Những tham luận được trình
bày tại hội thảo đã mang thông điệp của tâm huyết và trách nhiệm từ các nhà khoa
học, các nhà lý luận, ước nguyện của nhân dân, góp phần tạo nên sự khích lệ tinh
thần và sự mở hướng cho toàn Đảng và toàn dân trong phòng chống tham nhũng, bảo
vệ những thành quả cách mạng của nhân dân ta.
Ngày 15/1, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản phối
hợp với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ
đề “Bàn về những giải pháp phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay." Hội
thảo thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, nhà nghiên
cứu.
Các tham luận tại hội thảo tập trung phân tích, làm rõ về nguyên
nhân, tình trạng, tác hại của nạn tham nhũng ở nước ta; đồng thời nêu lên những
hạn chế, yếu kém trong công tác phòng, chống tệ nạn này, góp phần làm sáng tỏ
mặt được, chưa được; đưa ra những đề xuất, kiến nghị và giải pháp có tính khả
thi cao góp phần đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng. Gần 70 bản tham luận
gửi tới Ban tổ chức hội thảo, với nhiều góc độ, nhiều mức độ đã cùng kiến giải
vấn đề cơ bản: Chúng ta phải tiếp tục làm gì và làm như thế nào để ngăn chặn,
đẩy lùi tham nhũng?
Ông Phan Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám
đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhận định: Những tham luận được trình
bày tại hội thảo đã mang thông điệp của tâm huyết và trách nhiệm từ các nhà khoa
học, các nhà lý luận, ước nguyện của nhân dân, góp phần tạo nên sự khích lệ tinh
thần và sự mở hướng cho toàn Đảng và toàn dân trong phòng chống tham nhũng, bảo
vệ những thành quả cách mạng của nhân dân ta. Nhiều bài tham luận đã tập trung
vào vấn đề văn hóa Đảng, văn hóa công chức, tính pháp quyền của Nhà nước và sức
mạnh của nhân dân. Cuộc đấu tranh chống quốc nạn tham nhũng cần bắt đầu từ cội
rễ của nó, nghĩa là từ văn hóa Đảng, từ tính hiệu quả của chính quyền và từ việc
phát huy sức dân.
Phó giáo sư Võ Văn Phúc, Tổng biên tập Tạp chí Cộng
sản, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương nêu rõ: Chúng ta ghi nhận nhiều vụ tham
nhũng lớn, phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng bị phát hiện, xử lý kiên quyết.
Những cán bộ sai phạm đã được xử lý nghiêm minh theo kỷ luật Đảng, pháp luật của
Nhà nước, bước đầu tạo được niềm tin trong nhân dân, góp phần giữ vững ổn định
chính trị-xã hội, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa. Nhưng, vẫn phải
thừa nhận rằng, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng vẫn chưa đạt được mục
tiêu, yêu cầu đề ra, chưa làm chuyển biến được căn bản tình hình.
Hơn bao
giờ hết, nạn tham nhũng không những là thách thức lớn trên con đường phát triển
của đất nước mà còn thật sự là nguy cơ lớn đe dọa ổn định chính trị-xã hội và sự
sống còn của chế độ xã hội ta. Trọng trách trước hết và có ý nghĩa đột phá, đi
trước mở đường thắng lợi của cuộc đấu tranh là chúng ta cần nhận thức sâu sắc về
ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề tham nhũng và công tác phòng chống tham
nhũng; phải gắn chặt việc phòng chống tham nhũng với tích cực và triệt để tiết
kiệm, chống lãng phí. Chúng ta phải biến quyết tâm và hành động chính trị chống
tham nhũng, lãng phí của Đảng, Nhà nước ta thành quyết tâm và hành động của tất
cả mọi người.
Giáo sư Trương Giang Long, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng
sản cho rằng: Tham nhũng đã đến mức thực sự báo động như hiện nay có một phần
trách nhiệm không nhỏ của người đứng đầu cấp ủy các cơ quan, đơn vị và các cơ
quan hoạch định chính sách; sự bất cập kéo dài của công tác cán bộ...
Ông
nêu các giải pháp nhấn mạnh đến vai trò tự giác và thật sự gương mẫu của người
đứng đầu cấp ủy; khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách; hoàn thiện thể chế
và tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố xét xử
nhằm công khai minh bạch và nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng,
nghiêm trị và xử lý thích đáng những kẻ có chức, có quyền tiếp tay cho tham
nhũng.
Giáo sư Giang Long nêu rõ: Bước chuyển làm phấn khích toàn Đảng,
toàn dân, toàn quân trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng lần này chính là
những quyết sách mới có tầm chiến lược của Đảng, nhằm tạo bước chuyển đích thực
về chất, góp phần làm trong sạch và lành mạnh hóa đội ngũ cán bộ công chức của
Đảng.
Giáo sư Hoàng Chí Bảo, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương nêu
rõ: Tham nhũng là vấn nạn lớn nhất trên con đường phát triển và nêu lên những
biểu hiện phức tạp mang tính đặc thù của tham nhũng ở Việt Nam. Giáo sư phân
tích rõ nguyên nhân và hậu quả của tệ nạn này và đề xuất, khuyến nghị các giải
pháp như: đẩy mạnh giáo dục; áp dụng tổng hợp pháp luật-chính sách-cơ chế và chế
tài; cải cách triệt để chế độ tiền lương; kiểm soát hành vi để phát hiện sớm và
nghiêm trị kịp thời bằng biện pháp quản lý, công nghệ, đồng thời giáo dục ý thức
tự kiểm soát, tự điều chỉnh của mỗi người; bảo vệ người tố cáo và đấu tranh
phòng chống tham nhũng.../.
HT