Thứ Tư, 27/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 9/7/2015 22:46'(GMT+7)

Nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ cấp xã ở Văn Chấn

Việc liên kết đào tạo đã hình thành đội ngũ cán bộ có khả năng thích ứng với thực tiễn cơ sở. Ảnh TL

Việc liên kết đào tạo đã hình thành đội ngũ cán bộ có khả năng thích ứng với thực tiễn cơ sở. Ảnh TL

Nằm ở khu vực phía Tây của tỉnh Yên Bái, Văn Chấn là nơi sinh tụ của 23 dân tộc anh em. Lịch sử xây dựng, đấu tranh chống giặc ngoại xâm đã tạo cho quê hương  Văn Chấn anh hùng có cộng đồng dân tộc đa sắc thái văn hóa, luôn đoàn kết gắn bó keo sơn cùng giúp đỡ nhau phát triển kinh tế xã hội. Với 31 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 28 xã và 3 thị trấn, Văn Chấn hiện có tổng số cán bộ, công chức 3.390 người. Đây là những người trực tiếp thực hiện và đưa chủ trương, đường lối, nghị quyết của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, tuyên truyền, vận động và tổ chức nhân dân thực hiện. Là cầu nối trực tiếp của hệ thống chính quyền nhà nước với nhân dân, thực hiện hoạt động quản lý Nhà nước trên mọi lĩnh vực, đảm bảo cho các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, được triển khai thực hiện trong cuộc sống.

Nhận thức được vai trò to lớn của đội ngũ cán bộ cấp xã, những năm qua Huyện ủy Văn Chấn đã quán triệt và triển khai, thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết Trung ương của các cấp về  việc đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị; chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm bồi dưỡng, quy hoạch và rèn luyện nguồn cán bộ.  Ban Thường vụ Huyện ủy đã xác định việc đổi mới công tác giáo dục lý luận chính trị có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo thực tiễn thực hiện nhiệm vụ chính trị tại các địa phương, cơ sở. Từ đó, lãnh đạo Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện tập trung thực hiện tốt công tác đạo tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương.

Xác định, học tập lý luận chính trị là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ các cấp. Cán bộ phải có kế hoạch thường xuyên học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, gắn với năng lực hoạt động thực tiễn. Từ sự chỉ đạo này, xác định việc học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị được thực hiện gắn với tiêu chuẩn hóa cán bộ, đảng viên; kết quả học tập lý luận chính trị là một trong những tiêu chuẩn để xem xét đánh giá, sử dụng, thực hiện chính sách đối với cán bộ, đánh giá tư cách đảng viên.... Vì vậy, số lượng cán bộ cấp xã được nâng cao trình độ lý luận ngày càng tăng. Trên cơ sở đó giúp cho đội ngũ này có năng lực tư duy lý luận, khả năng tổng kết thực tiễn, vận dụng tốt đường lối, chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn địa phương.

   Trước yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới, Huyện ủy Văn Chấn đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội. Cùng với việc nâng cấp cơ sở vật chất, kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, báo cáo viên, Huyện ủy quan tâm chỉ đạo đổi mới phương thức giáo dục lý luận chính trị, tăng cường  liên kết, phối hợp đào tạo lý luận chính trị. Từ năm 2010 đến nay, Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện đã mở được 314 lớp cho 20.750 học viên học tập, trong đó đối tượng là cán bộ cấp xã là 289 người.

Trong những năm gần đây chương trình giáo dục lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ cấp xã đã có nhiều đổi mới cả về nội dung, hình thức. Trên cơ sở tài liệu của Ban tuyên giáo Trung ương, Ban tuyên giáo Tỉnh ủy, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện  đã điều chỉnh, bổ xung vào giảng dạy, gắn với điều kiện cụ thể, thực tiễn tại mỗi địa phương. Nội dung đổi mới theo hướng “bớt„ lý thuyết, “tăng“ kỹ năng, thực tiễn. Các chuyên đề thiên về lý thuyết được “giảm tải„, chương trình được tăng cường phần kỹ năng lãnh đạo, quản lý, giải quyết tình huống từ thực tiễn đặt ra.

Công tác giảng dạy đã bám sát kế hoạch, chương trình công tác và tổ chức thực hiện nghiêm túc nội dung quy định về mở lớp bồi dưỡng lý luận chính trị; cung cấp tài liệu giáo trình cho đội ngũ giảng viên chuyên trách và kiêm chức. Thông qua các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị tại Trung tâm, Ban thường vụ Huyện ủy đã cung cấp cho học viên những thông tin về tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, công tác xây dựng đảng và hệ thống chính trị và những định hướng lớn của huyện.

Quy mô về số lượng, chất lượng giảng dạy và học tập tiếp tục được nâng cao. Công tác tổ chức, quản lý lớp học ngày càng chặt chẽ; việc chấp hành nội quy, quy định của học viên tại Trung tâm có chuyển biến tốt, nghiêm túc hơn.

          Công tác chiêu sinh, khảo sát, quản lý hồ sơ, thủ tục của mỗi loại hình lớp học, từng lớp học đều đảm bảo quy trình. Cung cấp đầy đủ tài liệu bài giảng, thông báo lịch giảng bài và nội dung chuyên đề để giảng viên nghiên cứu soạn giáo án, chuẩn bị thực hiện bài giảng. Ở từng bài giảng, giảng viên đã thực hiện việc gắn lý luận với thực tiễn, phân tích, chứng minh, cập nhật thông tin thời sự để nâng cao hiệu quả và sức thuyết phục của bài giảng. Bên cạnh đó các giảng viên còn thực hiện các buổi dự giờ, trao đổi rút kinh nghiệm phương pháp giảng dạy của giảng viên; lấy phiếu đánh giá nhận xét của học viên cho từng giảng viên và bài giảng; tổ chức cho học viên góp ý về công tác quản lý, tổ chức lớp học…

Hình thức mở lớp đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, nội dung chương trình: tại Trung tâm và phối hợp mở lớp theo cụm, địa bàn cơ sở. Sau mỗi lớp học đánh giá rút kinh nghiệm, hoàn tất thủ tục nghiệp vụ, giáo vụ, lưu trữ hồ sơ để quản lý, khai thác; thực hiện tốt chế độ thanh quyết toán tài chính theo quy định.

Trong quá trính giảng dạy, việc liên tục cập nhật kiến thức mới cả về lý luận và thực tiễn nhằm tránh sự lạc hậu được Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện quan tâm. Trung tâm bồi dưỡng Chính trị huyện Văn Chấn có nhiều đề tài khoa học ứng dụng các văn kiện Đại hội toàn quốc của Đảng, Đại hội Đảng bộ huyện, các chuyên đề về lịch sử Đảng bộ địa phương, phòng chống tham nhũng... vào giảng dạy.

 Qua công tác đào tạo, bồi dướng  đội ngũ cán bộ công chức ở Văn Chấn không ngừng được kiện toàn, củng cố, được quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm, góp phần củng cố hoạt động của hệ thống chính trị nói chung .

 Tính từ năm 2010 đến nay, trình độ lý luận chính trị đã có bước chuyển biến đáng kể trung cấp 30% lên 62%; sơ cấp từ  70% tăng lên 93%; chưa qua đào tạo giảm đáng kể từ 61,9% năm 2010 đến nay còn 29%.

Tuy nhiên, công tác giáo dục lý luận chính trị còn bộc lộ hạn chế như nội dung chưa đa dạng, phong phú, nhất là đối với cán bộ khối đoàn thể, các nội dung liên hệ chưa mang tính chuyên sâu, thiếu các hoạt động nghiên cứu thực tiễn. Mặt khác chất lượng đội ngũ giảng viên có lúc chưa đáp ứng nhu cầu, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giảng dạy và học tập còn thiếu thốn; một số cán bộ cấp xã  chưa nhận thấy được tầm quan trọng của việc nâng cao trình độ lý luận chính trị cho nên đôi khi đi học chỉ mang tính hình thức, đối phó. Từ đó ảnh hưởng đến quá trình chỉ đạo thực tiễn của đội ngũ cán bộ này.

Do vậy, việc tiếp tục nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong tỉnh nói chung, cán bộ cấp xã ở huyện Văn Chấn nói riêng là yêu cầu vừa mang tính cấp thiết vừa là chiến lược lâu dài.

Trên cơ sở kết quả và những tồn tại hạn chế trong công tác giáo dục chính trị ở huyện Văn Chấn có thể rút ra những kinh nghiệm  trong công tác đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị cho đội ngũ cán bộ cấp xã đó là:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy đối với Trung tâm  bồi dưỡng Chính trị huyện là điều kiện quan trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị.

Thực tế chứng minh, chỉ khi có sự quan tâm, sự chỉ đạo cụ thể, sát với yêu cầu thực tế của Ban Thường vụ Huyện ủy, Trung tâm bồi dưỡng Chính trị huyện sẽ có sự đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đội ngũ giảng viên được quan tâm nâng cao chất lượng từ lựa chọn, đào tạo đến nâng cao trình độ; cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động được tăng cường, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả giáo dục lý luận chính trị.

Hai là, xây dựng tinh thần đoàn kết, sự năng động sáng tạo, tinh thần tự học tập, rèn luyện nâng cao trình độ của tập thể cán bộ giảng viên Trung tâm bồi dưỡng Chính trị là nhân tố quyết định nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị.

Tập thể cán bộ, giảng viên Trung tâm bồi dưỡng Chính trị huyện xây dựng khối đại đoàn kết, thống nhất sẽ tạo được sức mạnh vượt qua khó khăn, nâng cao chất lượng giảng dạy, chất lượng quản lý giáo dục, xây dựng, mở rộng mối quan hệ với các ban, ngành, xây dựng mối quan hệ với các tổ chức cơ sở đảng cùng chung trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ giáo dục lý luận chính trị.

Chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị sẽ yếu kém, không đạt yêu cầu nếu đội ngũ cán bộ, giảng viên Trung tâm bồi dưỡng Chính trị huyện không tự học tập, rèn luyện, phấn đấu để nâng cao trình độ mọi mặt cho mình.

Ba là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy cơ sở thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên về giáo dục lý luận chính trị.

Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Huyện ủy về giáo dục lý luận chính trị, cấp ủy cơ sở cần xác định việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, kỹ năng công tác cho đội ngũ cán bộ hệ thống chính trị xã, thị trấn, trước hết là trách nhiệm của cấp ủy cơ sở. Lãnh đạo đảng bộ cơ sở phải quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện để đội ngũ này được học tập, nâng cao trình độ về lý luận chính trị, về chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo trong giai đoạn mới.

Bốn là, thường xuyên đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục lý luận chính trị phù hợp với đối tượng và yêu cầu thực tiễn địa phương.

Đây là một kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn hoạt động của Trung tâm bồi dưỡng Chính trị huyện Văn Chấn. Học viên là cán bộ của hệ thống chính trị cơ sở, trình độ còn hạn chế nhưng lại có nhiều thực tiễn trong chỉ đạo tại cơ sở. Vì vậy, phương thức đào tạo, bồi dưỡng đòi hỏi phải thiết thực, tránh sa vào lý luận trừu tượng. Để đào tạo, bồi dưỡng có hiệu quả, giảng viên, báo cáo viên phải gắn với cơ sở, tìm phương pháp, cách thức sát với cơ sở, thường xuyên đổi mới phù hợp với nhận thức và tâm lý đối tượng.

Đứng trước yêu cầu và nhiệm vụ của thời kỳ mới, trong đó nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, để giành được thắng lợi trong thời kỳ này đòi hỏi phải phát huy cao độ sự đoàn kết, thống nhất trong toàn dân, phát huy tối đa thế mạnh của các địa phương, các vùng, các khu vực cũng như các thành phần kinh tế trong cả nước. Đặc biệt đối với huyện Văn Chấn đang tập trung thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện, trở thành huyện phát triển khu vực phía Tây của tỉnh Yên Bái, nhất thiết phải có một đội ngũ cán bộ cấp xã có đầy đủ bản lĩnh chính trị, năng lực chỉ đạo hoạt động thực tiễn, phẩm chất đạo đức tốt. Do đó, việc đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ này có đầy đủ năng lực, trình độ, trong đó đặc biệt là trình độ lý luận chính trị để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới là nhiệm vụ quan trọng và hết sức cần thiết, cấp bách.

Bùi Thị Doan

Trưởng Đài Truyền thanh, truyền hình huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất