Thứ Ba, 26/11/2024
Đời sống
Thứ Tư, 22/6/2016 22:16'(GMT+7)

Ban hành dự thảo tiêu chí rau, thịt an toàn trên địa bàn Hà Nội



Theo thông tin từ Hội nghị của Ban Điều phối chương trình phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội, hiện đã có bản dự thảo mới nhất của bộ tiêu chí, yêu cầu cho các sản phẩm thực phẩm trên địa bàn Hà Nội.

Cụ thể, theo ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng phòng Chất lượng 1 Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản, bộ tiêu chí này áp dụng cho các tổ chức, cá nhân, các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh các sản phẩm rau, thịt tiêu thụ tại thị trường Hà Nội và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Việc xác nhận được thực hiện theo yêu cầu tự nguyện của chủ cơ sở kinh doanh.

Tiêu chí để được xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là tất cả các sản phẩm rau, thịt tiêu thụ tại Hà Nội tham gia phải đầy đủ thông tin về xuất xứ nguồn gốc và đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định.

Sản phẩm bán từ cơ sở kinh doanh phải có đầy đủ thông tin về nguồn gốc xuất xứ: nơi sản xuất, sơ chế/giết mổ, chế biến; ngày sản xuất/đóng gói để đảm bảo truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

Dây chuyền giết mổ hiện đại tại trung tâm giết mổ Quy nhơn. (An Hiếu/TTXVN)


Sản phẩm sản xuất, sơ chế/giết mổ, chế biến, kinh doanh tại các cơ sở phải được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Trường hợp cơ sở sản xuất ban đầu (trồng trọt/chăn nuôi/nuôi trồng) đã được chứng nhận GAP hoặc tương đương, cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ đã cam kết tuân thủ quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm thì không yêu cầu chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

"Cơ quan xác nhận là Chi cục quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản các tỉnh, thành phố hoặc cơ quan được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giao nhiệm vụ quản lý chất lượng thực phẩm, thủy sản (trường hợp địa phương chưa thành lập Chi cục NAFIQAD," ông Thuận giải thích.

Doanh nghiệp chi kinh phí giám sát

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc BigGreen cho rằng việc có quy định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Song khác với trước là kinh phí giám sát chủ yếu ngân sách Nhà nước, thì theo dự thảo các tiêu chí mới này chủ yếu là doanh nghiệp tự chi trả.

Do đó, trong thời gian thí điểm ông Hưng cũng đề xuất mong cơ quan chức năng hỗ trợ kinh phí hoặc tăng thêm thời gian hiệu lực của các xác nhận vì việc phân tích lấy mẫu rất tốn kém.

“Ví dụ một mẫu đa dư lượng tốn mấy triệu do đó nhà nước nên có hỗ trợ thời gian cho doanh nghiệp. Việc xây dựng chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn trên địa bàn thành phố là cần thiết song nên kéo dài hỗ trợ mẫu phân tích kéo dài 2 năm. Sau khi người dân quen với việc áp dụng sản xuất chuỗi an toàn thì doanh nghiệp có thể bỏ tiền cho toàn bộ chi phí,” ông Hưng nêu rõ ý kiến.

Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng cho biết, khó khăn của việc sản xuất theo chuỗi hiện nay là do quy mô sản xuất nước ta chủ yếu là nhỏ lẻ và manh mún. Còn về lĩnh vực chăn nuôi có hai tiểu chuẩn GAP, là VietGAP và GAP nông hộ.

“Hiện nay, các tiêu chí GAP đã được tối giản và giảm từ 68 chỉ tiêu xuống còn 14 chỉ tiêu. Điều này chính là một thuận lợi cho các cơ sở và doanh nghiệp tham gia,” ông Vân nói.

Ông Vân cũng cho hay, việc xây dựng tiêu chí thực phẩm an toàn sẽ đưa ra quy trình sản xuất an toàn. Theo đó, các doanh nghiệp, hộ sản xuất ký cam kết sản xuất an toàn và các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, giới thiệu doanh nghiệp thu mua, chế biến đến tiêu thụ cung cấp cho thị trường các sản phẩm an toàn, chất lượng./.

Vietnam+

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất