Thứ Bảy, 21/9/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 14/3/2009 20:52'(GMT+7)

Bán hàng Việt về nông thôn – khó cũng làm

Bộ Công thương đang gấp rút hoàn thiện chương trình kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, mở rộng và khai thác thị trường nội địa. Trong đó, Chương trình “bán hàng Việt về nông thôn” là khâu đột phá trong gói chương trình tổng thể về kích cầu tiêu dùng.

Theo Bộ Công thương, chương trình bán hàng Việt về nông thôn dự kiến xin hỗ trợ từ Ngân sách Nhà nước khoảng 9 tỷ đồng, triển khai từ tháng 3 năm nay và kéo dài hết năm 2010. Đây là chương trình lớn nhằm vào thị trường có quy mô chiếm tới 60% thị trường bán lẻ Việt Nam.

Bộ Công thương sẽ phối hợp với khoảng 10 – 15 công ty Việt Nam tổ chức 3 đoàn thí điểm bán hàng lưu động trực tiếp tại các trung tâm huyện, xã nông thôn. Mỗi tháng, một đoàn sẽ tổ chức 2 đợt bán hàng lưu động, mỗi đợt có thể kéo dài 5 ngày một tỉnh. Sản phẩm chủ yếu là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, có giá cả, chất lượng phù hợp với nhu cầu, khả năng thanh toán của người dân khu vực nông thôn.

Bộ Công thương dự kiến tổ chức phiên chợ bán hàng Việt cho công nhân tại các khu công nghiệp và phiên chợ hàng Việt cuối tuần tại các khu đô thị lớn, phiên chợ này sẽ họp mỗi tháng một lần. Trong quý 2 và quý 3/2009, Bộ Công thương sẽ tiến hành điều tra, khảo sát thị trường nhằm xác định rõ thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam đối với hàng nội địa. Đồng thời, từ nay đến tháng 5, Bộ cũng sẽ chủ trì 5 cuộc hội thảo trao đổi về giải pháp tiêu thụ hàng hóa và chiếm lĩnh thị trường nội địa.

Trên thực tế, việc triển khai chương trình bán hàng Việt về nông thôn vào thời điểm này đã là khá muộn. Từ nhiều năm nay, thị trường nông thôn không được các nhà sản xuất và kinh doanh trong nước quan tâm đúng mức, dù có tới hơn 70% người tiêu dùng nước ta sống ở nông thôn.

Sự thiếu quan tâm thể hiện ở chỗ lâu nay người tiêu dùng nông thôn thường phải mua cùng một loại hàng hóa với giá cao hơn ít nhất là 15% so với người tiêu dùng ở khu vực thành phố. Hàng hóa chất lượng kém cũng bị tuồn về nông thôn nhiều hơn và người tiêu dùng nông thôn cũng khó tiếp cận với hàng hóa chất lượng cao hơn người tiêu dùng ở khu vực thành phố. Tuy nhiên muộn còn hơn không.

Bộ Công thương đã đưa ra chương trình “Bán hàng Việt về nông thôn”, nếu doanh nghiệp tích cực hưởng ứng và hiểu đúng vị trí của thị trường nông thôn thì hiệu quả của chương trình này không nhỏ.

Nhưng để đạt được mục đích là đưa hàng Việt về nông thôn, là cầu nối giữa người tiêu dùng nông thôn với hàng sản xuất trong nước, giúp người tiêu dùng nông thôn tiếp cận với nguồn hàng hóa có chất lượng và giúp doanh nghiệp mở rộng hệ thống phân phối, thì trước hết các doanh nghiệp nên tham gia chương trình với quan điểm: người tiêu dùng trong nước (trong đó hơn 70% sống ở nông thôn) sẽ là chỗ dựa vững chắc để doanh nghiệp phát triển.

Thực hiện mục đích này, hàng hóa được đưa về nông thôn sẽ là những loại hàng hóa người tiêu dùng nông thôn đang cần: đó là vật tư nông nghiệp, thời trang, thực phẩm chế biến, đồ dùng gia đình, văn phòng phẩm, đồ dùng học tập, phương tiện giao thông các loại… Những hàng hóa ấy cần đáp ứng được 2 tiêu chí: chất lượng tốt và giá cả hợp lý. Để giảm được chi phí kinh doanh, đưa ra giá cả cạnh tranh, doanh nghiệp có thể phối hợp với nhau xây dựng mạng lưới phân phối ở khu vực nông thôn, đồng thời tận dụng những hỗ trợ từ chương trình của Bộ Công thương.

Tuy nhiên, để chương trình kích cầu phát huy được hiệu quả ở khu vực nông thôn, thì người tiêu dùng nông thôn cần có tiền để mua sắm. Với tâm lý của người dân nông thôn, chuyện vay tiền để tiêu dùng, mua sắm sẽ khó xảy ra.

Do vậy, để người tiêu dùng có thêm nguồn tiền để chi tiêu, doanh nghiệp cần hỗ trợ để tiêu thụ hàng hóa nông nghiệp. Cách làm này không chỉ giúp nhà nông tiêu thụ được nông sản, mà còn giúp nhà phân phối có được nguồn hàng thực phẩm tươi sống giá thành hạ phục vụ nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường.

Bán hàng Việt về nông thôn là một chương trình lâu dài, để khẳng định chỗ đứng của hàng Việt Nam ngay trên sân nhà, chứ không phải chỉ là biện pháp mang tính tạm thời của những doanh nghiệp đang lo tìm đầu ra cho sản xuất./.

Thu Thùy (Báo TNVN)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất