(TG)-Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo "Báo chí với việc thúc đẩy thực hiện Công ước quốc tế về kiểm soát thuốc lá tại Việt Nam" do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức sáng 6-12.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, đồng chí Nguyễn Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí – xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho biết, trong những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) do Tổ chức Y tế thế giới đề xuất, đã được 147 quốc gia trên thế giới hưởng ứng và ký cam kết. Năm 2004, Việt Nam đã tham gia ký công ước này và cam kết với quốc tế thực hiện vì sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt, Việt Nam đã có sự ra đời của luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, nhằm giảm tỷ lệ sử dụng và tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc.
Để có được những thành tựu kể trên, không thể không kể đến vai trò của các cơ quan tuyên truyền, báo chí truyền thông. Trong những năm qua, các cơ quan báo chí thông tấn đã thể hiện vai trò to lớn trong việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về mối nguy hại của thuốc lá và hành vi hút thuốc lá đối với sức khỏe của con người; những tổn thất về kinh tế, xã hội từ việc tiêu thụ thuốc lá và những nguy cơ về sức khỏe và tương lai của thế hệ tẻ. Những bài viết đó không chỉ góp phần thúc đẩy việc ban hành luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và việc thực hiện cam kết của Việt Nam. Bên cạnh đó, còn góp phần tích cực trong công tác dự phòng bệnh tật, phòng chống các bệnh không lây nhiễm, đóng góp thiết thực cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
|
Đồng chí Nguyễn Nguyên phát biểu tại Hội thảo |
Hội thảo hôm nay được tổ chức với mong muốn tiếp tục phát huy vai trò của báo chí, tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá tới sức khỏe, ý thức trong việc chấp hành luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và thực hiện các mục tiêu Việt Nam đã cam kết khi tham gia Công ước.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số nội dung như: Làm rõ vai trò của báo chí, truyền thông trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, xã hội, môi trường… Làm rõ những nội dung cơ bản của Công ước quốc tế về kiểm soát thuốc lá; kinh nghiệm của một số nước trên thế giới. Những thành tựu, hạn chế, thách thức ở Việt Nam khi triển khai Công ước và luật Phòng chống tác hại của thuốc lá. Giải pháp phát huy vai trò của báo chí trong việc tuyên truyền, thúc đẩy thực hiện Công ước…
Phát biểu tại hội thảo, bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, Cán bộ Chương trình Kiểm soát thuốc lá, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, theo thống kê của WHO trong thế kỷ 20 trên thế giới có 100 triệu người chết do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá (cao gần gấp 4 lần so với số tử vong do tai nạn giao thông mỗi năm). Nếu Việt Nam không thực hiện ngay các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả, con số này sẽ tăng lên 70.000 ca/năm vào năm 2030. Khói thuốc chứa hơn 7.000 chất hóa học và khoảng 69 chất gây ung thư. Hút thuốc lá có thể gây ra nhiều bệnh ung thư (như: ung thư họng, ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư tụy, ung thư đại tràng...) và các bệnh mãn tính (như: đột quỵ, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, mù, đục thủy tinh thể...). Đặc biệt, hút thuốc thụ động có thể gây ra nhiều bệnh ở trẻ em (như: khối u não, bệnh tai giữa, ung thư máu...) và nhiều bệnh ở người trưởng thành (như: ung thư vú, ung thư phổi, ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của phụ nữ, ung thư xoang mũi...).
Tại hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Đào Văn Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã nhấn mạnh vai trò của truyền thông, báo chí là cung cấp thông tin, cơ sở xây dựng chính sách; tuyên truyền, phổ biến chính sách và điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chính sách. Trong việc thúc đẩy thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá tại Việt Nam, truyền thông, báo chí có vai trò phát hiện vấn đề, định hướng dư luận xã hội về tác hại của thuốc lá; tuyên truyền, phổ biến về Công ước, Luật phòng chống tác hại thuốc lá để tạo ra sự đồng thuận xã hội và sự hiệp đồng, tránh phân tán, chồng chéo. Đồng thời, truyền thông, báo chí cung cấp cho độc giả nguồn thông tin nhanh, khách quan, chân thật về lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh và chi phí cho bệnh tật từ thuốc lá; ý kiến từ các nhà khoa học, chuyên gia; vận động chính sách của các đối tác; chính sách phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Bên cạnh đó, truyền thông, báo chí có vai trò giám sát xã hội và phản biện xã hội; điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện quá trình thực hiện Công ước và Luật Phòng chống tác hại thuốc lá...
Cũng tại hội thảo, bác sỹ Phạm Hoàng Anh, Giám đốc tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam nêu rõ, Việt Nam đã ký phê chuẩn Công ước khung về kiểm soát thuốc lá từ năm 2004. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức trong quá trình thực hiện Công ước này. Bởi vậy, bác sỹ Phạm Hoàng Anh khuyến nghị: Việt Nam cần lựa chọn ưu tiên các chính sách về sức khỏe, giảm sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật. Các cơ quan truyền thông không đặt ngành công nghiệp thuốc lá ngang hàng với các ngành công nghiệp khác; chia sẻ rộng rãi Công ước khung về kiểm soát thuốc lá; tăng cường sự tham gia vào quá trình giám sát và truyền thông giảm sự can thiệp của các công ty thuốc lá...
Thu Hằng