Thứ Ba, 24/9/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 22/11/2016 10:6'(GMT+7)

Bảo đảm mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu


 Chúng ta phải tận dụng thời cơ cuối năm thường là dịp thị trường thế giới có nhu cầu cao để đạt mức tăng trưởng xuất khẩu đột phá. Có như vậy mới hy vọng đạt và vượt kế hoạch năm.

Bộ Công thương đánh giá, nguyên nhân xuất khẩu giảm sút do kinh tế toàn cầu phục hồi chậm và chưa vững chắc, nhiều nền kinh tế chủ chốt trên thế giới tiếp tục gặp khó khăn; nhiều thị trường là bạn hàng lớn cả về xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam đang có dấu hiệu giảm hoặc chậm tăng trưởng. Tỷ giá, lãi suất và giá cả một số loại nguyên, nhiên, vật liệu chủ yếu phục vụ sản xuất trên thị trường thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Giá nhiều loại mặt hàng đều ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm trước…

Giai đoạn 2016 - 2020 đang đặt ra nhiều thách thức cả về khách quan lẫn chủ quan cho xuất khẩu của Việt Nam như các rào cản kỹ thuật và biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng được phổ biến trong bối cảnh thuế nhập khẩu được xóa bỏ trong các Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Mặt khác, số vụ điều tra và áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với hàng Việt Nam ngày càng nhiều. Trong nước, nhiều ngành hàng công nghiệp chủ lực chưa đáp ứng yêu cầu, giá trị gia tăng chưa bảo đảm, nguồn cung bị hạn chế; năng lực xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản đã đến ngưỡng. Ngành hàng công nghiệp chưa có mặt hàng chủ lực, chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Năng lực cạnh tranh của Việt Nam thấp hơn khu vực, chưa xây dựng được thương hiệu mạnh, nhất là thủy sản, nông sản.

Nhiệm vụ bảo đảm kế hoạch tăng trưởng xuất khẩu như đã đề ra năm nay rất nặng nề, nhiều khó khăn và thách thức lớn. Do đó, các bộ, ngành, địa phương phải chủ động phối hợp, tập trung tháo gỡ khó khăn, tháo gỡ mọi rào cản cho doanh nghiệp (DN), hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu. Rà soát các dự án sắp hoàn thành để đẩy nhanh tiến độ các dự án sản xuất để sớm đưa vào hoạt động, phục vụ xuất khẩu. Bộ Công thương vừa cho biết, sẽ sát cánh cùng DN nhằm giải quyết nhanh những khó khăn cho DN như thành lập đường dây nóng và giao Cục Xuất nhập khẩu xử lý kịp thời các vướng mắc cho DN xuất khẩu thông qua đường dây nóng này. Thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, ban hành nhiều văn bản về hướng dẫn cách tận dụng các cơ hội, giải quyết các thách thức từ các FTA cho DN.

Tập trung kinh phí và thực hiện hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại cho các mặt hàng đang gặp khó khăn về giá, thị trường nhất là chú trọng các DN có năng lực, kết nối các khâu đầu mối, các thị trường quan trọng như Nhật Bản, Pháp, châu Phi…; lựa chọn và tập trung xây dựng thương hiệu cho một số ngành chủ lực như dệt may, thủy sản, trái cây, gạo... Tuyên truyền, phổ biến việc tận dụng các FTA. Các Thương vụ Việt Nam tại thị trường nước ngoài rà soát, tập trung phát triển thị trường xuất khẩu, kiến nghị các giải pháp khắc phục khó khăn; phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với các cơ quan quản lý của nước sở tại, các Thương vụ, Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam để thúc đẩy đàm phán, ký thỏa thuận về thương mại, các thỏa thuận có liên quan giúp mở cửa thị trường cho các chủng loại trái cây, rau quả có thế mạnh của Việt Nam.

Tăng cường quản lý thị trường, ngăn chặn buôn lậu, kiểm soát hàng giả và hàng không bảo đảm chất lượng nhập khẩu và lưu thông trên thị trường, gây ảnh hưởng nguyên liệu sản xuất phục vụ xuất khẩu. Siết chặt quản lý nhập khẩu, sử dụng hàng sản xuất trong nước thay thế nhập khẩu; đề xuất các biện pháp phù hợp với cam kết quốc tế để quản lý nhập khẩu nhóm hàng tiêu dùng và nhóm hàng trong nước đã sản xuất được… Đây cũng là những biện pháp thiết thực góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu.

Theo Nhân dân


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất