Thống nhất các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm trong năm 2019
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và thống nhất các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm, triển khai trong năm 2019.
Đối với các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, sự phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan chủ quản nhằm “phát triển và đi đôi với quản lý tốt” nắm bắt kịp thời, phân tích, đánh giá, dự báo các sự kiện vấn đề, tăng cường sự phối hợp trao đổi nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực của công tác chỉ đạo, định hướng báo chí, khắc phục tình trạng bị động, lúng túng với phương châm: “Chủ động, kịp thời, thuyết phục, nhất là những vấn đề sự kiện quan trọng nhạy cảm có diễn biến phức tạp, tránh để xảy ra khủng hoảng truyền thông, giúp các cơ quan báo chí có điều kiện giữ đúng định hướng thông tin, tạo đồng thuận, niềm tin xã hội…
Đối với cơ quan chủ quản báo chí, tăng cường hơn nữa sự phối hợp với cơ quan chỉ đạo quản lý báo chí, hội nhà báo; đẩy mạnh các biện pháp, hình thức nhằm quản lý, thực hiện tốt cơ chế kiểm tra, giám sát cơ quan báo chí; xử lý nghiêm các cơ quan báo chí khi có vi phạm pháp luật.
Đối với cơ quan báo chí, phải tuân thủ thực hiện việc sắp xếp cơ quan báo chí theo quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Bám sát định hướng, tôn chỉ, mục đích, cơ quan báo chí các vấn đề sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin tuyên truyền, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giáo dục chính trị tư tưởng, tích cực phát hiện, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, thành tựu trong công cuộc đổi mới. Đẩy mạnh đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, thông tin xấu độc. Thực hiện có hiệu quả chức năng tham gia giám sát, phản biện xã hội, đấu tranh kiên quyết với những hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực bằng nhiều phương thức, hình thức. Cân bằng tỷ lệ thông tin tốt – xấu với mục tiêu thông tin tốt, tích cực là dòng chảy chính của xã hội và hãy luôn là thông tin có kiểm chứng nhằm thay màu bức tranh toàn cảnh thông tin nước ta từ “gam tối” sang “gam tươi sáng”.
Bắt kịp xu thế, nắm bắt xu thế, khai thác tối đa nền tảng Internet để phát triển cơ quan theo mô hình tòa soạn hội tụ, tích hợp đa phương tiện, truyền dẫn đa nền tảng; coi mạng xã hội như một đối tượng để cạnh tranh về thông tin nhưng đồng thời phải chủ động phối hợp cung cấp thông tin tích cực trên mạng xã hội và trên môi trường Internet nhằm tạo ra sự cộng hưởng tốt, sự lan tỏa đối với thông tin trên báo chí. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động báo chí theo hướng cung cấp thông tin báo chí phù hợp kịp thời trên cơ sở phân tích xu hướng “đọc - nghe – xem” của khách hàng. Khai thác tối đa khả năng kết nối, tương tác giữa “khách hàng” và “báo chí”.
Thực hiện nhất quán phương châm chủ động, nhạy bén
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã ghi nhận tinh thần trách nhiệm, cầu thị, tự phê bình và phê bình nghiêm túc cùng những trăn trở tâm huyết của các đồng chí đại biểu, các cơ quan, đơn vị.
Để hoạt động tuyên truyền đạt chất lượng, hiệu quả, nhìn lại 2018, cùng với những nhiệm vụ Hội nghị đã xác định cho năm 2019, đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị lưu ý một số nội dung, yêu cầu sau:
Một là, về chỉ đạo, định hướng nội dung thông tin và thông tin trên báo chí, cần thực hiện nhất quán phương châm chủ động, nhạy bén. Các cơ quan nắm thông tin làm tốt trách nhiệm kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí; sự phối hợp giữa các ngành, địa phương với các cơ quan chỉ đạo, quản lý kịp thời, thống nhất hơn; các cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản quan tâm, thực hiện kịp thời, đầy đủ, hiệu quả hơn việc tạo điều kiện về thông tin cũng như cổ vũ, động viên, hỗ trợ, bảo vệ các nhà báo, cơ quan báo chí thực hiện các nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm; các cơ quan báo chí tỉnh táo thực hiện chặt chẽ qui trình và phê phán mạnh mẽ hơn các điểm yếu của không ít mạng xã hội về khuynh hướng tiêu cực, cực đoan, độ chuẩn xác thấp,v.v… Chủ động thông tin; phê phán, phản bác một cách sắc bén hơn các thông tin sai, luận điệu xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước ta; đập tan những mưu toan thâm độc, cũng như làm tan rã những đồn đoán, suy diễn. Làm được điều đó, báo chí cách mạng mới thực sự là lực lượng dẫn dắt, định hướng dư luận.
Hai là, về công tác quản lý báo chí, cần tiếp tục thực hiện hiệu quả 4 nhiệm vụ trọng tâm:
Thứ nhất, đẩy nhanh việc ban hành và triển khai thực hiện quy hoạch báo chí; đồng thời, chủ động chuẩn bị hướng dẫn các cơ quan báo chí thực hiện. Trong vấn đề này, cùng với quyết tâm của cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản, cấp ủy đảng, các tổ chức đảng của cơ quan báo chí cần thể hiện vai trò là nhân tố quyết định. Cơ quan quản lý cũng cần theo dõi, hướng dẫn tỉnh Quảng Ninh thực hiện mô hình Trung tâm truyền thông gắn với phân tích, đánh giá toàn diện, cụ thể những vấn đề liên quan, nêu bài học kinh nghiệm để nhân rộng nếu mô hình mới thực sự phát huy tác dụng tích cực.
Thứ hai, tiếp tục rà soát, chấn chỉnh tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích; phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm khắc các sai phạm trong hoạt động báo chí; chấn chỉnh những sơ hở trong tổ chức, quản lý văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, sử dụng cộng tác viên. Đối với công việc này, phải có những biện pháp quyết liệt, hiệu lực hơn nữa, tránh chung chung, trong đó, cần nêu cao trách nhiệm của chủ quản và người đứng đầu cơ quan báo chí. Bộ Thông tin và Truyền thông cần gấp rút xây dựng bộ công cụ định tính, định lượng cụ thể nhằm phân biệt rõ báo điện tử với tạp chí điện tử; phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam chỉ đạo, định hướng kịp thời, nhằm chặn đứng, xử lý thật nghiêm khắc tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử - một vấn đề rất bức thiết trong công tác quản lý báo chí, truyền thông hiện nay.
Năm 2019, cơ quan quản lý Trung ương cũng như các địa phương cần thực hiện tốt hơn, kịp thời hơn việc biểu dương, khen thưởng các đơn vị báo chí và nhà báo có thành tích xuất sắc; phê phán mạnh mẽ, xử lý nghiêm khắc sai phạm, biểu hiện tiêu cực trong hoạt động báo chí, trong đó, công khai danh sách cơ quan báo chí nhiều sai phạm, bị xử lý, cùng chủ quản các cơ quan báo chí đó - như Hội nghị báo chí toàn quốc thực hiện lần này - phải trở thành một tiền lệ tích cực góp phần khắc phục biểu hiện tiêu cực, khuyết điểm trên. Đồng thời, những hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, lợi dụng nghề báo cao quý để trục lợi cần phải được ngăn chặn với những biện pháp nghiêm khắc nhất; có chế tài, quy định chặt chẽ để những cán bộ báo chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp nhiều lần, nghiêm trọng phải bị tẩy chay, không còn cơ hội len lỏi vào các cơ quan báo chí.
Thứ ba, Luật Báo chí 2016 đã triển khai được 2 năm. Trong thời gian đó, với sự thay đổi nhanh chóng của đời sống báo chí truyền thông, nhiều vấn đề mới đang đặt ra. Đánh giá hai năm triển khai thực hiện Luật Báo chí 2016 là cần thiết. Bộ Thông tin và Truyền thông cần xúc tiến, chuẩn bị công việc này chu đáo, trên cơ sở sơ kết của các bộ, ngành, địa phương. Tinh thần chung là bảo đảm tính thực tiễn, khả thi; phù hợp với xu hướng phát triển của báo chí thế giới; đáp ứng yêu cầu hoạt động của nền báo chí cách mạng Việt Nam trong thời gian dài.
Thứ tư, các cơ quan quản lý phải xác định việc chủ động đề xuất, chủ động xây dựng cơ chế, chính sách về kinh tế báo chí một cách khoa học, khả thi, phù hợp với xu hướng phát triển truyền thông hiện đại là một nhiệm vụ trọng tâm nhằm tháo gỡ, giải quyết căn bản bài toán kinh tế báo chí vốn đã đặt ra hàng chục năm qua.
Ba là, công tác Hội Nhà báo Việt Nam, về nghiệp vụ: Hội Nhà báo Việt Nam phải đấu tranh chống các nhà báo xa lông, ngồi phòng máy lạnh “cào bàn phím” xào nấu tin bài, áp đặt, suy diễn chủ quan vào các “nhân vật” hư cấu....; cổ vũ nhà báo, phóng viên bám sát thực tiễn sinh động của đời sống xã hội, của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát hiện, tôn vinh những điển hình tiêu biểu, phản ánh những điểm sáng tích cực về những câu chuyện hay về công nhân, nông dân, tri thức, về doanh nghiệp… làm lay động lòng người, hướng con người ta đến những điều tốt đẹp nhất. Đầu tư nhiều hơn cho công tác nghiệp vụ, đồng thời, phải có những phê phán mạnh mẽ, quyết liệt về sự yếu kém, dễ dãi trong nghiệp vụ của những người viết báo, những cơ quan báo chí.
Về giáo dục đạo đức nghề nghiệp, cùng với quán triệt, động viên hội viên gương mẫu thực hiện nghiêm túc Luật báo chí, các quy định của pháp luật và 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, trăn trở trước một số biểu hiện có biểu hiện phức tạp trong hoạt động báo chí, Hội nhà báo Việt Nam đã chủ động xây dựng, ban hành Quyết định về việc sinh hoạt hội của hội viên là phóng viên thường trú tại tổ chức Hội địa phương; đã ban hành Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 1-1-2019 (cụ thể hóa Điều 5 của 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam). Việc làm đó thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Hội nhà báo Việt Nam - tổ chức chính trị, xã hội nghề nghiệp của những người làm báo nước ta - trong điều kiện mạng xã hội và các phương tiện truyền thông mới trên nền tảng internet phát triển, tác động sâu rộng đến xã hội, trong đó có đội ngũ cán bộ báo chí.
Hội nhà báo Việt Nam cần phát tiếp tục triển khai tốt hơn nữa các công việc quan trọng trên. Đồng thời, Hội cần tăng cường nhiều hơn, có giải pháp tích cực hơn nữa nhằm phê bình những vi phạm đạo đức nghề nghiệp của hội viên, cơ quan báo chí với những quy định chặt chẽ, nghiêm khắc, đủ sức răn đe, tương xứng với những sai phạm. Đây cũng là một trong những giải pháp cần thiết nhằm góp phần phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong tổ chức Hội, hội viên và người làm báo.
Tại Hội nghị, Ban Tuyên giáo Trung ương tặng Bằng khen cho 5 cơ quan chủ quản, cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý, cơ quan tham mưu báo chí đã có thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2018; 20 cơ quan báo chí có thành tích xuất sắc trong thông tin, tuyên truyền, thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2018.
Thu Hằng