Thứ Sáu, 11/10/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 6/8/2010 21:52'(GMT+7)

Bàn cách để người Việt dùng hàng Việt

Ông Đinh Đức Lập, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết, Trưởng ban tổ chức cho biết: Tuy mới được triển khai trong thời gian ngắn nhưng Cuộc vận động thể hiện là một chủ trương đúng đắn của Bộ Chính trị. Sức tiêu thụ nội địa trong nước năm 2009 tăng trưởng 19%, trong khi 5 tháng đầu năm nay là 26%. Năm ngoái xuất khẩu âm, nhưng năm nay tăng trưởng 10%.

Thực tiễn cho thấy, hàng Việt Nam đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường đặc biệt là ở thị trường nông thôn. Cuộc vận động đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân quan tâm. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã có nhiều cơ hội khẳng định thương hiệu trên chính sân nhà.

Muộn còn hơn không

Đó là lời nhận xét của bà Phạm Thị Loan, Ủy viên Ủy ban Kinh tế tài chính Quốc hội. Bà cho rằng phải coi Cuộc vận động là quốc sách để có chính sách, hướng đi tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển bền vững.

Bà Loan so sánh: Trong khi đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc vào Việt Nam là thấp, thì nhập siêu hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam lại bằng toàn bộ giá trị nhập siêu từ tất cả các nước khác. Những hàng hóa có giá thấp hơn giá thành sản xuất, thậm chí thấp hơn cả giá nguyên vật liệu, đang thực sự gây khó khăn cho hàng hóa trong nước.

Trong cơ cấu xuất nhập khẩu, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Trung Quốc là sản phẩm thô: gạo, nông thủy sản, khoáng sản, trong khi nhập khẩu chủ yếu là nguyên vật liệu, thậm chí hàng tiêu dùng. Tôi rất buồn vì những hàng không đáng cũng nhập khẩu: Muối, thức ăn gia súc, hàng tiêu dùng - "Tôi cho rằng việc nhập những hàng hóa này là rất vô lý, vì đây là những hàng hóa trong nước đã sản xuất rất tốt" - bà Loan nói.

Lãnh đạo phải làm gương

Muốn người Việt dùng hàng Việt ngày càng nhiều hơn nữa, tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng lãnh đạo cần phải gương mẫu, đi đầu.

Tiến sĩ Quang A dẫn chứng, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy: Từ năm 1997 đến nay con số xuất siêu, nhập siêu có sự chênh lệch khá lớn. Chưa bao giờ hàng Việt Nam có thể xuất ra thế giới nhiều như hiện nay và ngược lại. Tuy nhiên, con số nhập luôn nhiều hơn so với con số xuất: Năm 2009, xuất 57 tỷ đô la, nhập 69 tỷ đô la. Sáu tháng đầu năm 2010, xuất khẩu 32 tỷ, nhập hơn 38 tỷ; nhập siêu 6,2 tỷ đô la.


Đưa hàng Việt về nông thôn, giải pháp kích cầu
tiêu thụ hàng nội địa.

Theo ông Quang A, những mặt hàng của Việt Nam sản xuất có đặc điểm là giá trị gia tăng thấp. Trừ những phần là tài nguyên có giá trị gia tăng khá như dầu, than ... còn lại những mặt hàng khác như dệt may, da giày, chúng ta đang tiến hành xuất khẩu trên cơ sở vẫn phải nhập quá nhiều nguyên liệu. Xuất nhỏ, nhập lớn nhưng giá trị gia tăng không lớn là những lý do khiến nền kinh tế của chúng ta vẫn phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu.

Tiến sĩ Quang A cho rằng muốn chữa bệnh nhập siêu phải chữa bằng giáo dục thường xuyên, liên tục và lâu dài. Đối tượng đầu tiên là những người hoạch định chính sách. "Những chính sách bất hợp lý về mua sắm tài sản công chính là thủ phạm tạo nên nhập siêu lớn. Thay đổi tư duy để các nhà lãnh đạo có quan điểm sử dụng sản phẩm nội địa là điều rất cần thiết".

Tiếp theo là giáo dục cho doanh nghiệp chú trọng đến chất lượng hàng hóa tốt, lưu ý đến khâu bán hàng, đại lý tiêu thụ sản phẩm, hậu mãi. Người tiêu dùng “quay lưng” lại hàng Việt thì doanh nghiệp trước tiên phải tự nghiêm túc kiểm điểm mình, không nên đổ lỗi cho cơ chế chính sách và người tiêu dùng “không yêu nước”.

Và cuối cùng là giáo dục lòng tự tôn dân tộc cho người tiêu dùng.

Mua sắm cũng phải học

Người tiêu dùng là khâu cuối cùng tiếp nhận sản phẩm. Bởi vậy, họ cần được dùng những mặt hàng xứng đáng với đồng tiền họ bỏ ra.

Trước tiên, họ cần được thông tin trung thực để biết được thực chất của hàng hóa, dịch vụ, để tránh bị lừa, đặc biệt là bị lừa khi mua trên mạng, để tránh hàng xấu, hàng nhái, hàng giả. Tiếc thay, nhu cầu đó của người tiêu dùng chưa được đáp ứng - ông Đỗ Gia Phan, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam bức xúc.

Ông Phan cho rằng, việc tổ chức một mạng lưới phân phối thuận tiện cho người tiêu dùng là một việc làm rất cần thiết. Trong thời gian qua, một số doanh nghiệp đã tổ chức đưa hàng về nông thôn để bán cho nông dân, tổ chức hội chợ hàng Việt ngay tại Lạng Sơn là nơi chủ yếu bán hàng Trung Quốc, khá thành công. Tuy nhiên việc này mới làm từng đợt chưa thường xuyên.

Tuy chúng ta đã mở cửa thị trường cho các cơ sở bán lẻ 100% vốn nước ngoài, nhưng một năm qua số hệ thống bán lẻ nước ngoài vào chưa nhiều. Chúng ta có ưu thế hơn nước ngoài là doanh nghiệp Việt Nam hiểu người tiêu dùng Việt Nam, hàng hóa phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng, giá cả lại phải chăng. Các doanh nghiệp Việt nam cần nhân cơ hội này phát triển mạnh hệ thống bán lẻ để giành lấy thị phần của thị trường nội địa.

Các đại biểu tham gia tọa đàm đều cho rằng Việt Nam là một nước nghèo, việc khuyến khích dùng hàng nội để kích thích nền sản xuất nội địa càng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế. Cuộc vận động là một phong trào tốt, phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, tránh để tình trạng đầu voi, đuôi chuột.

Người Việt dùng hàng Việt là biểu hiện của lòng yêu nước, nhưng kkác với thời chiến, chúng ta không thể chỉ dựa vào lòng yêu nước để thay thế chất lượng và giá cả sản phẩm. Người Việt sẵn sàng dùng hàng Việt khi chất lượng phải một tám, một mười so với hàng ngoại. Muốn vậy, các nhà sản xuất trong nước cần chứng tỏ nỗ lực nâng cấp sản phẩm của mình. Và việc chuyển động về nhận thức từ nhiều phía sẽ mở ra cơ hội dùng hàng Việt một cách tự nguyện, thoải mái và vui vẻ từ chính người Việt./.

Theo Nhân Dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất