Thứ Bảy, 23/11/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Năm, 22/3/2018 22:6'(GMT+7)

Bảo đảm quyền lợi công chúng và giá trị xã hội trong xuất bản (Tiếp theo và hết)

 

 

Không chỉ riêng Việt Nam, về cơ bản, luật pháp của các nước trên thế giới không quy định vai trò của nhà nước đối với kiểm duyệt; nhưng những nội dung bị nghiêm cấm trong hệ thống luật pháp mỗi quốc gia lại đòi hỏi cơ quan, tổ chức, đơn vị xuất bản hoặc nghệ thuật, báo chí luôn phải có ý thức về công tác biên tập sao cho xuất bản phẩm, tác phẩm nghệ thuật, báo chí không vi phạm pháp luật, không phải đối diện với sự phê phán của dư luận, góp phần bảo vệ, gìn giữ các giá trị và lợi ích xã hội. Vì thế, trên báo chí ở các nước, tin tức liên quan quản lý hoạt động xuất bản không phải là điều lạ.

Theo bài Thư viện Mỹ tố cáo kiểm duyệt đăng trên trang mạng của truyền hình SWR2 ngày 25-9-2017: Vào ngày 24-9-2017 ở Mỹ bắt đầu tuần "sách bị cấm" (Banned Books) hằng năm; nhân dịp này, Hiệp hội Thư viện Mỹ (ALA) cho biết, tại Mỹ, vì khiếu nại của công chúng mà mỗi năm có hàng trăm đầu sách bị đưa khỏi kệ, và xu hướng đó ngày càng gia tăng; như trong năm 2016, toàn nước Mỹ có 323 vụ khiếu nại, nhưng theo Giám đốc ALA, con số chính xác có thể lớn hơn. Bài Kiểm duyệt ở Đan Mạch đăng trên Taz ngày 10-10-2016 cho biết, PET (Cơ quan bảo vệ Hiến pháp Đan Mạch) đề nghị cấm cuốn sách Bảy năm cho PET.

Theo dõi báo chí ở Đức cũng có thể gặp thông tin tương tự, như tại Hội chợ sách Queere tổ chức ở Berlin (Béc-lin) tháng 11-2017, cuốn sách "Beißreflexe" bị cấm do bị phê bình gay gắt vì đã chỉ trích chủ nghĩa nữ quyền đồng tính, cấm đoán ngôn ngữ; tạp chí Spiegel xóa tên cuốn "Finis Germania" khỏi danh sách sách bán chạy vì bị cho là mang nội dung bài Do thái... Theo tác giả cuốn Nghịch lý Ấn Độ: Bất chấp thần thánh Ấn Độ trỗi dậy (NXB Tri thức H.2013) thì mỗi tháng ở nước này thường có một cuốn sách hay một bộ phim bị cấm phát hành; vì Ấn Độ là quốc gia đa tôn giáo, nhiều đẳng cấp, nhiều đảng phái, nhiều ngôn ngữ, mọi người đều tuân theo phán quyết của cơ quan có thẩm quyền...

Đề cập việc xuất bản ở Đức, cần nhắc tới cuốn Mein Kampf (Cuộc tranh đấu của tôi) - tự truyện của A.Hitler (A.Hít-le). Cuốn sách này được coi là nguy hiểm nhất thế giới, chứa đầy quan điểm phân biệt chủng tộc, bài Do thái. Sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, bản quyền cuốn sách đã được trao cho chính quyền bang Bavaria (Ba-va-ri-a). Luật pháp ở Đức không có quy định về kiểm duyệt cho nên giao bản quyền là cách thức hạn chế xuất bản Mein Kampf nếu không được sự đồng ý của chính quyền bang Bavaria. Vì vậy, từ năm 1945 đến năm 2015, cuốn sách chỉ được phát hành trong trường hợp đặc biệt với số lượng hạn chế. Tới năm 2015, theo luật quyền tác giả ở Đức, Mein Kampf chính thức hết hạn bảo hộ và về nguyên tắc, cuốn sách có thể được xuất bản. Từ đây đã xảy ra một cuộc tranh luận gay gắt giữa người ủng hộ với người phản đối. Cuối cùng, cuốn sách được Viện Lịch sử đương đại ở Munich (Mu-nich) xuất bản, kèm theo hơn 3.000 phân tích, bình luận để chỉ ra các thiếu sót và xuyên tạc sự thật thể hiện trong cuốn sách. Dẫu vậy, đại diện cộng đồng người Do thái vẫn khẳng định: "Không thể hiệu đính một con quỷ như Hitler". Hiện tại, Mein Kampf vẫn bị chính quyền ở Mỹ, Nga, I-xra-en, Áo,... cấm xuất bản, phát hành.

Tại Pháp, phần lớn phương tiện truyền thông công cộng hoạt động độc lập, không bị kiểm duyệt, nhưng qua CSA - cơ quan giám sát truyền thông, người đứng đầu nhà nước có thể chỉ định giám đốc một số đài phát thanh công cộng. Luật bảo mật ở Pháp có nhiều quy định nghiêm ngặt, và yêu cầu nhà báo phải tuân thủ. Và theo một đạo luật ban hành năm 2013, nếu công bố tài sản của một số thành viên quốc hội có thể sẽ bị trừng phạt. Trang mạng netzpolitik ngày 24-1-2017 cho biết, từ năm 2016, sau khi hoạt động khủng bố xảy ra, nỗ lực kiểm duyệt các trang web và nội dung trên phương tiện truyền thông xã hội tại Pháp tăng lên đáng kể.

Tại hội nghị về an ninh mạng ở Lille (Lin), Bộ trưởng Nội vụ Pháp đưa ra số liệu về các trang mạng bị chặn trong năm 2016. Vì có nội dung khiêu dâm, khủng bố mà cơ quan chức năng của Chính phủ Pháp đã chặn 834 website và 1.929 kết quả từ các công cụ tìm kiếm trên mạng. Đồng thời đã có sự gia tăng đáng kể trong việc chính phủ yêu cầu các nhà khai thác mạng xã hội xóa bỏ một số nội dung không phù hợp. Như trong sáu tháng đầu năm 2015, Facebook chặn 295 bài theo yêu cầu của Pháp, đến sáu tháng cuối năm 2015, con số này tăng lên tới 37.695. Tương tự với Twitter, trong sáu tháng đầu năm 2015, Chính phủ Pháp đã gửi 32 yêu cầu xóa bỏ, nhưng trong sáu tháng cuối năm 2015 đã có 154 yêu cầu.

Đề cập việc mở rộng kiểm duyệt của các cơ quan chính phủ Mỹ, gần đây dư luận thường nhắc đến yêu cầu khắt khe của các cơ quan này với cổng thông tin Russia Today. Cụ thể, Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu cổng thông tin Russia Today phải đăng ký văn phòng đặt tại Mỹ là đặc vụ nước ngoài theo đạo luật đăng ký tình báo nước ngoài. Theo đó, đạo luật này yêu cầu phải thông báo nhanh chóng, thường xuyên, chi tiết về việc tuyên truyền, nếu không Russia Today sẽ không được có mặt tại Mỹ. Còn theo một bài trên tờ Washington Post (Bưu điện Oa-sinh-tơn), Chính phủ Mỹ trao cho CDC - Trung tâm phòng chống dịch bệnh Mỹ, danh sách bảy từ không được sử dụng trong tất cả các giấy tờ chính thức liên quan việc CDC đề xuất ngân sách cho năm tài chính tiếp theo, gồm: transgender (chuyển đổi giới tính), vulnerable (dễ bị tổn thương), scientifically based (dựa trên khoa học), eligibility (hội đủ điều kiện), based on evidence (dựa trên bằng chứng), fetus (thai nhi), diversity (sự đa dạng). Điều này có nghĩa là CDC phải tự kiểm duyệt để bảy từ này không xuất hiện trong các văn bản liên quan đề xuất ngân sách hằng năm.

Bàn về hoạt động kiểm soát xuất bản ở các nước trên thế giới, không thể không đề cập lĩnh vực điện ảnh. Với khả năng đáp ứng nhu cầu nghe - nhìn và lan tỏa rất nhanh, điện ảnh có ưu thế to lớn khi đến với công chúng trên thế giới. Song, trước khi ra mắt ở mỗi quốc gia, điện ảnh cũng không thể bỏ qua khuôn khổ của kiểm duyệt. Như với phim Fifty Shades of Grey (Năm mươi sắc thái), để có thể ra rạp ở Việt Nam, bộ phim buộc phải cắt bỏ gần hết các "cảnh nóng", tuy nhiên, phim này vẫn bị cấm chiếu ở Ấn Độ, Ma-lai-xi-a, Kê-ni-a, In-đô-nê-xi-a... Ngoài ra, còn phải kể đến các bộ phim: The Evil Dead (Ma cây) bị cấm ở Anh, Ma-lai-xi-a, Thụy Điển, Xin-ga-po, Ai-len...; phim Life of Brian (Cuộc sống của Brian) được chọn là phim hay nhất mọi thời đại của nước Anh, nhưng ở Na Uy, Xin-ga-po, Ai-len,... bộ phim lại gây tranh cãi về tín ngưỡng và bị cấm chiếu; phim The Tin Drum (Chiếc trống thiếc) được trao giải Oscar năm 1980 cho hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, nhận giải Cành cọ vàng ở Liên hoan phim Cannes nhưng bị cấm chiếu ở Mỹ, Ca-na-đa (theo Hội đồng kiểm duyệt phim Ca-na-đa thì "bộ phim có dấu hiệu lạm dụng tình dục trẻ em")...

Ở Mỹ, đến năm 1930 kiểm duyệt trong lĩnh vực điện ảnh chỉ tồn tại ở một số bang riêng lẻ. Sau khi nhiều nhóm xã hội công khai ủng hộ việc kiểm duyệt phim nói chung, ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ nhanh chóng tự kiểm duyệt. Bộ quy tắc về điện ảnh của Mỹ ban hành năm 1930 cấm thể hiện hành vi có lợi cho phạm tội, hình ảnh tàn ác, khỏa thân, khiêu dâm, tục tĩu, vi phạm tình cảm tôn giáo và quốc gia...

Đến năm 1968, Hiệp hội điện ảnh Mỹ (MPAA) đưa ra hệ thống tiêu chí kiểm tra, phân loại phim trước khi lưu hành rộng rãi, bảo đảm tính phù hợp của phim với một số nhóm tuổi nhất định. Hệ thống tiêu chí của MPAA không do chính phủ ban hành cho nên không có hiệu lực hành chính bắt buộc, mà là hệ thống khuyến cáo, gợi ý công chúng sử dụng sao cho hợp lý với lợi ích của chính họ và gia đình. MPAA khuyến cáo khán giả trong phim có hay không các nội dung đáng chú ý trước khi xem như: ngôn ngữ dung tục, hình ảnh bạo lực, các cảnh chiến đấu, pha tình cảm mùi mẫn,... để họ tự quyết định, lựa chọn.

Từ thực tế nêu trên, có thể thấy việc kiểm soát, quản lý trong hoạt động xuất bản (gồm: sách, báo, điện ảnh, âm nhạc,...) là công việc cần thiết để bảo vệ quyền lợi của công chúng, gìn giữ và bảo vệ các giá trị và lợi ích xã hội, tạo điều kiện để mỗi người được thực hiện quyền lựa chọn các giá trị tốt đẹp cho chính mình và cho người khác. Vì thế, những kẻ vẫn lấy vấn đề kiểm duyệt để vu cáo, vu khống Việt Nam thì nên tự nhìn lại chính mình. Bởi thế giới này không có chỗ cho việc làm vô chính phủ, và chính tại "thế giới tự do" mà họ đang sống hoặc mơ ước, công việc kiểm duyệt đã và chắc chắn vẫn tiếp tục rất ngặt nghèo.

* Bài 1: “Kiểm duyệt” hay biên tập xuất bản?

 

HÀ NAM

Nguồn: Báo Nhân Dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất