Ngày 24/10, tại thành phố Quy Nhơn- Bình Định diễn ra Hội thảo khoa học "Báo chí với bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc". Hội thảo do Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Định phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc tổ chức, với sự tham gia của đại diện Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin - Truyền thông, các cơ quan nghiên cứu văn hóa - nghệ thuật, báo chí Trung ương và khu vực miền Trung - Tây nguyên.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe các tham luận bàn về vai trò, chức năng của báo chí trong công tác tuyên truyền, quảng bá, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Thực tế cho thấy, thời gian qua báo chí đã phản ánh tích cực, sinh động nền văn hóa nước nhà, bám sát hiện thực cuộc sống, có những đóng góp quan trọng trong việc giữ gìn, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII... Trong đó, cùng với việc phát hiện, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Bình Định, trong những năm qua, công tác thông tin, quảng bá về di sản văn hóa dân tộc trên báo chí được chú trọng và đạt hiệu quả tích cực. Những giá trị độc đáo cùng những chuyển động tích cực trong công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa tiêu biểu của Bình Định đã được báo chí trong và ngoài tỉnh thông tin, quảng bá rộng rãi…Với ý nghĩa đó, báo chí trở thành cầu nối, đưa những giá trị của di sản văn hóa đến với đông đảo công chúng, giới nghiên cứu ở trong và ngoài nước, đồng thời, đã kịp thời biểu dương, cổ vũ những điển hình tiên tiến có đóng góp tích cực cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa.
Tuy nhiên, các ý kiến thảo luận cũng chỉ rõ rằng, việc tuyên truyền về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc của báo chí còn bộc lộ không ít hạn chế, bất cập. Dung lượng và thời lượng dành cho di sản văn hóa văn hóa dân tộc ở không ít cơ quan báo chí còn quá khiêm tốn. Nhiều tờ báo và tạp chí chưa thực sự coi trọng công tác lý luận, phê bình văn học- nghệ thuật, thiếu cân nhắc khi giới thiệu những tác phẩm có nội dung nhạy cảm, bộc lộ khuynh hướng thương mại hóa, câu khách...
Tham luận của các đại biểu và các ý kiến thảo luận đã đưa ra những góp ý xác đáng, nhiều giải pháp nhằm nâng cao vai trò của báo chí trong việc tuyên truyền, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Theo đó, báo chí cần nắm vững những văn bản chỉ đạo đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng; cần tuyên truyền giá trị di sản văn hóa dân tộc tới các tầng lớp nhân dân trong nước, quảng bá rộng rãi để thế giới biết về đất nước, con người Việt Nam thông qua di sản văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, cơ quan báo chí cần nêu cao vị trí, vai trò vừa là cầu nối vừa là cơ quan định hướng, phát hiện và sáng tạo văn học nghệ thuật, năng cao chất lượng tuyên truyền nhằm tập hợp, động viên, khích lệ nhà báo nỗ lực trong công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc...
Hiếu Hòa