Thứ Bảy, 23/11/2024
Sức khỏe
Thứ Bảy, 13/4/2013 15:58'(GMT+7)

Bắc Kinh phát hiện trường hợp đầu nhiễm virus H7N9

Nhân viên y tế lấy mẫu máu gà xét nghiệm để thử phản ứng với virus H7N9 tại Hong Kong ngày 11/4. Ảnh minh họa. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhân viên y tế lấy mẫu máu gà xét nghiệm để thử phản ứng với virus H7N9 tại Hong Kong ngày 11/4. Ảnh minh họa. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cơ quan y tế thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 13/4 cho biết đã phát hiện ca nhiễm virus cúm gia cầm H7N9 đầu tiên tại thủ đô là một em bé 7 tuổi.

Trường hợp này đã nâng tổng số người bị nhiễm loại virus chết người H7N9 trên cả nước lên 44 người, trong đó 43 ca ở các tỉnh miền Đông. Hiện, tổng số ca tử vong vì virus này là 11 người.

Kết quả xét nghiệm của em bé trên đã được Trung tâm Kiểm soát và phòng dịch Trung Quốc (CCDCP) xác nhận sáng 13/4.

Phòng Y tế thành phố Bắc Kinh cho biết hiện em bé trên đang được điều trị tại Bệnh viện Ditan Bắc Kinh và đang trong tình trạng mê mệt. Hai người có tiếp xúc với em hiện không có triệu chứng cúm.

Thông báo của Ủy ban Sức khỏe và Kế hoạch hóa Gia đình quốc gia (NHFPC) cho biết những người có tiếp xúc gần với các bệnh nhân bị nhiễm cúm đều đã được áp dụng biện pháp quan sát lâm sàng và hiện chưa thấy có dấu hiệu khác thường, cũng chưa phát hiện có trường hợp nào lây nhiễm từ người sang người.

Theo NHFPC, hiện mạng lưới phòng xét nghiệm cúm ở toàn bộ 31 tỉnh thành tại Trung Quốc đại lục đều có thể xét nghiệm virus H7N9 sau khi CCDCP cung cấp tổng số 160.000 liều thuốc thử phản ứng cho các phòng xét nghiệm này.

Hiện, trung tâm đang tích cực sản xuất thêm thuốc thử phản ứng để kiểm soát tốt hơn bệnh cúm nguy hiểm này. Ngoài ra, họ cũng sẽ tập trung theo dõi sự biến đổi của virus H7N9, như khả năng kháng thuốc và biến đổi gien của chúng, nhằm phát hiện nguy cơ lây nhiễm từ người sang người của loại virus nói trên.

Trước đó, ngày 10/4, Trung Quốc đã chính thức khởi động dự án nghiên cứu phát triển vaccine kháng virus H7N9.

Dự án trên sẽ do Bộ Khoa học Công nghệ Trung Quốc và Ủy ban Sức khỏe và Kế hoạch hóa Gia đình quốc gia phối hợp triển khai. Các chuyên gia hy vọng có thể bào chế thành công loại vắcxin này trong vòng 7 tháng tới./.

TTX
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất