(TG)- Từ khi có Chỉ thị 24 về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã quan tâm nhiều đến việc xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của Hội Đông y.
Sau khi
tiếp thu Chỉ thị 24-CT/TW của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Hướng
dẫn số 02-HD/TU về việc hướng dẫn triển khai, quán triệt thực hiện Chỉ thị số
24-CT/TW của Ban Bí thư về “Phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông
y Việt Nam trong tình hình mới” (gọi
tắt Chỉ thị 24); đồng thời tổ chức Hội nghị cán bộ để triển khai, quán triệt
nội dung Chỉ thị 24 và Hướng dẫn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho đội ngũ cán bộ
lãnh đạo chủ chốt của tỉnh. Sau đó từng cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy cũng đã tiến
hành tổ chức Hội nghị quán triệt cho cán bộ chủ chốt của cấp mình, cán bộ chủ
chốt cấp xã, phường, thị trấn và đảng ủy, chi ủy trực thuộc. Mặt trận Tổ quốc
và các đoàn thể chính trị - xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh
cũng thường xuyên xây dựng chuyên đề, chuyên trang, chuyên mục để tuyên truyền,
phổ biến nội dung Chỉ thị đến các đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân
trong tỉnh.
Từ khi có
Chỉ thị 24 về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình
hình mới, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã quan tâm nhiều đến việc xây dựng, củng
cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của Hội Đông y. Đã chỉ đạo hình thành hệ thống
Hội Đông y ở cả 3 cấp từ tỉnh đến cơ sở. Chức năng nhiệm vụ của Hội Đông y được
xác định rõ ràng, cụ thể hơn, tập chung vào 4 chức năng chính là: Tập hợp những
người hành nghề đông y, đông dược trong tỉnh “tư cũng như công” thành tổ chức
và phát triển nền đông y, cùng với Ngành Y tế bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức
khỏe nhân dân; tổ chức khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền từ tỉnh đến cơ sở;
tổ chức bồi dưỡng, đào tạo nâng cao tay nghề cho hội viên; tham gia thực hiện
hoạt động quản lý nhà nước đối với hoạt động dịch vụ hành nghề y học cổ truyền
trong toàn tỉnh.
Đến nay,
hệ thống tổ chức màng lưới Hội Đông y trong tỉnh đã được hoàn thiện; 100% xã,
phường, thị trấn, các huyện, thành phố trong tỉnh đều có tổ chức Hội đông y hoạt
động. Đã tổ chức vận động đưa toàn bộ lực lượng lương y, thầy thuốc vào trong
các hội để phát huy; công tác phát triển hội viên luôn được các Hội chú trọng,
toàn tỉnh hiện có 388 hội viên chính thức. Hiện nay, công tác khám, chữa bệnh bằng
đông y được tổ chức thực hiện trên 3 hệ thống: Hệ thống quốc lập của ngành y tế;
hệ thống công lập của Hội (các tổ chức Hội
thành viên) và hệ thống tư nhân, với tổng số 130 cơ sở khám, chữa bệnh.
Công tác
đào tạo nguồn nhân lực phục vụ trong y dược học cổ truyền luôn được tỉnh chú trọng.
Hội Đông y tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế thường xuyên tổ chức các khóa
đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác y học cổ truyền từ tỉnh đến cơ sở; đưa cán
bộ, những người hành nghề đông y đi đào tạo, bồi dưỡng ở các nơi với các hình
thức phong phú, đa dạng như: đào tạo lương y, y sĩ và bác sỹ chuyên khoa y học
cổ truyền,… Qua đó, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, lực lượng hành nghề
đông y trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao. Chỉ tính riêng bộ phận y học
cổ truyền trong các bệnh viện (tuyến huyện
và tỉnh) đã có 36 cán bộ có trình độ từ y sỹ y học cổ truyền trở lên; trong
đó có 02 thạc sĩ/bác sỹ chuyên khoa I, 05 bác sỹ chuyên khoa sơ bộ, 23 y sỹ Y học
cổ truyền và 06 cán bộ có trình độ khác.
Từ những kết quả đạt được trên, trong thời gian
tới nhằm làm tốt công tác phát triển màng lưới Hội cũng như quan tâm đến công
tác đào tạo cho đội ngũ cán bộ làm công tác y học cổ truyền từ tỉnh đến cơ sở, từng bước nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu bảo vệ, chăm sóc
và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, tỉnh Bạc Liêu đã đề ra một số
nhiệm vụ và giải pháp về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 24 của Ban Bí thư như sau:
Một là, tiếp
tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu của Chỉ thị 24 và các chỉ thị,
nghị quyết của cấp trên có liên quan cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân
dân; xác định trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội trong
việc phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam nhằm mục tiêu bảo
vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, góp phần cải thiện và nâng cao chất
lượng nguồn nhân lực của tỉnh.
Hai là, quan
tâm đào tạo, bố trí nhân lực có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho Hội Đông y
các cấp; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, phương tiện làm
việc, bố trí ngân sách hợp lý cho Hội đông y các cấp, nhằm tạo điều kiện phát
huy và phát triển nền Đông y tỉnh nhà trong tình hình mới.
Ba là, tiếp
tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng cơ chế, chính sách và những quy định
cụ thể để thực hiện việc kết hợp giữa đông và tây y trong khám, chữa bệnh cho nhân
dân một cách hài hòa và có hiệu quả. Cần có chính sách đặc thù trong bảo vệ quyền
sở hữu trí tuệ để các lương y, thầy thuốc chuyển giao những bài thuốc hay, cây
thuốc quý và những kinh nghiệm trong phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân; đồng
thời, xây dựng các chế tài xử phạt nghiêm khắc những người hành nghề y học cổ
truyền trái pháp luật.
Bốn là, Hội
Đông y phối hợp với ngành y tế và các cơ sở đào tạo chuyên ngành, xây dựng kế
hoạch, quy hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho lực
lượng thầy thuốc, lương y, lương dược,… một cách phù hợp, đáp ứng yêu cầu khám
chữa bệnh trong tình hình hiện nay và những năm tiếp theo. Trong đó, quan tâm
đào tạo cho cán bộ thầy thuốc chuyên trách và đào tạo mới một cách hợp lý để từng
bước tạo ra lực lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý của các cấp Hội làm nồng cốt
trong phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới.
Năm là, tiếp
tục củng cố, chấn chỉnh và hoàn thiện hệ thống tổ chức mạng lưới Hội Đông y từ
tỉnh đến cơ sở, vận động đưa toàn bộ lực lượng lương y, thầy thuốc vào tổ chức Hội
để phát huy và phát triển.
Sáu là, xây
dựng và hoàn thiện hệ thống chuyên môn khám chữa bệnh từ tỉnh đến cơ sở (cấp tỉnh, huyện và thành phố phải là cơ sở
khám, chữa bệnh hệ công lập), cấp cơ sở nơi nào không có lương y đảm trách
khám, chữa bệnh thì phối hợp với Trạm y tế mở phòng chẩn trị y học cổ truyền tại
trạm để phục vụ nhân dân.
Bảy là, tăng
cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực hoạt động Đông y; thường xuyên
kiểm tra các cơ sở hành nghề đông y trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các hành vi
lợi dụng danh nghĩa đông y để hành nghề trái pháp luật.
Tám là, quan
tâm xây dựng quy hoạch các vùng chuyên nuôi trồng dược liệu trên địa bàn tỉnh;
có chính sách khuyến khích nhân dân nuôi trồng dược liệu tại vườn nhà, đáp ứng
tốt nhu cầu phòng trị bệnh trong nhân dân. Đẩy mạnh công tác sưu tầm các loại
thảo dược, cây, con làm thuốc quý hiếm ở địa phương có nguy cơ tiệt chủng để có
kế hoạch bảo tồn; đồng thời, nghiên cứu các quy trình ứng dụng sản xuất thuốc
đông dược thành phẩm đưa vào phục vụ điều trị có hiệu quả./.
Trương Vũ Hùng – Ban Tuyên giáo Tỉnh
ủy Bạc Liêu