Thứ Bảy, 5/10/2024
Đời sống
Thứ Ba, 8/12/2015 21:30'(GMT+7)

Bảo đảm sinh kế cho người dân để xóa đói giảm nghèo bền vững

Chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều

Điểm mới trong tiếp cận nghèo đa chiều là ở chỗ bên cạnh thước đo về thu nhập còn tính đến khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin,… Các tiêu chí tiếp cận đo lường nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 gồm tiêu chí về thu nhập, mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản. Với tiêu chí về thu nhập, Quyết định quy định chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn là 700.000 đồng/người/tháng; ở khu vực thành thị 900.000 đồng/người/tháng; chuẩn cận nghèo ở khu vực nông thôn là 1.000.000 đồng/người/tháng; ở khu vực thành thị 1.300.000 đồng/người/tháng. 

Về tiêu chí mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, bao gồm 5 dịch vụ: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. Có 10 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, gồm: tiếp cận các dịch vụ y tế; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt; hố xí/nhà tiêu hợp vệ sinh; sử dụng dịch vụ viễn thông; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin. 

Chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 được quy định theo các tiêu chí đo lường cụ thể. Hộ nghèo khu vực nông thôn là hộ có một trong hai tiêu chí sau: có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 đồng trở xuống; có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng nhưng thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. 

Hộ nghèo khu vực thành thị là hộ đáp ứng một trong hai tiêu chí sau: có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 900.000 đồng trở xuống; có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 900.000 đồng đến 1.300.000 đồng và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Hộ cận nghèo khu vực nông thôn là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Hộ cận nghèo khu vực thành thị là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 900.000 đồng đến 1.300.000 đồng và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Hộ có mức sống trung bình ở khu vực nông thôn là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng. Hộ có mức sống trung bình ở khu vực thành thị là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1.300.000 đồng đến 1.950.000 đồng. Mức chuẩn nghèo trên là căn cứ để đo lường và giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội; hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội khác trong giai đoạn 2016-2020.

Kết quả giảm nghèo ấn tượng thời gian qua

Thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, ưu tiên nguồn lực cho giảm nghèo bền vững, tập trung vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và địa bàn đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đầu tư nguồn lực trực tiếp, Chính phủ còn lồng ghép nội dung giảm nghèo trong các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Hoàn thiện và triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, học nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, nhà ở, bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, hỗ trợ sinh hoạt phí cho học sinh dân tộc thiểu số, tín dụng ưu đãi hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, học sinh sinh viên... Đã ban hành chính sách hỗ trợ bảo vệ, phát triển rừng gắn với giảm nghèo ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn dưới 4,5%, riêng các huyện nghèo còn dưới 30%.

Về đào tạo nghề, tạo việc làm, đã tổ chức, sắp xếp lại các trung tâm đào tạo nghề và giáo dục thường xuyên trên địa bàn cấp huyện; đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới chương trình, giáo trình và định hướng dạy nghề theo nhu cầu xã hội; sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách dạy nghề; ưu tiên hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo ở địa bàn đặc biệt khó khăn; nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Từ năm 2011 đến nay, tuyển mới dạy nghề đạt khoảng 9,2 triệu lượt người, trong đó hỗ trợ dạy nghề cho gần 2,4 triệu lao động nông thôn; đã đưa trên 450.000 người đi làm việc ở nước ngoài, thúc đẩy mở rộng thị trường, nhất là thị trường có thu nhập cao. Đẩy mạnh công tác đào tạo, dạy ngoại ngữ; hỗ trợ các huyện nghèo xuất khẩu lao động.

Về bảo đảm xã hội, đã triển khai thực hiện chính sách, pháp luật, đẩy mạnh thông tin truyền thông, nâng cao nhận thức, khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm xã hội. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tăng từ 9,7 triệu năm 2011 lên trên 12 triệu năm 2015.

Tích cực thực hiện Luật Bảo hiểm y tế, nâng mức hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, khuyến khích mua theo hộ gia đình, góp phần giảm chi phí của người bệnh có bảo hiểm y tế. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế. Đến cuối năm 2015, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt khoảng 75% dân số. Triển khai Đề án giảm quá tải bệnh viện; nâng cấp cơ sở vật chất, phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ y tế xuống cơ sở... Ưu tiên sử dụng ngân sách địa phương và nguồn vốn ODA cho các trạm y tế xã. Nâng cao y đức, đề cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ y tế. Tăng cường quản lý hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân; kiểm tra, giám sát việc cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động.

Mặc dù kết quả xóa đói giảm nghèo đạt được là ấn tượng song chưa thực sự bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn, trong nông dân cao hơn khu vực đô thị. Nguy cơ tái nghèo của những hộ nông dân mới thoát nghèo cao vì thu nhập bấp bênh, phụ thuộc vào giá cả thị trường, điều kiện thời tiết, dịch bệnh hay sức khỏe của các thành viên gia đình.

Phương pháp tiếp cận sinh kế của người dân - Giải pháp quan trọng để xóa đói giảm nghèo bền vững 

Bảo đảm an sinh xã hội, trợ giúp và cứu trợ xã hội đa dạng, linh hoạt, có khả năng bảo vệ, giúp đỡ mọi thành viên trong xã hội, nhất là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương là một trong những trọng tâm của chính sách xóa đói giảm nghèo một cách bền vững. Phương pháp tiếp cận sinh kế của người dân có thể là một trong những giải pháp trong thực hiện nhiệm vụ này.

Phương pháp tiếp cận sinh kế là phương pháp tập hợp các nguồn lực và khả năng của con người kết hợp với những quyết định và hoạt động mà họ thực thi nhằm để kiếm sống cũng như để đạt được các mục tiêu và ước nguyện của mình.

Sinh kế của con người bao gồm toàn bộ những hoạt động để đạt được mục tiêu dựa trên những nguồn lực sẵn có như các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn vốn, lao động, trình độ phát triển của khoa học công nghệ. Tiếp cận sinh kế là cách tư duy về mục tiêu, phạm vi và những ưu tiên cho phát triển nhằm đẩy nhanh tiến độ xoá đói giảm nghèo. Đây là phương pháp tiếp cận sâu rộng với mục đích nắm giữ và cung cấp các phương tiện để tìm hiểu nguyên nhân và các mặt khác của đói nghèo; phác họa những mối quan hệ giữa các khía cạnh khác nhau của đói nghèo, giúp xác lập ưu tiên tốt hơn cho những hoạt động xóa đói giảm nghèo. 

Phương pháp tiếp cận sinh kế giúp người dân đạt được thành quả lâu dài mà những kết quả đó được đo bằng các chỉ số do bản thân họ tự xác lập; thể hiện quan điểm lấy người dân làm trung tâm. Nó thừa nhận người dân có những quyền nhất định, cũng như trách nhiệm giữa họ với nhau và với xã hội nói chung. Phương pháp tiếp cận sinh kế được sử dụng để xác định, thiết kế và đánh giá các chương trình, dự án mới, sử dụng cho đánh giá lại các hoạt động hiện có, sử dụng để cung cấp thông tin cho việc hoạch định chiến lược và sử dụng cho nghiên cứu. Một trong những điểm nổi trội của tiếp cận sinh kế là khả năng linh hoạt và khả năng áp dụng của chúng đối với nhiều tình huống. 

Chiến lược sinh kế của các hộ gia đình là quá trình ra quyết định về các vấn đề liên quan trực tiếp đến hộ gia đình, bao gồm những vấn đề như thành phần của hộ, tính gắn bó giữa các thành viên, phân bổ các nguồn lực vật chất và phi vật chất. Để duy trì, hộ gia đình thường có các chiến lược sinh kế khác nhau, có thể được chia làm 3 loại: Chiến lược tích luỹ là chiến lược dài hạn nhằm hướng tới tăng trưởng và có thể là kết hợp của nhiều hoạt động hướng tới tích luỹ và giàu có; Chiến lược tái sản xuất là chiến lược trung hạn gồm nhiều hoạt động tạo thu nhập, những ưu tiên có thể hướng tới hoạt động của cộng đồng và an sinh xã hội; Chiến lược tồn tại là chiến lược ngắn hạn, gồm cả các hoạt động tạo thu nhập chỉ để tồn tại mà không tích luỹ.

Khung sinh kế bền vững bao gồm những nhân tố chính ảnh hưởng đến sinh kế của con người và những mối quan hệ cơ bản giữa chúng. Nó có thể sử dụng để lên kế hoạch cho những hoạt động phát triển mới và đánh giá sự đóng góp vào sự bền vững sinh kế của những hoạt động hiện tại. Cụ thể là: Cung cấp bảng liệt kê những vấn đề quan trọng nhất và phác họa mối liên hệ giữa những yếu tố này; Tập trung sự chú ý vào các tác động và các quy trình quan trọng; Nhấn mạnh sự tương tác phức tạp giữa các nhân tố khác nhau, làm ảnh hưởng tới sinh kế. Đây là khung giúp cho người sử dụng hiểu được các loại hình sinh kế hiện hữu và dùng nó làm cơ sở để lập kế hoạch cho các hoạt động; Bối cảnh sống của người dân, trong đó bao gồm những ảnh hưởng của các xu hướng bên ngoài với họ (xu hướng về kinh tế, xu hướng phát triển dân số,…); Khả năng tiếp cận của người dân đối với các loại tài sản sinh kế và khả năng sử dụng chúng vào sản xuất; Những thể chế, những chính sách và tổ chức tác động đến sinh kế của người dân; Các chiến lược mà người dân áp dụng để theo đuổi mục đích của mình. 

Khung sinh kế giúp sắp xếp những nhân tố gây cản trở hoặc tăng cường các cơ hội sinh kế, đồng thời cho ta thấy cách thức chúng liên quan với nhau như thế nào. Nó không phải là mô hình chính xác trong thực tế mà chỉ đưa ra một cách tư duy về sinh kế, nhìn nhận nó trên góc độ phức hợp và sâu rộng nhưng vẫn trong khuôn khổ có thể quản lý được. Khung sinh kế luôn được đặt trong trạng thái động, không có điểm đầu, điểm cuối. Giá trị của một khung sinh kế giúp cho người sử dụng nhìn nhận một cách bao quát và có hệ thống các tác nhân gây ra nghèo đói và mối quan hệ giữa chúng. Có thể đó là những cú sốc và các xu hướng bất lợi, các chính sách và thể chế hoạt động kém hiệu quả hoặc việc thiếu cơ bản các tài sản sinh kế. Mục đích sử dụng khung sinh kế là để tìm hiểu những cách thức mà con người đã kết hợp và sử dụng các nguồn lực, khả năng nhằm kiếm sống cũng như để đạt được các mục tiêu và mong muốn của họ. Những mục tiêu mà con người đạt được nhờ sử dụng và kết hợp các nguồn lực khác nhau có thể gọi là kết quả sinh kế. Đây là những thứ mà con người muốn đạt được trong cuộc sống kể cả trước mắt cũng như lâu dài. Nghiên cứu kết quả sinh kế sẽ cho chúng ta hiểu được động lực nào dẫn tới các hoạt động mà họ đang thực hiện và những ưu tiên của họ là gì. Đồng thời cũng cho thấy phản ứng của người dân trước những cơ hội và nguy cơ mới. Kết quả sinh kế thể hiện trên những chỉ số, như đời sống được nâng cao, khả năng tổn thương giảm.

Bảo đảm sinh kế cho người dân, nhất là các hộ nghèo, thực hiện phương châm “cho cần câu không chỉ cho con cá” để họ nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững là giải pháp có thể giải quyết được tận gốc nguyên nhân dẫn đến đói nghèo/.

TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền
Đại học Luật Hà Nội
Nguồn: TCCS

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất