(TG)-Năm 2012, mặc dù có nhiều khó khăn nhưng kinh tế xã hội toàn vùng Tây Nguyên vẫn
đạt được những kết quả đáng mừng với tổng sản phẩm (GDP) tăng 11,8%, huy động
vốn đầu tư toàn xã hội tăng 12%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 11%, thu ngân
sách tăng 9,26% so với năm 2011. Thu nhập bình quân đầu người đạt 26,9 triệu
đồng (tương đương 1.287 USD).
Ngày 14/1, tại Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã tổ chức
Hội nghị tổng kết công tác năm 2012 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2013.
Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng
Ban Chỉ đạo Tây Nguyên chủ trì Hội nghị.
Năm 2012, mặc dù có nhiều khó khăn nhưng kinh tế xã hội toàn vùng Tây Nguyên vẫn
đạt được những kết quả đáng mừng với tổng sản phẩm (GDP) tăng 11,8%, huy động
vốn đầu tư toàn xã hội tăng 12%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 11%, thu ngân
sách tăng 9,26% so với năm 2011. Thu nhập bình quân đầu người đạt 26,9 triệu
đồng (tương đương 1.287 USD).
Hoạt động thương mại dịch vụ, sản xuất nông nghiệp có mặt chuyển biến tích
cực. Các tỉnh hoàn thành chỉ tiêu đào tạo nghề, giải quyết việc làm ở nông thôn,
cơ sở vật chất trường lớp, chất lượng dạy và học, khám chữa bệnh có bước phát
triển. Toàn vùng Tây Nguyên đã giảm được 26.325 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo
giảm xuống còn 15,59% (giảm 3,18% so với cùng kỳ). Các xã, thôn, buôn nghèo là
đồng bào dân tộc thiểu số đã hoàn thành trên 96% kế hoạch hỗ trợ theo các quyết
định của Thủ tướng Chính phủ.
Khu vực miền núi giáp Tây Nguyên tiếp tục được Nhà nước quan tâm đầu tư phát
triển hạ tầng phục vụ tốt yêu cầu sản xuất và đời sống. Khu vực miền núi giáp
Tây Nguyên cũng đã có thu nhập bình quân đầu người đạt 12,4 triệu đồng (tăng
14,6% so với năm 2011), tỷ lệ hộ nghèo đã giảm 4,16%...
Hệ thống chính trị cơ sở ở Tây Nguyên tiếp tục được quan tâm củng cố. Hiện nay,
số thôn, buôn toàn vùng Tây Nguyên chưa có đảng viên và chi bộ đã giảm hơn một
nửa so với năm 2011, số thôn buôn chưa có đảng viên còn 0,44%, chưa có chi bộ
còn 3,65%. Hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục có sự chuyển biến về lãnh đạo, điều
hành.
Qua phân loại đánh giá chất lượng, số chi bộ trực thuộc và số cơ sở đảng
thuộc các loại hình xã, phường, thị trấn trong sạch vững mạnh đạt khá. Công tác
phát triển đảng viên, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm.
Nhiều thôn, buôn trước đây khó khăn trong việc phát triển Đảng nay đã tạo được
nguồn, xây dựng được cốt cán trong các đoàn thể, chất lượng hoạt động của chính
quyền cơ sở đã được nâng lên, đội ngũ cán bộ, công chức từng bước ổn định và
chuẩn hóa...
Các tỉnh Tây Nguyên cũng cứu đói, chống rét, chuẩn bị tốt các điều kiện cần
thiết để cho đồng bào các dân tộc vui Xuân đón Tết kịp thời, chu đáo.
Tổng kết Hội nghị, Đại tướng Trần Đại Quang biểu dương những thành tích mà các
tỉnh Tây Nguyên, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã đạt được trong thời gian qua. Bước
sang năm 2013, Đại tướng nhấn mạnh, ngoài việc tiếp triển khai thực hiện 14
chuyên đề mà hội nghị đã đề ra, các tỉnh Tây Nguyên, các bộ, ban, ngành cần tập
trung theo dõi, đôn đốc việc triển khai Quyết định số 936 của Thủ tướng Chính
phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Nguyên
đến năm 2020. Tập trung cao nhất vào hai việc trọng tâm tạo bước chuyển toàn
vùng, đó là đầu tư nâng cấp đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên (Quốc
lộ 14 cũ), giải quyết từng bước cơ bản số hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc
thiểu số.
Đại tướng cũng nhấn mạnh các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục rà soát thực trạng hạ
tầng nông thôn, đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất, rừng, tình hình sản
xuất, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ và đồng bào di cư đến
ngoài kế hoạch để đề xuất những chủ trương, giải pháp căn cơ, lâu dài. Các tỉnh
Tây Nguyên cần tiếp tục ưu tiên giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân
tộc thiểu số tại chỗ một cách chủ động; giao rừng, khoán quản lý bảo vệ rừng cho
đồng bào; đầu tư giải quyết thủy lợi, khuyến nông, khuyến lâm, đưa các tiến bộ
khoa học kỹ thuật về vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa để đồng bào sản xuất kinh
doanh có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống đồng bào.
Cần làm tốt công tác định canh định cư, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa,
đồng bào kinh tế mới tiến đến chấm dứt tình trạng đồng bào di cư đến ngoài kế
hoạch; phát triển văn hoá giáo dục, y tế ưu tiên chú trọng vùng đồng bào dân tộc
thiểu số. Hoàn thành việc xây dựng cơ chế đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế, xã
hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng vùng Tây Nguyên giai đoạn 2012- 2020. Phối
hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu xây dựng các chỉ tiêu thống kê và tổ
chức thu thập, tổng hợp số liệu về đất đai trong vùng dân tộc thiểu số Tây
Nguyên để làm căn cứ cho việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã
hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Đề xuất cơ chế đặc thù để huy động các
nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là phát triển giao thông vùng Tây
Nguyên.
Đại tướng Trần Đại Quang cũng nhấn mạnh, các tỉnh Tây Nguyên thực hiện tốt hơn
nữa việc củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, xây dựng hệ thống chính trị vững
mạnh, toàn diện, gần dân, sát dân, phấn đấu đến cuối năm 2013, các tỉnh Tây
Nguyên có 100% thôn, buôn có chi bộ, có đảng viên.
Các tỉnh Tây Nguyên cũng cần phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng và triển khai đề
án “Tiếp tục củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên giai đoạn
2013- 2020.” Đánh giá thực trạng tình hình và đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù
về đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ cơ sở người dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên
đến năm 2015- 2020. Nghiên cứu về mô hình các thiết chế tự quản ở buôn làng vùng
dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.
Đại tướng Trần Đại Quang cũng chỉ đạo các bộ, ban, ngành Trung ương quan tâm,
nghiên cứu giải quyết các đề xuất của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên: Về điều chỉnh các
chính sách về rừng, lâm nghiệp, tiếp tục rà soát lại quy hoạch, tạm dừng xây
dựng mới một số công trình thuỷ điện, đầu tư phát triển giao thông, hỗ trợ phát
triển cà phê bền vững và bảo vệ tài nguyên, môi trường. Tập trung chỉ đạo, xây
dựng chính sách đặc thù về đất đai, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số
có đủ đất sản xuất, bố trí kinh phí để sớm hoàn thành các dự án sắp xếp, ồn định
dân di cư đến ngoài kế hoạch.
Đại tướng cũng đề nghị các ban Đảng, ban cán sự Đảng, các bộ, ban, ngành liên
quan và cấp uỷ, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên xem xét lại kế hoạch tổ chức
thực hiện để chủ động đánh giá hai năm triển khai Kết luận số 10 của Bộ Chính
trị (khóa IX) phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011-2020..../.
TG