Tình trạng kháng thuốc kháng sinh là hậu quả của nhiều yếu tố, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do sử dụng không hợp lý và không đúng cách của người dân. Tình trạng này đang ngày càng gia tăng, kéo theo nguy cơ dị ứng dẫn đến biến chứng luôn thường trực và tăng chi phí khám, chữa bệnh, kéo dài thời gian điều trị. Nhiều loại kháng sinh đã bị kém hoặc không còn tác dụng trong điều trị bệnh. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo thuốc kháng sinh có thể mất khả năng chữa bệnh, con người có nguy cơ quay trở lại thời kỳ trước khi có kháng sinh.
Theo thông báo của Bộ Y tế, nhiều vi khuẩn đã kháng lại hầu hết các kháng sinh thông thường, như: pê-ni-xi-lin, tê-tra-xi-lin, strép-tô-mi-xin... Thống kê của Bệnh viện Bạch Mai, tỷ lệ dị ứng thuốc gần đây tăng gấp ba lần so với mười năm trước. Trong các trường hợp dị ứng thuốc, đa phần là dị ứng thuốc kháng sinh. Kết quả nghiên cứu từ hơn 2.000 người bệnh đến khám và điều trị tại Khoa Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai từ năm 1981 - 2005 cho thấy, trong 28 nhóm gây dị ứng thì kháng sinh chiếm 75,7%. Nhóm kháng sinh cũng là nguyên nhân đầu tiên, chủ yếu gây ra các phản ứng dị ứng như: Sốc phản vệ, mày đay, viêm da tiếp xúc, đỏ da toàn thân..., 60% trường hợp ngộ độc hay sốc thuốc phản vệ là do người bệnh tự mua thuốc về điều trị. Giám đốc Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai) PGS, TS Nguyễn Văn Ðoàn cho rằng: nguyên nhân dẫn tới tình trạng dị ứng, kháng thuốc tăng là do việc lạm dụng thuốc ở trong cộng đồng. Nhiều người bệnh tưởng rằng kháng sinh chữa được 'bách bệnh', cho nên mua thuốc về tự điều trị mà không cần đơn của bác sĩ. Có những bệnh không cần dùng kháng sinh cũng tự ý mua kháng sinh dùng, thí dụ như hắt hơi sổ mũi, tiêu chảy, sốt vi-rút, viêm họng... Trong khi đó, thầy thuốc lại lạm dụng thuốc kháng sinh trong điều trị bao vây, dùng quá nhiều. Dược sĩ không có đơn cũng bán thuốc, thậm chí còn tự kê đơn cho người bệnh.
Kháng sinh cũng như các loại thuốc khác, ngoài tác dụng chữa bệnh, nó còn có những tác dụng không mong muốn và phản ứng phụ gây độc hại đối với người dùng. Việc lạm dụng kháng sinh còn tăng khả năng kháng thuốc của vi khuẩn, làm lu mờ các triệu chứng bệnh lý, cản trở việc chẩn đoán bệnh. Lạm dụng kháng sinh ngay những năm đầu đời còn nguy hiểm hơn vì trẻ dễ nhờn thuốc, tăng sức công phá của vi khuẩn với cơ thể, gây ra những bệnh nguy hiểm khác.
Với sự phối hợp của các chuyên gia của Ðại học Oxford (Anh), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư vừa thực hiện nghiên cứu siêu vi khuẩn kháng thuốc tại Việt Nam. Tuy chưa phát hiện có sự xuất hiện vi khuẩn mang gien mã hóa cho enzym NDM-1 ở Việt Nam, nhưng trong quá trình theo dõi điều trị cho những người bệnh bị nhiễm khuẩn huyết, bệnh viện cũng đã thấy một trường hợp bị nhiễm trùng huyết do K. pneumoniae có gien kháng thuốc NDM-1. Rất may, người bệnh đã được cứu sống. Ngoài ra, hằng năm, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận những trường hợp bị các bệnh nhiễm trùng nặng. Qua các xét nghiệm, sàng lọc, nghiên cứu được tiến hành hơn mười chủng vi khuẩn
K. pneumoniae phân lập từ đờm của người bệnh đang điều trị tại bệnh viện. Kết quả nghiên cứu có vai trò quan trọng trong việc khám, chẩn đoán, điều trị cho người bệnh bị các bệnh nhiễm trùng nói chung và nhiễm khuẩn nói riêng. Theo Phó trưởng khoa Cấp cứu - Ðiều trị tích cực (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư) BS Nguyễn Trung Cấp, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi khuẩn siêu kháng thuốc xuất hiện, trong đó phải cảnh báo tình trạng lạm dụng kháng sinh ở Việt Nam.
Theo một khảo sát tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội cho thấy, số thuốc được kê trung bình một đơn là 7,06 loại, nhiều đơn có tới 10-20 loại. Ðáng chú ý, kháng sinh được sử dụng ở rất nhiều đơn thuốc, có khoa thuốc kháng sinh được sử dụng ở 100% số người bệnh. Tình trạng kết hợp nhiều kháng sinh cũng rất phổ biến, với gần 42%, thậm chí có đơn thuốc dùng đến bốn loại. Trong khi đó, theo đánh giá của Hội đồng thuốc và điều trị thì có một nửa số thuốc kháng sinh trong những đơn này là không cần thiết. Ngoài ra, kết quả kiểm tra tại một số trạm y tế cũng cho thấy việc chẩn đoán, kê đơn, sử dụng thuốc thường do y sĩ thực hiện và theo công thức: kháng sinh-hạ sốt-vi-ta-min. Liều chỉ định thường cao và kéo dài, có khi còn kê hai loại kháng sinh, không tương ứng với tình trạng bệnh được chẩn đoán. Cục trưởng quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) TS Lương Ngọc Khuê, cho biết một kết quả nghiên cứu khác ở 19 bệnh viện ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng trong hai năm 2009 và 2010 cho thấy, bốn chủng vi khuẩn được phân lập nhiều nhất là acinetobacter spp, pseudomonas spp, e.coli, klebsiella đều là vi khuẩn đa kháng kháng sinh. Sự kháng thuốc cao đặc biệt ở nhóm cephalosporin thế hệ 3, 4, với tỷ lệ kháng 66 - 83%, tiếp theo là nhóm kháng sinh aminosid và fluoroquinolon tỷ lệ kháng khoảng 60%.
WHO khuyến cáo, không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa. Ðồng thời kêu gọi tất cả các quốc gia tăng cường năng lực giám sát và xét nghiệm vi sinh; bảo đảm tiếp cận liên tục với thuốc thiết yếu; điều tiết và thúc đẩy sử dụng thuốc an toàn, hợp lý. Tại Việt Nam, Bộ Y tế sẽ tăng cường củng cố hệ thống giám sát, theo dõi tình trạng kháng kháng sinh; củng cố hoạt động của hội đồng thuốc và điều trị tại các bệnh viện; kiểm tra, giám sát việc kê đơn, sử dụng thuốc tại các bệnh viện... Bên cạnh đó, tuyên truyền, khuyến cáo người bệnh không nên lạm dụng sử dụng thuốc, khi có bệnh cần đi khám chứ không tự ý uống thuốc, nhất là thuốc kháng sinh. Khi uống cần tuân thủ bốn quy tắc: đúng chỉ định, liều lượng, thời gian và cách dùng. Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ xây dựng chương trình giám sát quốc gia về kháng sinh, thiết lập hệ thống giám sát mức độ đề kháng của vi khuẩn tại mỗi bệnh viện, khu vực và trong phạm vi toàn quốc...
Kháng kháng sinh là khả năng một loại vi sinh vật vô hiệu hóa tác dụng của một loại thuốc kháng sinh được sử dụng để chống lại nó. Các vi sinh vật có khả năng kháng thuốc này bao gồm: vi-rút, vi khuẩn, một số loại ký sinh trùng. Trong những trường hợp có khả năng kháng thuốc, các liệu pháp điều trị chuẩn trở nên không còn hiệu quả và nhiễm khuẩn vẫn tồn tại phát triển và có thể lây lan sang người./.
(Theo: ND)