Thứ Sáu, 13/12/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 11/2/2016 9:27'(GMT+7)

Bảo đảm thuận lợi cho người dân và cơ quan đăng ký hộ tịch

Cán bộ, chiến sỹ công an lấy làm thủ tục lấy dấu vân tay công dân đến đăng ký cấp thẻ căn cước công dân. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Cán bộ, chiến sỹ công an lấy làm thủ tục lấy dấu vân tay công dân đến đăng ký cấp thẻ căn cước công dân. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Luật Hộ tịch đã được Quốc hội khóa XIII thông qua gồm 7 chương và 77 điều, chủ yếu luật hóa các quy định hiện hành (trong các Nghị định của Chính phủ, Thông tư, Thông tư liên tịch của Bộ, liên Bộ) đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đồng thời quy định một số nội dung mới theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, minh bạch, hiện đại gắn kết với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký, quản lý hộ tịch, nhằm bảo đảm lợi ích của người dân và tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hộ tịch.

Bảo đảm quyền công dân, quyền con người trong việc thực hiện kết hôn

Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) Nguyễn Công Khanh cho biết để kịp thời triển khai luật, Bộ Tư pháp đã xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật. Theo đó, quy định cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong đăng ký hộ tịch ở cả hai cấp xã và huyện, bảo đảm thuận lợi cho người dân và cơ quan đăng ký hộ tịch.

Nghị định đã cắt giảm mạnh các giấy tờ phải nộp khi đăng ký hộ tịch trong giai đoạn chuyển tiếp. Ngay cả khi thủ tục hành chính quy định giấy tờ phải nộp là bản sao có chứng thực, nhưng nếu người dân chỉ nộp bản chụp giấy tờ (không có chứng thực) thì Nghị định quy định cũng được chấp nhận, nhưng cần có bản chính để đối chiếu.

Trong giai đoạn chuyển tiếp, khi đăng ký hộ tịch, người dân vẫn cần nộp, xuất trình một số giấy tờ cần thiết để chứng minh về nhân thân, nơi cư trú cũng như chứng minh về yêu cầu đăng ký hộ tịch. Khi Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân sự vận hành thống nhất, người dân chỉ cần xuất trình duy nhất một loại giấy tờ (có Số định danh cá nhân) khi yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính nói chung, đăng ký hộ tịch nói riêng mà không cần phải nộp giấy tờ để chứng minh về nhân thân, nơi cư trú.

Nghị định quy định cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính để giải quyết các việc hộ tịch có yếu tố nước ngoài cho người dân. Cụ thể, không quy định phỏng vấn đối với trường hợp đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài tại Ủy ban Nhân dân cấp huyện. Đây là bước cải cách mạnh mẽ, hướng tới bảo đảm quyền công dân, quyền con người trong việc thực hiện kết hôn - một trong những quyền nhân thân quan trọng được ghi nhận trong Hiến pháp 2013, Bộ luật dân sự, Luật hôn nhân và gia đình.

Để bảo đảm lợi ích của người dân, tránh gây phiền hà, tốn kém, Nghị định quy định thống nhất một thủ tục cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Theo đó, Ủy ban Nhân dân cấp xã có thẩm quyền cấp loại giấy này cho cá nhân có yêu cầu, nhằm sử dụng trong nước cũng như ở nước ngoài vào mục đích kết hôn cũng như không kết hôn.

Thực hiện khoản 2, Điều 76 của Luật hộ tịch, Nghị định quy định cụ thể việc khai sinh, khai tử, kết hôn đã được đăng ký trước ngày 1/1/2016 nhưng sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch bị mất thì được đăng ký lại; khi đăng ký lại khai sinh, kết hôn thì người yêu cầu phải còn sống... Bộ Tư pháp cũng đã xây dựng Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật hộ tịch.

Tích cực triển khai Đề án "Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc"

Triển khai luật, Bộ Tư pháp đã tiến hành tổng rà soát đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch trên cả nước và chuẩn bị Báo cáo kết quả rà soát để trình Thủ tướng Chính phủ. Sơ bộ kết quả rà soát cho thấy, nhiều địa phương có đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định của Luật.

Tuy nhiên, tổng hợp trên cả nước cũng còn trên dưới 20% số lượng công chức (cấp xã, huyện) chưa đáp ứng tiêu chuẩn, cần có kế hoạch đào tạo để có đủ tiêu chuẩn trước ngày 1/1/2020.

Bộ Tư pháp đã xây dựng và Bộ trưởng Bộ tư pháp đã phê duyệt Đề án "Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc." Theo Đề án, việc triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc được triển khai theo ba giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2015 đến tháng 6/2017 sẽ tập trung xây dựng phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch chuẩn dùng chung tại các cơ quan đăng ký hộ tịch; thiết lập hệ thống thông tin hộ tịch điện tử từ Trung ương đến địa phương (cả bốn cấp); thí điểm cài đặt, sử dụng phần mềm chuẩn dùng chung, thiết lập hệ thống thông tin hộ tịch điện tử tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Giai đoạn 2 triển khai từ tháng 7/2017 đến năm 2019, tập trung hoàn thiện thể chế về quản lý, khai thác, sử dụng dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc; hoàn thiện cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc tiến tới hiện địa hóa phương thức đăng ký, cấp các giấy tờ hộ tịch, từng bước ứng dụng công nghệ thông tin vào đăng ký hộ tịch trực tuyến, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong đăng ký điện tử trên toàn quốc.

Giai đoạn 3 từ năm 2020 trở đi củng cố, hoàn thiện, vận hành, khai thác, sử dụng sơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, hệ thống thông tin hộ tịch điện tử thống nhất trên toàn quốc và cơ quan đại diện; bảo đảm quản lý, khai thác, sử dụng an toàn, hiệu quả.

Bộ Tư pháp cho biết sẽ phối hợp với Bộ Công an hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Căn cước công dân trong mối tương quan với Luật Hộ tịch, việc chuyển-nhận dữ liệu khai sinh và cấp số định danh cá nhân; dữ liệu thay đổi, cải chính hộ tịch; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu công dân giữa hai cơ sở; vấn đề bảo mật, an toàn thông tin mạng trong cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc...; phối hợp cùng Bộ Ngoại giao chỉ đạo, hướng dẫn công tác đăng ký, quản lý hộ tịch tại các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; tiếp tục triển khai chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho công chức làm công tác hộ tịch; phát hành, quản lý biểu mẫu, sổ hộ tịch để cung cấp đầy đủ cho các địa phương./.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất