Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết ông không đồng tình với quan điểm cần phải làm “ầm ĩ” mọi thông tin về vụ án đau lòng ở Bình Phước. Bên cạnh đó, ông cũng yêu cầu các cơ quan báo chí không thông tin gây áp lực dư luận đối với cơ quan điều tra, gây rối loạn thông tin.
Trước đó, vào ngày 9/7, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn đã có chỉ đạo về việc thông tin tránh gây hoang mang dư luận xung quanh vụ án mạng kinh hoàng tại tỉnh Bình Phước. Song, vẫn có khá nhiều thông tin về tình tiết xung quanh vụ án tiếp tục được truyền tải trên phương tiện truyền thông đại chúng.
Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nói thông tin rõ về vụ án mạng nói trên là cần thiết, nhưng thông tin phải mang tính tích cực, giáo dục, cảnh tỉnh, hỗ trợ cho quá trình tố tụng, có ích cho xã hội…
[Xử nghiêm báo chí lợi dụng vụ án mạng ở Bình Phước để câu khách]
“Tôi không đồng tình với quan điểm của bất cứ các cơ quan báo chí nào cho rằng cần phải làm “ầm ĩ” mọi thông tin về vụ án đau lòng này. Báo chí đừng bàng quan, vô cảm trước nỗi đau và mất mát của người khác, đừng nhẫn tâm dẫn dắt công chúng mua vui bằng những tình tiết ly kỳ của tội ác,” ông Tuấn nói.
Vị lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết, hiện nay vụ án đã chuyển sang giai đoạn tố tụng, việc báo chí thông tin bừa bãi gây áp lực dư luận đối với cơ quan điều tra, gây rối loạn thông tin là vi phạm nghiêm trọng. Tất cả các cơ quan báo chí nên chấm dứt việc xâm phạm quyền nhân thân, tự cho mình quyền tài phán trái pháp luật, gây dư luận xấu ảnh hưởng đến giáo dục và đạo đức xã hội.
Trước câu hỏi liệu có chế tài để quản lý việc đưa thông tin gây ảnh hưởng đến đạo đức xã hội, ông Tuấn khẳng định mỗi cơ tổ chức, cơ quan, nghề nghiệp hoặc công dân đều có những quyền riêng của mình trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Nhưng báo chí cũng như các nghề nghiệp khác không được lạm quyền. Ngoài luật báo chí, cơ quan báo chí và nhà báo còn bị điều chỉnh bởi những luật khác.
“Là nghề nghiệp đặc thù, báo chí có vai trò rất quan trọng đối với xã hội. Hiệu ứng của thông tin báo chí qua những vụ việc như thế này có thể làm băng hoại đạo đức xã hội. Căn tính bạo lực luôn tiềm tàng đâu đó, báo chí đừng kích thích cái ác mà phải hướng thiện. Hiệu ứng thông tin báo chí đã từng xảy ra trong vụ án Lê Văn Luyện giết người. Khi bị cáo này bị đưa ra xét xử, có nhiều thanh thiếu niên đến tham dự phiên toà vẫy tay chào bị cáo có vẻ như ‘ngưỡng mộ’ và rất nguy hiểm nếu điều này lặp lại. Là cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, chúng tôi sẽ ngăn chặn sự lạm quyền này. Tất cả các hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp của báo chí đều có chế tài xử lý và cần được thực hiện nghiêm túc,” ông Tuấn cho biết.
Về việc báo chí có thể tiếp tục đưa thông tin vụ án hay không, ông Tuấn cho hay báo chí có quyền đưa thông tin cho công chúng biết về quá trình điều tra nhưng phải tự kiềm chế, không đưa tin theo hướng kết tội và không được thể hiện quan điểm về tội của bị cáo mà theo quy định của pháp luật và đó là quyền của Toà án.
Trong giai đoạn điều tra, truy xét và các giai đoạn tố tụng, báo chí có quyền thông tin nhưng không được kết tội nghi can hoặc bị can, không làm nhiễu thông tin, định hướng thông tin gây ảnh hưởng đến các cơ quan tố tụng.
“Tôi đề nghị tất cả các tờ báo, nhất là báo điện tử và trang thông tin điện tử nên dừng ngay việc đưa tin vi phạm pháp luật như đã nêu ở trên để hỗ trợ thông tin trong quá trình điều tra. Yêu cầu các cơ quan báo chí không gây áp lực tin tức câu khách buộc nhà báo phải vi phạm đạo đức nghề nghiệp, rũ bỏ trách nhiệm công dân của mình và làm mất lòng tin bằng cách chạy theo loại tin ly kỳ như vụ án ở Bình Phước hiện nay,” ông Tuấn chốt lại./.
Theo VN+