Thứ Bảy, 28/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Năm, 31/7/2008 6:16'(GMT+7)

Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc với Thành uỷ Hà Nội

Một lớp học của  trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm

Một lớp học của trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm

Tham dự buổi làm việc về phía Ban Tuyên giáo Trung ương có đồng chí Nghiêm Đình Vỳ, Phó trưởng Ban cùng các đồng chí Lãnh đạo, chuyên viên Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề; về phía Thành uỷ Hà Nội có đại diện Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành uỷ, đại diện Sở GD & ĐT Hà Nội, trưởng ban Tuyên giáo và đại diện lãnh đạo UBND các quận, huyện, hiệu trưởng các trường phổ thông, mầm non (công lập và tư thục) .

Bên cạnh Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết TW2 (Khóa VIII) về giáo dục-đào tạo của Hà Nội do đồng chí Phạm Văn Đại-Phó Giám đốc Sở GD & ĐT trình bày những ý kiến thảo luận của các đại biểu tham dự đã bổ sung những dẫn chứng cụ thể làm sáng tỏ thêm những kết quả và cả hạn chế, bất cập của giáo dục-đào tạo Hà Nội trong 10 năm thực hiện Nghị quyết trên.

10 năm qua, dưới sự chỉ đạo của Thành uỷ, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành nghiều nghị quyết, chỉ thị và văn bản cùng với chương trình hành động quán triệt và thực hiện Nghị quyết TW2 về giáo dục-đào tạo đối với Hà Nội. Quy mô giáo dục tăng nhanh, mạng lưới trường lớp phát triển (cả công lập và ngoài công lập).

Tính đến tháng 6-2008, Hà Nội có 386 trường mầm non với 4.649 nhóm lớp (tăng 76 trường và 1.314 nhóm lớp so với năm 1998). Công tác chăm sóc nuôi dưỡng trẻ được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong các cơ sở giáo dục mầm non. Các trường đã làm tốt công tác tuyên truyền vận động trẻ ăn tại trường đạt tỷ lệ cao, chất lượng bữa ăn được nâng cao, tỷ lệ các chất dinh dưỡng cân đối và đảm bảo định lượng calo cho từng độ tuổi.

Hà Nội hiện có 276 trường tiểu học và 4 trường liên cấp (trong đó có 253 trường công lập, 2 trường bán công, 20 dân lập, 1 trường tư thục) với 5.698 lớp, 201.359 học sinh và 8.580 giáo viên, so với năm 1998 tăng 32 trường, 1364 giáo viên.

Giáo dục THCS: Hà Nội có 219 trường THCS và 16 trường liên cấp với 4.483 lớp, 174.168 học sinh và 9.506 giáo viên (so với năm 1998 tăng 9 trường, 572 giáo viên).

Giáo dục THPT: Hà Nội có 103 trường (công lập 44 trường, bán công 5 trường, dân lập 52 trường, tư thục 2 trường), với 2.677 lớp, 119.929 học sinh và 6.019 giáo viên, so với năm 1998 tăng 19 trường, 22.759 học sinh, tăng 1.764 giáo viên.

Giáo dục thường xuyên (GDTX): Phát triển quy mô mạng lưới các cơ sở GDTX luôn được quan tâm thực hiện, coi đây là nhiệm vụ hàng đầu để đáp ứng nhu cầu học tập của cộng đồng. Đến nay, 14/14 quận, huyện đã có trung tâm GDTX. Tăng cường xây dựng các trung tâm học tập xã, phường. Đến nay đã có 234  trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ), đạt tỷ lệ 100% xã, phường đã thành lập và đưa vào hoạt động các TTHTCĐ, hoàn thành chỉ tiêu của Bộ Giáo dục và của Thành phố trước 3 năm.

Giáo dục chuyên nghiệp: Số học sinh tuyển mới vào các trường trung học công nghiệp (TCCN) Hà Nội phát triển, ổn định, tăng 5,3 lần so với năm 1997. Như vậy, trong những năm gần đây, mỗi năm các trường TCCN của Hà Nội cung cấp khoảng 1,5 vạn nhân lực có trình độ TCCN cho xã hội, góp phần cân đối lại cơ cấu trình độ người lao động qua đào tạo. Ngành nghề đào tạo được mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô và vùng lân cận.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết TW2, chất lượng dạy học và giáo dục toàn diện học sinh ngày càng được nâng cao. Chuyển biến tích cực và rõ nét nhất thể hiện ở nhận thức và năng lực của học sinh được phát triển toàn diện hơn, khả năng giao tiếp và ứng xử của học sinh mạnh dạn hơn, tự nhiên hơn nhiều so với nhiều năm trước. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp và hoàn thành chương trình tiểu học luôn đạt từ 99 đến 100%. Triền khai có chất lượng đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông phân ban, đến năm 2009, Thành phố thực hiện xóa bỏ hoàn toàn lớp hệ B của các trường THPT công lập. Năm học 2007-2008, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp đạt 91,87%, đứng thứ 3/63 tỉnh, thành trong cả nước. Số học sinh THPT dự thi học sinh giỏi Quốc gia đều được giải, trong đó có 5 em được chọn vào đội tuyển học sinh Việt Nam dự thi Olympic Quốc tế...

Quán triệt tinh thần Nghị quyết TW2, ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội luôn xác định cán bộ, giáo viên là lực lượng nòng cốt, quyết định chất lượng dạy và học trong các nhà trường, do vậy công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý (CBQL) giáo dục trong 10 năm qua luôn được ngành quan tâm. Đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục của Hà Nội ngày càng được tăng cường, có sự phát triển về số lượng và chất lượng, hầu hết các nhà giáo đều tận tuỵ với nghề, gắn bó với trường và hết lòng vì học sinh. Hiện có 100% CBQL và giáo viên đứng lớp của các ngành học, cấp học đạt chuẩn về đào tạo, trong đó tỷ lệ trên chuẩn cao (mầm non: 36,7%; tiểu học: 89%; THCS: 55%; THPT: 17%; TCCN: 18%; GDTX: 12%) đảm bảo cơ cấu và loại hình giáo viên được đa dạng, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng đội ngũ đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô và đất nước.

Các đại biểu dự Hội nghị đều khẳng định trong 10 năm qua, Nghị quyết TW2 đã đi vào cuộc sống, với tư tưởng thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục để mọi người ai cũng được học hành. Trẻ em trong độ tuổi được đến trường, được huy động ra lớp với tỷ lệ ngày càng tăng, trẻ em khuyết tật còn sức khỏe để học tập cũng được vận động ra lớp hoà nhập. Thanh thiếu niên trong độ tuổi học sinh, sinh viên, các học sinh nghèo được hỗ trợ, tạo điều kiện để học ở những bậc học cao hơn. Vài năm gần đây, qua việc thực hiện phong trào “hai không” với những nội dung cụ thể phù hợp với tình hình Thủ đô, ngành giáo dục đào tạo Hà Nội ngày càng đi vào nề nếp, khắc phục những yếu kém xứng đáng với vai trò hàng đầu trong giáo dục cả nước.

Tuy nhiên, trước những đòi hỏi về chất lượng giáo dục và đào tạo ngày càng cao của xã hội trong xu thế hội nhập hiện nay, ngành giáo dục đào tạo vẫn còn tồn tại một số khuyết điểm: Một bộ phận nhỏ cán bộ quản lý và giáo viên còn hạn chế về năng lực quản lý, về đổi mới phương pháp dạy học, về trình độ ngoại ngữ tin học do tuổi cao sức khoẻ yếu. Về quy mô mạng lưới trường lớp: còn nhiều trường có nhiều điểm lẻ, cơ sở vật chất ở chung với hộ dân, số học sinh trên một lớp quá đông (50 đến 60 học sinh trên một lớp), các trường ngoài công lập do thiếu diện tích đất nên gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển giáo dục toàn diện của học sinh.

Trong những năm tới Hà Nội quyết tâm tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết TW2 (khoá VIII) về phát triển giáo dục-đào tạo Thủ đô với quy mô, mạng lưới hợp lý. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đại trà và mũi nhọn. Thực hiện tốt việc đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông và thực hiện tốt công bằng xã hội trong giáo dục. Đẩy mạnh xã hội hóa, quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục. Từng bước xây dựng nhà trường theo hướng chuẩn hoá, kiên cố hoá và hiện đại hoá để giáo dục thực sự là quốc sách hàng đầu.

Lê Mai Hoa
Vụ Giáo dục& Đào tạo, Dạy nghề
Ban Tuyên giáo Trung ương

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất