Dự thảo Luật Ban hành quyết định hành chính được đưa ra thảo luận gồm 6
chương, 50 điều quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục ban hành quyết
định hành chính, quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong
việc ban hành quyết định hành chính.
Việc xây dựng dự án Luật Ban hành quyết định hành chính nhằm khắc phục
vướng mắc, bất cập trong thực tiễn và pháp luật ban hành quyết định hành
chính, bảo đảm tính hợp pháp, khả thi của quyết định hành chính, tính
minh bạch, công khai, khách quan của quá trình ban hành quyết định hành
chính và tính chuyên nghiệp của nền hành chính hiện đại.
Nhiều ý kiến tại Hội thảo đã nêu lên những hạn chế, bất cập của việc ban
hành quyết định hành chính. Trong đó có việc cán bộ, công chức lúng
túng trong ban hành quyết định hành chính; thẩm phán hành chính thiếu cơ
sở pháp lý rõ ràng để xem xét, đánh giá một quyết định hành chính là
trái hay không trái pháp luật.
Về phía người dân, còn thiếu cơ sở pháp lý rõ ràng để khiếu nại, khiếu
kiện nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Thực tế cho thấy, số lượng
vụ việc khiếu nại, khiếu kiện về quyết định hành chính hàng năm không
nhỏ, có những vụ việc trở nên phức tạp, ảnh hưởng đến sự ổn định chính
trị-xã hội của địa phương.
Theo ý kiến các nhà chuyên môn, các khái niệm, hình thức, chủ thể ban
hành quyết định hành chính còn được quy định và hiểu rất khác nhau, việc
ủy quyền ban hành Quyết định hành chính và trách nhiệm pháp lý của
người ủy quyền và người được ủy quyền chưa được thống nhất…
Tại Hội thảo, nhiều ý kiến đồng tình với việc ban hành luật để khắc phục
những bất cập trong thực tiễn và ban hành quyết định hành chính. Luật
này không áp dụng đối với các quyết định hành chính nội bộ của cơ quan
hành chính nhà nước, quyết định khen thưởng; quyết định hành chính về
giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vụ việc cạnh tranh và trong hoạt
động tố tụng, quyết định hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước.
Về chủ thể ban hành quyết định hành chính hiện cũng có 2 loại ý kiến. Có
ý kiến cho rằng, chỉ nên điều chỉnh đối với các quyết định hành chính
do các cơ quan hành chính nhà nước ban hành và không nên điều chỉnh đối
với quyết định hành chính do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Ý kiến khác cho rằng, chủ thể ban hành quyết định hành chính theo quy
định của luật này phải bao gồm tất cả các cơ quan nhà nước (tư pháp, lập
pháp, hành pháp) và cả Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ….
Theo dự kiến, dự án Luật Ban hành quyết định hành chính sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13 tới./.
Theo TTXVN