Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa tây tây bắc và tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 22 giờ ngày hôm nay 18-7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,3 độ vĩ bắc; 109,7 độ kinh đông, cách bờ biển Quảng Ninh - Thái Bình khoảng 270 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.
Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa tây tây bắc và tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km. Đến 22 giờ ngày 19-7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 22,2 độ vĩ bắc; 105,4 độ kinh đông, trên đất liền các tỉnh phía đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9.
Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 đến 20 km. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển khu vực bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 10 đến cấp 12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13, cấp 14, giật cấp 16, cấp 17. Biển động dữ dội.
Từ chiều tối hôm nay, vùng biển vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải, Vân Đồn) có gió mạnh dần lên cấp 8, cấp 9, sau tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội. Sóng biển cao năm đến sáu mét.
Từ đêm mai, vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thái Bình có gió mạnh dần lên cấp sáu đến cấp 7, sau tăng lên cấp 8 đến cấp 9, vùng gần tâm bão cấp 10, cấp 11, giật cấp 13, cấp 14. Các tỉnh đồng bằng và khu đông bắc Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6 đến cấp 7, có nơi cấp 8, giật cấp 9. Ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ đêm mai có mưa to đến rất to. Vùng núi Bắc Bộ cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất.
* Ngày 17-7, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1245/CĐTTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo đối phó bão số 2. Theo đó yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành, cơ quan liên quan đình hoãn các cuộc họp chưa thật sự cần thiết để tập trung chỉ đạo ứng phó bão; kiểm tra, rà soát phương án phòng, chống bão, nhất là "bốn tại chỗ"; theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, tăng cường thông tin để nhân dân biết chủ động phòng chống bão, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống bão nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Rà soát, chủ động thực hiện sơ tán, di dời dân tại các khu vực nguy hiểm như vùng thấp trũng ven biển, cửa sông, những nơi có khả năng bị ngập sâu và có nguy cơ cao về sạt lở đất, trên tàu, thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, hoàn thành trước 16 giờ ngày 18-7. Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn các địa phương triển khai ngay các phương án đối phó bão số 2; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để đối phó bão, lũ. Thủ tướng Chính phủ cử đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão (PCLB) T.Ư và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các địa phương triển khai ứng phó bão.
* Cùng ngày, Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã tổ chức họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Quảng Bình bàn các biện pháp ứng phó bão số 2. Nhất là các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa được xác định là những địa phương nằm trong vùng nguy hiểm của cơn bão này. Riêng các tỉnh miền núi phía bắc cần đề phòng nguy cơ sạt lở đất và lũ quét. Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư và Ủy ban Quốc gia TKCN thành lập hai đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống bão số 2 tại tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng.
* Chiều 17-7, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ phòng, chống bão số 2. Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì Hội nghị.
Bộ đội Biên phòng Hải Phòng giúp ngư dân Đồ Sơn phòng chống bão số 2. Ảnh: NGÔ QUANG DŨNG
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh yêu cầu các cơ quan, đơn vị chủ động phân trực, theo dõi, sẵn sàng tham gia phòng, chống bão, cứu người và tài sản của nhân dân với tinh thần cao nhất. Quân khu 3, Bộ đội Biên phòng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc từ Quảng Ninh đến Ninh Bình có biện pháp tích cực bảo đảm an toàn kho tàng, doanh trại, cùng với chính quyền địa phương có phương án tổ chức neo đậu tàu, thuyền, sơ tán triệt để dân trên các luồng bè, khu nuôi trồng thủy sản.
Quân khu 1, 2, 4 sẵn sàng lực lượng cơ động ứng phó kịp thời, hiệu quả các tình huống lũ quét, sạt lở đất; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ nhân dân sơ tán từ các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chuẩn bị lực lượng, phương tiện ứng phó với tình huống ngập lụt, hỗ trợ lực lượng công an tham gia giải tỏa, khắc phục giao thông khi bị ngập lụt trên địa bàn thành phố...
* Đến chiều 17-7, lực lượng biên phòng các tỉnh, thành phố tuyến biển từ Quảng Ninh đến Bà Rịa -Vũng Tàu đã duy trì hơn 17.700 chiến sĩ, hơn 700 phương tiện; phối hợp địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho gần 58.700 tàu, thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản (205.035 người) biết diễn biến của bão số 2 để chủ động phòng tránh.
* Chiều 17-7, Bộ Y tế có công điện gửi ngành y tế các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi và các tỉnh đồng bằng, miền núi phía bắc cùng các đơn vị trực thuộc về chủ động ứng phó bão số 2. Cùng ngày, Bộ đưa ra khuyến cáo về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sau bão, lụt.
* Chủ động đối phó bão số 2, Ban Chỉ huy PCLB TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan kiểm tra các trạm bơm tiêu, chủ động bơm tiêu nước đệm khi có mưa bão và triển khai các biện pháp bảo vệ hồ đập thủy lợi. Sẵn sàng triển khai các biện pháp bảo vệ đê điều và sản xuất vụ mùa. Thành phố cũng chỉ đạo Công ty thoát nước tổ chức thường trực 24/24 giờ để phòng chống ngập úng.
* Tại các tỉnh, thành phố: Lào Cai, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi, với tổng số khoảng 59 nghìn phương tiện và hàng trăm nghìn người lao động hoạt động trên biển đã được thông báo về diễn biến của bão số 2, tìm nơi tránh trú, đề phòng lũ quét, sạt lở đất, duy trì liên lạc với tàu thuyền đang tránh trú tại quần đảo Hoàng Sa...
* Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ đạo các đơn vị triển khai phương án đối phó, xử lý kịp thời các tình huống, bảo đảm an toàn cung cấp điện, an toàn cho người, thiết bị, công trình và an toàn cho nhân dân; chuẩn bị đầy đủ người, phương tiện để khắc phục nhanh các sự cố do thiên tai gây ra. Các công ty thủy điện kiểm tra công trình, hồ, đập, nguồn điện dự phòng, theo dõi sát tình hình thủy văn, mưa lũ, lượng nước về hồ, vận hành hồ chứa theo quy trình, phối hợp chặt chẽ các địa phương liên quan, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị, công trình, hồ chứa, vùng hạ du...
* Ngày 17-7, Vietnam Airlines thông báo, đã có 22 chuyến bay buộc phải lùi thời gian khởi hành từ 35 phút đến 1 giờ 35 phút so kế hoạch và hơn 3.000 hành khách bị ảnh hưởng vì bão số 2.