Chủ Nhật, 24/11/2024
Đời sống
Thứ Sáu, 6/11/2015 8:47'(GMT+7)

Bảo hiểm hưu trí tự nguyện: Nên qui định rõ thời gian, mức đóng- hưởng

Ông Trần Hải Nam, Vụ phó Vụ BHXH (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội).

Ông Trần Hải Nam, Vụ phó Vụ BHXH (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội).

Sáng 5/11, tại Hà Nội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức hội thảo lấy ý kiến Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm Xã hội về bảo hiểm hưu trí bổ sung. Theo đó, nghị định này gồm 5 chương, 27 điều đang được đưa ra lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ xem xét và phê duyệt cuối tháng 11 này. Theo dự thảo nghị định, đối tượng tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung là những người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) đang tham gia BHXH bắt buộc.

Theo ông Trần Hải Nam, Vụ phó Vụ BHXH (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), hiện nay, người lao động khi về hưu có mức lương hưu thấp, không đủ với mức sống. Vì vậy, để nâng cao điều kiện sống, ngoài mức lương hưu được nhận hàng tháng đã đóng theo BHXH bắt buộc, người lao động cũng có thể có thêm một khoản thu nhập bằng cách tham gia đóng bảo hiểm hưu trí bổ sung.

Tại hội thảo, trình bày nội dung nêu trong tờ trình dự thảo Nghị định, ông Trần Hải Nam nêu rõ: Tính đến hết tháng 6/2015, trên cả nước có khoảng 2,15 triệu người hưởng lương hưu hàng tháng với mức lương hưu bình quân là 3,9 triệu đồng/người/tháng. Trong đó có khoảng trên 790.000 người nghỉ hưu trước năm 1995 hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và gần 1,36 triệu người nghỉ hưu từ năm 1995 trở đi hưởng lương hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội.

Luật BHXH hiện hành quy định tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động tối đa bằng 20 lần mức lương cơ sở. Như vậy, trường hợp người lao động có lương cao hơn sẽ giới hạn trần đóng BHXH là chưa thuận lợi nếu người lao động có nhu cầu cần được hưởng lương hưu cao hơn khi về già, tương ứng với mức lương khi họ còn đi làm.

“Cùng với nhu cầu của người lao động được thụ hưởng hưu cao hơn, một số doanh nghiệp áp dụng chính sách thu hút nhân tài cũng mong muốn có một chế độ đãi ngộ người lao động về khoản lương hưu bổ sung trong tương lai để khuyến khích họ làm việc lâu dài cho doanh nghiệp. Trên thực tế, một số công ty như: Unilever Việt Nam, Dutch Lady Việt Nam, Nestle Việt Nam… đã áp dụng hình thức đãi ngộ này thông qua việc trích lập quỹ hưu trí bổ sung từ lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp để chi trả lương hưu bổ sung cho người lao động khi họ hết tuổi lao động. Các doanh nghiệp mong muốn có một chính sách của Nhà nước và nhận được sự ưu đãi về thuế nhằm bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho người lao động, với mục tiêu bảo đảm an sinh sinh xã hội”, ông Nam nói.

Ông Nam cũng dẫn chứng, trên thế giới hiện nay, có rất nhiều nước đặc biệt là các nước phát triển xây dựng chế độ hưu trí đa tầng với các tầng chính: hưu trí cơ bản (thực hiện bắt buộc, có sự tham gia của người lao động, tương tự như chính sách BHXH bắt buộc ở nước ta), hưu trí bổ sung (bổ sung cho hưu trí cơ bản, có sự tham gia của người lao động) và hưu trí tự nguyện (thực hiện hoàn toàn tự nguyện xuất phát từ nhu cầu và khả năng của người lao động và chủ yếu mang tính tiết kiệm, không có sự chia sẻ rủi ro).

Các đại biểu tham dự hội thảo đều cho rằng nghị định này có nhiều chỗ chưa hợp lý và chưa có tính khả thi cao. Theo chuyên gia về BHXH, ông Phạm Đỗ Nhật Tân, nguyên Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐTB&XH): Trong chương I “Quy định chung, bao gồm: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng”, chúng ta cần giải thích từ ngữ, các nguyên tắc cũng như chính sách của Nhà nước đối với bảo hiểm hưu trí bổ sung nên có hướng dẫn cụ thể với người lao động được hưởng lương hàng tháng cụ thể là bao nhiêu.

Ở chương II “Quyền và trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động khi tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung”, đây là nghị định mới, có nhiều ý kiến khác nhau cho nên theo ông Tân, nên có thuật ngữ thật cụ thể để người lao động dễ hiểu hơn. Đặc biệt, ở điều 6, chương 2, các đại biểu cũng góp ý kiến là được quyền bảo mật thông tin của người lao động.

Ông Nguyễn Hùng Cường, nguyên Phó Trưởng ban thực hiện chính sách BHXH (BHXH VN) cũng đồng quan điểm với ông Tân. Ông Cường cũng đề nghị Vụ BHXH (Bộ LĐTB&XH) cần xem xét lại thời gian được hưởng tính toán theo kỳ vòng sống bình quân của người lao động khoảng 20 năm, để bảo đảm mức lương hưu bổ sung thấp nhất bằng ½ mức lương cơ sở, giá trị tối thiểu tài khoản tiết kiệm cá nhân cần đủ để chi trả lương hưu bổ sung trong 20 năm là 120 lần mức lương cơ sở. Ông Cường đưa ra ví dụ, nếu đóng mức 120 triệu đồng thì mới được hưởng một mức nào đó không khả thi lắm và thời gian đóng như thế là hơn lâu.

Ông Cường nói: “Theo tôi chúng ta nên xem xét và tính toán lại vấn đề này cho nó phù hợp với thực tế. Chẳng hạn chúng ta nên giảm số thời gian đóng và khi đóng được mức quy định, người lao động được hưởng lương bao nhiêu tiền một tháng?”./.

Theo VOV



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất