nghĩa thời sự đến hôm nay. Đặc biệt, hình tượng Bác Hồ với bông hoa sen cách điệu và lời đề “Cần, kiệm, liêm, chính” của họa sĩ Nguyễn Công Quang, tuy bố cục đơn giản, nhưng thể hiện ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Sinh thời, Bác Hồ luôn dành tình cảm ưu ái đặc biệt cho cán bộ, chiến sĩ quân đội. Do vậy, hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ được khá nhiều họa sĩ quan tâm thể hiện trong các bức tranh cổ động của mình. Nếu tác phẩm “Huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, sẵn sàng chiến đấu cao” của Trịnh Bá Quát với hình ảnh ba chiến sĩ hải quân, lục quân, không quân biểu thị tinh thần khát vọng vươn lên, thì tác phẩm “Bộ đội Hải quân học tập lời dạy của Bác Hồ” của Nguyễn Bằng Lâm thể hiện ý chí quyết tâm giữ vững chủ quyền vùng biển. Họa sĩ Giang Khích đã khắc sâu hình ảnh Bác Hồ ngồi ở đài quan sát trong Chiến dịch Biên Giới, phía dưới là người chiến sĩ mang quân hàm xanh càng thêm nổi bật bên câu thơ của Người tặng bộ đội Biên phòng: “Non xanh nước biếc trùng trùng/Giữ gìn Tổ quốc ta không ngại ngùng gian lao/Núi cao sự nghiệp càng cao/Biển sâu chí khí ta so vào càng sâu/Thi đua ta quyết giật cờ đầu!”.

Mỗi lần xem phim tài liệu hay đọc bài thơ viết về Bác Hồ, lòng tôi lại dâng lên niềm bồi hồi, xúc động trước cuộc đời thanh bạch, giản dị và tình cảm nhân ái bao la của vị Cha già kính yêu dành cho Tổ quốc và đồng bào ta. Vì vậy, xem cuộc triển lãm tranh cổ động sáng tác về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", thêm một lần nữa, tôi càng hiểu sâu hơn hình ảnh vĩ đại mà bình dị của Người. Viết đến đây, tôi chợt nhớ tới câu thơ của Tế Hanh: “Bác để lại cho chúng ta tất cả/Hiện tại, tương lai, quá khứ-cuộc đời/Tổ quốc, non sông, đất trời, hoa lá/Bác đi rồi vẫn thấy Bác khắp nơi”. /.

(Theo: Nguyễn Văn Hải/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất