Chủ Nhật, 22/9/2024
Đời sống
Thứ Sáu, 6/3/2015 10:13'(GMT+7)

Bài 3: Đưa lễ hội vào nền nếp, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh

Đua ghe ngo - nét đẹp truyền thốngtrong Lễ hội Óc Om Bóc của đồng bào Khơ-me tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: HỒNG HIẾU

Đua ghe ngo - nét đẹp truyền thốngtrong Lễ hội Óc Om Bóc của đồng bào Khơ-me tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: HỒNG HIẾU

Những năm gần đây, do nhiều lý do trong đó có khoảng trống của giáo dục, hướng dẫn, buông lỏng trách nhiệm trong tổ chức quản lý của các cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng, đoàn thể quần chúng ở các địa phương nên lễ hội đã trở nên xô bồ, thực dụng, giảm đi tính thiêng liêng, tôn nghiêm, thanh cao vốn có. Sau nhiều biện pháp chỉ đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước, mới đây Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị 41-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội”, để đưa lễ hội hoạt động đúng hướng, vào nền nếp.

Nhận thức đúng về vai trò lãnh đạo, quản lý lễ hội

Về bản chất và thực tế, lễ hội là của dân, do dân, nhưng những nhận thức, quan niệm không chuẩn mực trong những giai đoạn khác nhau đã dẫn tới những ứng xử lệch lạc đối với lễ hội và việc lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý lễ hội. Trong hoàn cảnh chiến tranh, cùng nhận thức sai về tín ngưỡng và lễ hội, đã có khoảng thời gian dài Nhà nước cho dừng các hoạt động lễ hội. Trong điều kiện thời bình, cùng với công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, theo truyền thống của dân tộc và nguyện vọng của nhân dân, Đảng, Nhà nước ta đã thực hiện việc khôi phục, mở mang và tạo điều kiện để lễ hội phát triển. 

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của lối tư duy quan liêu, bao cấp cũ, bàn tay chính quyền nhiều lúc, nhiều nơi vẫn can thiệp vào điều hành, tổ chức theo quan niệm và ý muốn chủ quan, thắt mở tùy nghi, chi tiêu ngân sách tốn kém mà lễ hội trở thành khuôn mẫu, nhạt nhòa cùng nhiều hình thức, hoạt động cấy ghép, áp đặt không phù hợp truyền thống. Ngược lại, ở những nơi buông lỏng sự lãnh đạo, quản lý, lễ hội lại diễn ra tràn lan, bị biến tướng, rời xa truyền thống, bản sắc và xu hướng thực dụng, lợi dụng lễ hội để vụ lợi, trục lợi ngày càng phổ biến. Hiện nay, xu hướng này đang trở nên nổi trội, khuynh đảo và hiện tượng cán bộ, đảng viên làm ngơ, đứng ngoài cuộc đã diễn ra. Bộ phận trong cuộc từ người của ban quản lý di tích, nơi thờ tự, ban điều hành lễ hội thì: Hoặc cũng cho qua hoặc cũng làm theo, ăn theo theo cách thức nào đó. Thậm chí, lễ hội càng to, người tứ xứ đến càng đông, hàng hóa, dịch vụ bán được càng nhiều, người có chức quyền địa phương càng lấy đó làm sự hãnh diện, làm công tích.

Không thể để lễ hội thành nơi xô bồ, buôn thần bán thánh, mê tín dị đoan, thành "chợ trời" tự do vô lối, điều này được Đảng ta đặt ra trước hết là trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền. Tôn trọng dân, để dân tự do tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, lễ hội nhưng vai trò người cầm trịch, hướng dẫn không thể buông lỏng, phó mặc. Kinh nghiệm quản lý, tổ chức thành công các lễ hội: Đền Hùng, Lim, Phù Đổng… cho thấy khi cấp ủy, chính quyền cùng bàn bạc định hướng, lên kế hoạch, kiểm tra sát sao các công tác chuẩn bị, các biện pháp giữ trật tự, vệ sinh, an toàn, giao đúng người, đúng việc chăm lo từng khâu thì lễ hội luôn diễn ra suôn sẻ đúng nền nếp, kịch bản.

Lễ hội là một sinh hoạt xã hội lớn, đa dạng với nhiều hoạt động vòng trong, vòng ngoài phong phú và phức tạp, những người cầm trịch non tay hoặc vương vấn với lợi ích riêng sẽ dẫn đến chệch hướng, chuyển màu.

Thực tế cho hay, như bao điều của cuộc sống, người chịu trách nhiệm không có nhận thức đúng, không có tri thức đến mức độ cần thiết về tín ngưỡng, truyền thống quê hương, lệ tục xóm làng… sẽ không thể thực hiện vai trò nêu gương, không thể giảng giải, phân tích để vận động, hướng dẫn nhân dân có ứng xử, hành vi phù hợp trong hoạt động tín ngưỡng, dịch vụ.

Thực tế cũng cho thấy, để các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, các ban quản lý di tích, điều hành lễ hội hoạt động đúng vai trò, chức trách, rất cần thiết phải được sinh hoạt tư tưởng, bồi dưỡng nhận thức và tri thức vừa bằng tự học, vừa bằng các hình thức tổ chức lớp lang bài bản.

Hội chính, hội lệ

Những năm gần đây, khái niệm “hội chính, hội lệ” dường như bị lãng quên ở nhiều nơi. Đơn giản vì cuộc sống yên ả, thanh bình và cũng vì cứ mở hội là khắc có người đến, khắc có nguồn thu. Các cụ ta xưa trong điều kiện bình thường dăm năm hoặc vài năm mới mở hội chính, còn những năm mất mùa, đói kém, nước lụt hoặc giặc giã thì chỉ mở hội lệ. Ấy là lối ứng xử nhân văn, thực tế. Trong năm hội lệ, hội vật Liễu Đôi (Hà Nam) chỉ làm lễ mọn ở đền thờ thành hoàng và tổ chức một keo vật lệ ở sân đình hoặc sân thể thao. Ở hội Lim, năm hội lệ thì bớt đi rước đám, tế lễ, chỉ một đôi canh Quan họ trong làng, không mời gọi khách xa. Ở lễ hội Đền Hùng, thường chỉ vào năm chẵn năm, chẵn mười mới tổ chức Quốc lễ, hội lớn…

Đó là cơ sở thực tế của nội dung Chỉ thị của Ban Bí thư xem xét giảm tần suất các lễ hội, nhất là các lễ hội lớn. Với lễ hội hiện đại như Festival Huế tổ chức hai năm một lần, sau nhiều kỳ cuộc đã bộc lộ sự phô trương, lãng phí mà có nhiều phần không ăn nhập, không tạo được hiệu quả trong dân… Không phải chúng ta không quan tâm tổ chức tạo niềm vui cho dân hoặc không quản lý được thì giảm bớt đi lễ hội mà chính bởi thực tế lễ hội tràn lan, đã làm lệch hướng cả tâm linh, tín ngưỡng đến an toàn, văn hóa, niềm vui của nhân dân. Chỉ khi được chuẩn bị chu đáo nhất để lễ hội diễn ra đáp ứng đúng nhu cầu lễ và hội trong lành, văn minh thì lễ hội mới thực sự đưa lại lợi ích, niềm vui cho dân, cho đất nước.

Trong lành, văn minh lễ hội

Không ai đi lễ, đi hội không cảm thấy phản cảm, khó chịu trước những cảnh mời ép dịch vụ, mua hàng, những chặt chém, xô đẩy, cướp giật, đánh nhau, những cảnh chen lấn tế lễ, những ê hề cỗ cúng xôi thịt, những nắm tiền lẻ cố đặt lên ban thờ, mình tượng hay vung vãi ở cửa hang, giếng nước, ao chùa, đền… Nhưng người ta cứ chen chúc, xô đẩy lấy được, cứ cam chịu chặt chém, lừa gạt, cứ sa vào bến mê quá đà. Chẳng mấy ai can thiệp, hướng dẫn hoặc có chăng cũng không hiệu quả. Lễ hội, di tích, nơi thờ tự, danh lam thắng cảnh bị thả nổi, gọi là “tùy tâm” nhưng thực tế là mạnh ai nấy thể hiện ý muốn dung tục của mình. Thực tế đau buồn này chỉ được giảm bớt và chấm dứt khi mọi lễ hội được tiến hành đúng phật pháp, tín ngưỡng, đúng quy định của Nhà nước và của mỗi nơi thờ tự, nơi tổ chức lễ hội.

Đúng là thói hư tật xấu ở đời đã tràn vào chốn tôn nghiêm. Nhưng chốn tôn nghiêm còn vậy thì trở lại với đời thường, cái hư, cái xấu sẽ còn gây tác hại ra sao?

Đúng là có phần cơ bản do dân ta đã gặp phải bi kịch đứt gãy trong văn hóa tín ngưỡng, tâm linh nhưng quan trọng hơn, gốc gác hơn là sự giáo dưỡng, hướng dẫn cho người dân trong thời gian qua chưa thực sự được tổ chức đến nơi đến chốn. Tại sao những việc lớn và sâu đậm của văn hóa như vậy không có trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị? Tại sao các ban quản lý, ban điều hành, các nhân viên, các con nhang đệ tử không những phó mặc cho khách hội mà còn tiếp tay, bày biện đồ lễ, để hòm công đức tùy tiện? Muốn tạo được sự trong lành, văn minh trước hết những con người, những hệ thống ấy phải thể hiện được trách nhiệm. Chỉ thị của Ban Bí thư đã nêu ra những điều rất cụ thể trong quản lý chặt chẽ các hoạt động dịch vụ, niêm yết công khai giá dịch vụ; kiểm tra, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại về giá, phí dịch vụ, lệ phí, lưu hành ấn phẩm văn hóa trái phép; quản lý và sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch…

Lễ hội là việc lớn của làng, với nhiều lễ hội lớn là việc lớn của cả cấp huyện, cấp tỉnh. Bởi vậy, hãy nên coi mỗi dịp chuẩn bị và tiến hành lễ hội là một dịp sinh hoạt tư tưởng, văn hóa trong Đảng, trong bộ máy chính quyền và trong nhân dân cả ở nơi sở tại và mọi cộng đồng dân cư. Việc học tập Chỉ thị của Ban Bí thư và liên hệ với thực tế đời sống lễ hội chắc chắn sẽ tạo nên những chuyển biến trong nhận thức và hành vi của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta cả trong lễ hội lẫn cuộc sống thường ngày.

NGUYỄN MẠNH/QĐND

Bài 1: Giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa của lễ hội

Bài 2: Lễ hội trong xã hội hiện đại, những tích cực và bất cập 

Bài 4: Đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất