Đại lễ cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông sẽ được Ủy ban An
toàn giao thông Quốc gia phối hợp với Trung ương Giáo hội Phật giáo
Việt Nam, Giáo hội Phật giáo tỉnh Nam Định tổ chức vào ngày 8/11 tới đây
với sự tham dự dự kiến của khoảng 5.000-6.000 người tại Thiền viện
Trúc Lâm Thiên Trường (Nam Định).
Đây là thông tin được đưa ra trong buổi họp báo chiều này (3/11) về hoạt
động hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai
nạn giao thông tại Việt Nam năm 2015" vào ngày Chủ nhật 15/11.
Với thông điệp “Tưởng nhớ người đi-Vì người ở lại”, Ủy ban An toàn giao
thông Quốc gia sẽ tập trung tuyên truyền, mục đích ý nghĩa của sự kiện
tưởng niệm; thăm hỏi, động viên các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông
từ 2-6/11 tại bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) và các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú
Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa, Bạc Liêu, Cà Mau.
Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao
thông Quốc gia, trên thế giới, mỗi năm có 1,3 triệu người chết vì tai
nạn giao thông. Dự báo vào năm 2020, có khoảng 2 triệu người chết và
hàng trăm triệu người bị thương vì tai nạn giao thông.
Ở Việt Nam, mỗi ngày, tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng hơn 20 người
và làm cho gần 70 người lâm vào cảnh tàn phế suốt đời. Tai nạn giao
thông mang nỗi đau về tinh thần và thiệt hại to lớn cho không chỉ gia
đình nạn nhân mà còn cả xã hội,” ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh.
“Năm 2015 là năm thứ tư Việt Nam cùng thế giới thực hiện Nghị quyết tổ
chức hoạt động Ngày thế giới tưởng niệm nạn nhân tai nạn giao thông kêu
gọi mọi người hành động tưởng nhớ nạn nhân cùng chia sẻ nỗi đau và sự
mất mát người thân của họ đồng thời là cơ hội để mỗi người nhắc nhở bản
thân, người thân về sự trân trọng cuộc sống và có những hành động cụ thể
góp phần tạo ra một môi trường giao thông an toàn cho mình và cộng
đồng,” ông Khuất Việt Hùng chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Khuất Việt Hùng cũng đưa ra con số cảnh báo, hàng năm,
tai nạn giao thông gây thiệt hại cho Việt Nam khoảng 250-300 tỷ đồng.
Đến khi nào vẫn còn có một người chết, còn một nỗi đau do tai nạn thì
Nhà nước, các tổ chức xã hội, các đoàn thể cho đến từng cá nhân đều phải
chung tay hành động một cách quyết liệt.
Phát biểu tại buổi họp báo, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng thư ký Hội
đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhấn mạnh rằng Đại lễ cầu siêu
để cầu nguyện vong linh cho nạn nhân bị tai nạn giao thông đồng thời đem
lại sự an lòng đối với gia đình các nạn nhân và truyền tải thông điệp
cảnh báo đến tất cả mọi người, xã hội về sự thực đau thương khi bất cẩn
tham gia giao thông, mong muốn tất cả mọi người nhìn vào đó chấp hành
tốt Luật giao thông để mỗi người tự ý thức bản thân, có trách nhiệm với
cộng đồng./.
Theo TTXVN