Thứ Ba, 1/10/2024
Cuộc sống số
Thứ Bảy, 7/11/2009 19:0'(GMT+7)

Bao giờ sim ảo, sim rác hết thời tung hoành?

Để hạn chế nạn thuê bao ảo, sim rác, cần sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước - doanh nghiệp và cả người dùng.

Để hạn chế nạn thuê bao ảo, sim rác, cần sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước - doanh nghiệp và cả người dùng.

Doanh nghiệp di động lại “đòi” cấp thêm đầu số

Ba mạng di động lớn nhất Việt Nam là Viettel, MobiFone và VinaPhone lại vừa có công văn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông xin cấp thêm đầu số mới. Đây là kết quả của sự phát triển thuê bao mạnh trong thời gian qua. Trung bình mỗi ngày một mạng di động phát triển mới tới trên 100 ngàn thuê bao.

Cứ với tốc độ này, không lâu nữa, các doanh nghiệp lại đứng trước nguy cơ cháy số nếu không được Bộ Thông tin và Truyền thông “cấp cứu”. Theo như dự kiến, VinaPhone sẽ xin nốt 4 triệu số còn lại trong dải 0129 (trước đó, để phát triển mạng 3G, Bộ đã cấp cho VinaPhone 4 triệu số trong dải này). MobiFone xin cấp đầu số 0120 và Viettel xin cấp đầu số 0164.

Nếu đề xuất xin đầu số VinaPhone, MobiFone và Viettel được đồng ý, 3 nhà khai thác này sẽ có trong tay tới 21 đầu số. Trong đó, Viettel nhiều nhất có 8 đầu số, MobiFone 7 đầu số và VinaPhone là 6 đầu số.

Nhưng có tới 50% là thuê bao ảo

Một thực tế đáng lo ngại đó là hiện nay, kho số di động thì liên tục cháy nhưng thuê bao di động ảo, sim rác vẫn phát triển tràn lan.

Theo số liệu công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến hết tháng 10/2009, Việt Nam hiện có 113,5 triệu thuê bao điện thoại di động và cố định, đạt mật độ 132,5 máy trên 100 dân, trong đó, di động chiếm 86,95% với gần 100 triệu thuê bao.

Gần 100 triệu thuê bao cho 7 mạng di động hiện đang cung cấp dịch vụ trên thị trường Việt Nam. Theo một chuyên gia viễn thông, nếu với cách tính lý thuyết, mỗi một đầu số di động được cấp cho doanh nghiệp hiện nay tương ứng với 10 triệu thuê bao, thông thường, hiệu suất sử dụng được cho là tối ưu nhất vào khoảng 70-80%, điều này có nghĩa mỗi đầu số doanh nghiệp có thể có khoảng 7-8 triệu thuê bao mới.

Và với con số khoảng 100 triệu thuê bao di động của Việt Nam hiện nay sẽ tương ứng với khoảng 10-12 mã mạng di động. Thế nhưng, thực tế đã không phải như vậy. Trừ các mạng di động vẫn mới chỉ có một đầu số được cung cấp là Sfone, EVN Telecom, Vietnamobile và Beeline, hiện ba mạng di động VinaPhone, MobiFone và Viettel đang có trong tay tối thiểu cũng phải 6 đầu số.

Trong khi đó, các mạng di động chỉ thừa nhận Việt Nam đang có khoảng 50 triệu thuê bao đang hoạt động. Như vậy có nghĩa đang tồn tại một lượng thuê bao ảo, sim rác khá lớn trên thị trường di động. Thực tế này gây nên sự lãng phí về tài nguyên kho số của nhà nước, tốn tiền duy trì thuê bao trên hệ thống của doanh nghiệp.

Quả thực, chỉ cần tính nhẩm cũng thấy, mỗi đầu số đang có một lượng thuê bao không nhỏ chưa sử dụng hết trong khi doanh nghiệp vẫn phải xin cấp đầu số mới. Biết là lãng phí tài nguyên kho số song Vụ Viễn thông Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn đang phải chấp nhận tình trạng thỉnh thoảng lại ra quyết định cấp thêm một đầu số mới cho doanh nghiệp như trên.

Bao giờ sim ảo, sim rác hết tung hoành?

Trên thực tế, suốt một thời gian qua, cơ quan quản lý nhà nước đã phải tìm khá nhiều phương án để có thể trị được “bệnh” thuê bao ảo, sim rác. Thế nhưng, xem ra, tới giờ, vẫn chưa có một phương thuốc thực sự hiệu quả.

Một trong số các biện pháp được đánh giá là khá mạnh tay đó là quy định mỗi cá nhân chỉ được sử dụng số chứng minh thư, hộ chiếu của mình để đăng ký tối đa 3 số thuê bao di động trả trước của mỗi mạng thông tin di động, trừ trường hợp là người đứng tên đại diện cho cơ quan tổ chức được Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra trong Thông tư số 22/2009/TT-BTTTT hướng dẫn về quản lý thuê bao di động trả trước.

Thông tư 22 nghiêm cấm các hành vi sử dụng chứng minh thư hoặc hộ chiếu của người khác để đăng ký thông tin thuê bao hoặc sử dụng chứng minh thư hoặc hộ chiếu của mình để đăng ký thông tin thuê bao cho người khác (trừ trường hợp cá nhân là người đứng tên đại diện cho cơ quan tổ chức). Đồng thời, Thông tư cũng xiết chặt việc quản lý SIM của doanh nghiệp bằng cách nghiêm cấm lưu thông trên thị trường những SIM đã được kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước.

Nhưng với những quy định được cho là rất quyết liệt của Thông tư này, các mạng di động lại kêu là khó thực hiện, khó có thể hoàn tất theo thời điểm mà Bộ Thông tin và Truyền thông đặt ra, nhất là đối với việc đăng ký, rà soát lại những thuê bao đã đăng ký nhưng lại quá 3SIM/mạng di động.

Sáng qua, 6/11, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đã có buổi họp với các doanh nghiệp di động về việc xử lý những khúc mắc trong thông tư 22 nhưng quan điểm cuối cùng vẫn được đưa ra đó là cứ theo quy định mà làm.

Mới đây, tại phiên thảo luận tổ về Dự án Luật Thuế Tài nguyên, ông Nguyễn Việt Dũng, Đại biểu Quốc hội TP.HCM đã đề nghị đã đến lúc đưa tần số, kho số vào diện tài nguyên quốc gia để bán đấu giá, hoặc đánh thuế cao để đóng góp cho ngân sách quốc gia. Và đây cũng là một cách để cơ quan nhà nước chống thuê bao ảo khi cho tiến hành đấu giá tần số, kho số thay vì cấp phát như trước đây.

Ông Dũng cho rằng, thị trường viễn thông đang phát triển với tốc độ nóng. Thuê bao di động phát triển ồ ạt, nhưng trong số này có tới một nửa bị xếp vào diện ảo, không phát sinh cước và do không tốn nhiều chi phí nên các doanh nghiệp thi nhau xin cấp đầu số để phát triển thuê bao...

Thế nhưng, theo lời của một lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, không thể áp dụng cách này để hạn chế thuê bao ảo, sim rác bởi nếu chọn cách quản lý kho số hiệu quả, giảm thuê bao ảo bằng đấu giá tần số, kho số sẽ chỉ có tác động một phần chứ không phải là tất cả. Lệ phí kho số dù có tăng cao ở mức nào cũng không thể cao bằng doanh thu mà doanh nghiệp đạt được trên một thuê bao. “Các nước khác trên thế giới cũng vậy, họ không bao giờ tăng lệ phí kho số để doanh nghiệp không có cơ hội xin số nữa. Ngoài ra, nếu doanh nghiệp phải trả lệ phí cho kho số quá cao thì người tiêu dùng lại phải chịu chứ không chỉ doanh nghiệp” - vị lãnh đạo này nói.

Như vậy, qua thực tế áp dụng, có thể nói, với mỗi phương án và chế tài được đưa ra nhằm hạn chế nạn thuê bao ảo, sim rác nêu trên, nếu chỉ thực hiện riêng rẽ chắc khó có thể đạt được kết quả tốt nhất. Ngoài việc đồng thời vận dụng nhiều phương thức thực hiện, chế tài cần thiết để hạn chế nạn thuê bao ảo tại Việt Nam còn cần có sự phối hợp thực hiện hài hoà giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp và cần cả sự hợp tác của người dùng. Đây vẫn luôn là yếu tố được coi là tiên quyết và rất quan trọng.

Hiền Mai - VnMedia

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất