Thứ Hai, 25/11/2024
Tin hoạt động
Chủ Nhật, 19/10/2014 20:55'(GMT+7)

Nghi thức truyền thống đặc sắc của Đại lễ dâng y Kathina

Quang cảnh Đại lễ dâng y Kathina tại chính điện. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Quang cảnh Đại lễ dâng y Kathina tại chính điện. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Dâng y Kathina từ lâu đã trở thành hội lễ gieo trồng phước thiện trong truyền thống Phật giáo Nam tông, là nét văn hóa truyền thống đặc biệt đối với mỗi người dân Khmer, tôn vinh những giá trị truyền thống Phật giáo có từ thời Đức Phật tại thế.

Đại lễ dâng y nhắc nhở mỗi tín đồ Phật tử Phật giáo Nam tông Khmer luôn nhớ về và bày tỏ lòng kính ngưỡng trước Tam bảo, khích lệ tín đồ phật tử thực thi đại hạnh bố thí, dâng cúng lên người thầy của mình những vật phẩm với cả tấm lòng thành kính tôn trọng và cũng là dịp để người Phật tử được báo ân và nhớ về các bậc tổ tiên.

Đây là lần đầu tiên nghi thức dâng y của Phật giáo Nam tông Khmer được các sư sãi và tín đồ thực hiện một cách long trọng, trang nghiêm, đầy đủ, chân thực trong chính ngôi chùa Nam tông với không gian đậm bản sắc Khmer mới được xây dựng tại thủ đô Hà Nội.

Tăng ni, Phật tử và người dân Thủ đô đã được chứng kiến một nghi thức truyền thống đặc sắc và sinh động của Phật giáo Nam tông Khmer. Sau nghi thức niệm Phật cầu gia bị, lễ nhiễu Phật xung quanh chính điện, nghi lễ dâng y Kathina đã được thực hiện long trọng với việc Phật tử dâng lên cúng dường các chư tăng những mảnh vải để may y.

Sau khi thụ y, các chư tăng đã tạ ân Đức Phật đã ban pháp, tạ ân tăng đoàn tổ chức lễ thụ y và tạ ân các tín chủ đã tổ chức lễ dâng y. Ngoài dâng y, các Phật tử còn dâng lên chư tăng các phẩm vật khác để tỏ lòng tri ân và bày tỏ sự chia sẻ khó khăn với những hàng đệ tử xuất gia.

Việc tổ chức Đại lễ dâng y Kathina tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam đã góp phần giới thiệu đến công chúng cả nước và bạn bè quốc tế về sự đa dạng, phong phú trong sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của người dân Việt Nam, sự giao thoa về văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của Phật giáo Nam tông và Phật giáo Bắc tông; tăng cường đoàn kết tăng ni, Phật tử các hệ phái và các dân tộc anh em.

Đại lễ cũng là dịp để giới thiệu các công trình kiến trúc độc đáo, giàu bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer nói riêng và của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung, qua đó góp phần bảo tồn, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, quảng bá về hình ảnh, đất nước, con người và Phật giáo Việt Nam luôn luôn thân thiện, yêu chuộng hòa bình./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất