Ngày 4/8, Đoàn công tác của Ban chỉ
đạo Tây Nguyên do ông Trần Việt Hùng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ
đạo Tây Nguyên làm trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Kon Tum về tình
hình thực hiện chủ trương, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá các vấn đề chính như tình hình quản lý, bảo vệ, phát triển rừng ở Tây Nguyên trên các mặt; những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện quản lý, bảo vệ rừng; tình hình chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp, trong đó trọng tâm là chuyển đổi đất rừng tự nhiên sang trồng cao su theo Quyết định só 750/QĐ-TTg ngày 3-6-2009 của Thủ tướng Chính phủ; kết quả sắp xếp lại các doanh nghiệp lâm nghiệp, đơn vị quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn Tây Nguyên.
Các đại biểu cũng đưa ra nhiều ý kiến đề xuất trong công tác quản lý và bảo vệ rừng như kiến nghị cấp kinh phí để đo đạc, xây dựng ranh giới đất rừng của các lâm trường, giao cho lâm trường tự chủ trong việc sử dụng, tận dụng tài nguyên đất; có chính sách đặc thù để các lâm trường có thể vay vốn; chính sách cho những người làm công tác quản lý và bảo vệ rừng.
Thay mặt Đoàn giám sát, ông Trần Việt Hùng đã tiếp thu những kiến nghị, ý kiến của tỉnh Kon Tum; đồng thời, lưu ý tỉnh Kon Tum thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, quyết liệt hơn nữa trong công tác vận chuyển lâm sản trái phép, đẩy mạnh vai trò, trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm, chính quyền cơ sở; tăng cường kiểm tra, kiểm soát các xe gỗ quá tải trọng, quá khổ đang lưu hành và cần tiến hành thực hiện tốt việc đo đạc, cắm mốc, nhất là ở các công ty lâm nghiệp...
Hiện nay, trữ lượng rừng ở Kon Tum được đánh giá là một trong các tỉnh cao nhất cả nước với tổng diện tích đất lâm nghiệp khoảng gần 736.000ha, chiếm 75,9% diện tích tự nhiên; trong đó, diện tích có rừng 631.000ha (bao gồm 589.500ha rừng tự nhiên và 41.590ha rừng trồng), diện tích đất chưa có rừng 77.300ha, diện tích đất lâm nghiệp đã trồng cao su là 27.456ha...
Trong những năm qua, tỉnh Kon Tum luôn chủ trọng thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng như thực hiện chủ trương đóng cửa rừng sớm nhất toàn quốc; chủ động giải quyết đất chồng lấn, đất lấn chiếm đối với các công ty lâm nghiệp, chủ rừng; việc chuyển đổi rừng nghèo, đất trống sang trồng cây cao su góp phần phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân và an ninh nông thôn được giữ vững.
Đặc biệt, tổng số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đã giảm cả về số vụ và mức độ thiệt hại, nhất là vi phạm về phá rừng làm rẫy; tình hình cháy rừng được ngăn chặn, không gây thiệt hại. Cụ thể, sáu tháng đầu năm 2014 số vụ cháy rừng giảm 41%, diện tích thiệt hại giảm 28% so với cùng kỳ năm trước./.
Theo TTXVN