Theo số liệu thống kê sơ bộ của Liên đoàn Lao động Hà Nội, từ đầu năm
2015 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 23 vụ tai nạn lao động
nghiêm trọng, làm 25 người chết.
Năm 2014, Hà Nội vẫn là một trong những địa phương có số vụ tai nạn lao
động cao của cả nước (132 vụ); trong đó có 33 vụ tai nạn lao động nghiêm
trọng làm chết 34 người, làm bị thương nặng 4 người.
Dư luận đã từng bức xúc trước những vụ tai nạn lao động mà nguyên nhân
chính vẫn là sự cẩu thả, xem nhẹ an toàn lao động tại các công trường
xây dựng của nhiều đơn vị chủ đầu tư.
Gần đây nhất là 3 vụ tai nạn lao động nguy hiểm liên tiếp xảy ra tại Hà
Nội trong tháng Năm vừa qua đã làm ảnh hưởng tới sức khỏe, tinh thần,
vật chất cho người bị tai nạn, trong đó có 2 vụ trên cùng tuyến thi công
đường sắt thí điểm đoạn Nhổn-ga Hà Nội do sập cần cẩu và một vụ tại dự
án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông.
Đặc biệt, vụ cần cẩu đang vận hành bất ngờ đổ sập xuống khiến 3 người
chết tại công trình xây dựng Tòa nhà Lilama (số 52 Lĩnh Nam, phường Mai
Động, quận Hoàng Mai) xảy ra sáng 4/12 lại thêm một lần nữa gióng lên
hồi chuông báo động về tình trạng mất an toàn lao động trong thi công
xây dựng hiện nay.
Điều đáng nói là mặc dù Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cùng các đơn vị
chức năng đã có nhiều nỗ lực đưa ra các giải pháp đồng bộ nhằm phát
hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vụ tai nạn lao động đáng tiếc có
thể xảy ra thì một số chủ đầu tư vẫn coi thường pháp luật, xem nhẹ tính
mạng của người lao động khi vẫn đưa vào vận hành các thiết bị thi công
chưa đảm bảo an toàn, gây ra những hậu quả nặng nề cho xã hội.
Đề cập đến nguy cơ tai nạn từ hoạt động cẩu tháp đang hiện hữu và rất
khó lường tại các công trình xây dựng, ông Nguyễn Quang Huy, Phó phòng
phụ trách Phòng Quản lý và Giám định chất lượng (Sở Xây dựng Hà Nội) cho
biết ngay sau sự cố sập cần cẩu tại công trường thi công đường sắt đô
thị tuyến Nhổn-Ga Hà Nội vào tháng 5/2015, Sở đã chủ trì tiến hành kiểm
tra đột xuất, đồng thời với tổng kiểm tra tất cả các dự án xây dựng trên
địa bàn có sử dụng cần cẩu tháp.
Tại các thời điểm kiểm tra, nhiều chủ đầu tư không xuất trình được
phương án sử dụng cần cẩu, không đảm bảo đầy đủ các quy định về an toàn
thi công. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu đình chỉ hoạt động và chỉ khi nào chủ
đầu tư hoàn thiện hồ sơ, được Sở Xây dựng chấp thuận tổng mặt bằng mới
được tiếp tục thi công.
Cùng với đó, Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo tới tất cả các chủ
đầu tư, chỉ cho phép hoạt động từ 22 giờ đêm hôm trước đến 6 giờ sáng
hôm sau, nhưng phải đảm bảo đầy đủ hệ thống cảnh báo, người cảnh giới,
hướng dẫn an toàn.
Song, trên thực tế hiện nay ở Hà Nội, một số chủ đầu tư dự án, đưa cẩu
tháp vào hoạt động nhưng chưa xin cấp phép của các cơ quan có thẩm
quyền. Từ cách làm chủ quan xem thường pháp luật trên đã để ra những hậu
quả đáng tiếc.
Đơn cử, cũng trên địa bàn quận Hoàng Mai, người dân ngõ 18 đường Lĩnh
Nam đã phải sống trong bất an do hoạt động của cẩu tháp thi công công
trình cao tầng lân cận. Cẩu tháp được lắp đặt ngay cạnh nhà người dân.
Không chỉ có vậy, phạm vi vòng quay của cẩu tháp cũng như phần đối trọng
luôn lơ lửng trên nóc nhà khiến người dân luôn nơm nớp lo sợ tai nạn ập
xuống.
Ông Dương Văn Hùng, ở số nhà 85, ngõ 18, đường Lĩnh Nam, phường Mai
Động, cho biết trong quá trình thi công, cẩu tháp đã làm rơi vật liệu
xây dựng xuống nhà ông, rất may không gây thiệt hại về người, mà chỉ làm
hư hỏng những tấm lợp trên mái nhà.
“Cẩu tháp cứ hoạt động nguy hiểm thế này không biết chuyện gì sẽ xảy ra,” ông Hùng lo lắng.
Để ngăn ngừa tai nạn từ hoạt động của cẩu tháp, ông Nguyễn Quang Huy cho
biết, đây là loại thiết bị đặc thù để thi công những công trình cao
tầng, dùng nâng hạ, vận chuyển vật liệu xây dựng. Vì vậy, Sở Xây dựng
cũng khuyến cáo các chủ đầu tư, tư vấn giám sát, đơn vị thi công phải
tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật như quy định về an toàn,
thực hiện cảnh giới cảnh báo, kiểm tra nhật ký thi công cầu cẩn tháp,
chế độ định kỳ bảo hành.
Trong mùa mưa bão, chủ đầu tư, nhà thầu thi công phải hạ cần cẩu tháp,
tránh để khi xảy ra gió quá mạnh dẫn đến vặn cần cẩu tháp, đổ.
Cũng theo Sở Xây dựng Hà Nội, để xảy ra mất an toàn trong quá trình thi
công, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư, sau đó là nhà thầu thi
công, tư vấn giám sát. Đặc biệt, khi xảy ra vụ việc, chủ đầu tư phải có
trách nhiệm phối hợp với các cấp chính quyền địa phương khắc phục ngay
những nguyên nhân để xảy ra sai phạm.
Tại Hà Nội đang có rất nhiều công trình cao tầng được thi công bằng cẩu
tháp. Ẩn họa từ tai nạn cẩu tháp là rất khó lường. Vì vậy cùng với việc
đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của chủ sử dụng và người lao
động, các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực
hiện các quy định về an toàn lao động tại các đơn vị, công trường xây
dựng, xử phạt nghiêm minh những nhà thầu, đơn vị tắc trách, coi thường
tính mạng người lao động để răn đe, ngăn ngừa vi phạm tai nạn lao động
không chỉ trên địa bàn Thủ đô./.
Theo TTXVN