Thứ Sáu, 22/11/2024
Bảo hiểm xã hội
Thứ Sáu, 10/6/2022 17:4'(GMT+7)

Bảo hiểm xã hội đối với công tác đảm bảo, ổn định đời sống người lao động

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Ngày nay, trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, BHXH, BHYT, BHTN càng trở nên quan trọng, góp phần đảm bảo công bằng xã hội và phát triển xã hội một cách bền vững.

Vai trò của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc bảo vệ quyền lợi về BHXH, BHYT, BHTN của người lao động

Một là, trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật.

Để người lao động có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích về BHXH, BHYT, BHTN cũng như thực hiện đúng các nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật, các cấp công đoàn thường xuyên cập nhật các tài liệu tuyên truyền về BHXH, BHYT, BHTN để cung cấp cho công đoàn cơ sở và người lao động. Đặc biệt, chỉ đạo các công đoàn cơ sở quan tâm tập hợp, phản ánh các ý kiến của người lao động về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm; kịp thời kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn cho phù hợp với thực tế.

Tổng Liên đoàn thường xuyên chỉ đạo các cấp công đoàn chủ động, quan tâm tổ chức thực hiện tốt các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động nói chung, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN nói riêng cho đoàn viên, người lao động. Đặc biệt, những năm gần đây khi các văn bản quy phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN được ban hành khá chi tiết, kịp thời, đồng bộ… thì nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về lao động, BHXH, BHYT, BHTN cho đoàn viên công đoàn, người lao động, người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp nói riêng càng được đẩy mạnh, quan tâm, đạt kết quả tốt.

Tổng Liên đoàn đã chỉ đạo các đơn vị truyền thông của tổ chức Công đoàn Việt Nam như: Báo Lao động, Báo Người lao động, Báo Lao động Thủ đô, Tạp chí Lao động và Công đoàn, các Trang tin điện tử... mở các chuyên trang, chuyên mục và đăng tải các tin, ảnh, bài viết, phóng sự tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT, BHTN.

Từ năm 2012 đến nay, các cấp công đoàn đã biên soạn, in ấn và phát hành hàng trăm nghìn tờ gấp, cẩm nang dành cho cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động; giúp cán bộ công đoàn thuận lợi trong việc nắm bắt các quy định của pháp luật để tuyên truyền, phổ biến, vận động đoàn viên, người lao động tích cực tham gia BHXH, BHYT, BHTN.

Tổ chức các hội nghị tập huấn, hội thảo chuyên đề, các cuộc tọa đàm, hội nghị đối thoại chính sách, pháp luật với người lao động, các cuộc tuyên truyền pháp luật lưu động, tổ chức các trò chơi, tiểu phẩm cho công nhân khu nhà trọ... góp phần trang bị kiến thức, quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN cho cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động… Đồng thời, nắm bắt các ý kiến phản hồi của đoàn viên, người lao động, người sử dụng lao động và cán bộ công đoàn cơ sở để kiến nghị, đề xuất xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN phù hợp với tình hình thực tiễn.

Các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, công đoàn cơ sở đã tổ chức được trên 30.000 cuộc tuyên truyền, tập huấn, hội nghị, cuộc đối thoại chính sách nói chung và chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN nói riêng; đăng tải các tin, bài, phóng sự về công tác BHXH, BHYT, BHTN trên Bản tin nội bộ, các Trang tin điện tử của tổ chức công đoàn... góp phần thực hiện tốt các chính sách, quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN...

Hai là, tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT nhằm phát huy hơn nữa vai trò của chính sách trong việc chăm lo, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ ngày càng tốt hơn.

Để thực hiện sứ mệnh “đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội” được ghi nhận tại Điều 10 Hiến pháp năm 2013, Luật Công đoàn năm 2012; nhiệm vụ tham gia xây dựng chính sách, pháp luật được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Đây cũng là giải pháp thiết thực để xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, giữ vai trò là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam, giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội như tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước (sửa đổi, bổ sung năm 2011) đã xác định.

Với chức năng tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã chủ động nghiên cứu và tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm… để tham vấn ý kiến, tập hợp trí tuệ của các nhà khoa học, các chuyên gia, cán bộ công đoàn và người lao động trong tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.

Ba là, tham gia xây dựng chính sách, pháp luật theo đề nghị của các cơ quan liên quan.

Từ năm 2012 đến nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cấp Công đoàn đã tham gia với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành chức năng kịp thời ban hành hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật để xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Trong các văn bản quy phạm pháp luật Công đoàn tham gia, có nhiều văn bản đặc biệt quan trọng liên quan trực tiếp đến công nhân lao động và tổ chức Công đoàn như: Luật Công đoàn (2012), Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013), Luật BHXH (2014), Luật BHYT sửa đổi, bổ sung (2014), Luật An toàn, vệ sinh lao động (2015), Bộ luật dân sự (2015), Bộ luật hình sự (2015), Bộ luật tố tụng dân sự (2015), Bộ luật lao động (2012, 2019)… và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Tổng Liên đoàn và các cấp Công đoàn đã tích cực, chủ động trong tham gia góp ý để hoàn thiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp”, Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội”.

Bốn là, công đoàn chủ động phát hiện các vấn đề bất cập, chủ động kiến nghị đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật.

Trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, Tổng Liên đoàn và các cấp công đoàn đã phát hiện những vướng mắc, bất cập, từ đó chủ động kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi, bổ sung chính sách, góp phần đảm bảo quyền lợi cho đoàn viên công đoàn, người lao động; có thể nêu ra các đề xuất nổi bật, như:

- Kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với người lao động.

- Kiến nghị Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền có giải pháp để khắc phục những tồn tại, bất cập trong cách tính lương hưu của người lao động, đặc biệt là lao động nữ về hưu từ ngày 01/01/2018; xem xét, sửa đổi theo hướng có lộ trình điều chỉnh cách tính lương hưu, đảm bảo cân bằng quyền lợi của lao động nam và lao động nữ trong thụ hưởng chính sách BHXH. Trên cơ sở đề xuất của các cấp công đoàn, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 153/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 “quy định chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021 có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng”.

- Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm và các luật chuyên ngành có liên quan như Luật An toàn, vệ sinh lao động, trong đó có quy định về chức danh nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Luật Việc làm để có cơ sở đề xuất sửa đổi các quy định về BHTN cho phù hợp; các quy định về cơ chế, chính sách xử lý nợ BHXH, BHYT, BHTN để giải quyết quyền lợi của người lao động; hướng dẫn việc thực hiện quy định về lao động người nước ngoài tham gia BHXH bắt buộc... để doanh nghiệp và người lao động yên tâm, tích cực tham gia BHXH, BHYT, BHTN.

- Trong dịch bệnh Covid-19, Tổng Liên đoàn đã chủ động đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, các bộ/ngành kịp thời ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ, chia sẻ với những khó khăn của người lao động, như: chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ BHTN theo Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ; chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ…

Năm là, lấy ý kiến của đoàn viên, người lao động để góp ý tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật.

Để ý kiến tham gia xây dựng, đề xuất chính sách, pháp luật sát với thực tiễn đời sống của người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cấp công đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động để trực tiếp lấy ý kiến của người lao động, đoàn viên công đoàn như khảo sát bằng phiếu hỏi, tổ chức các hội nghị tư vấn, đối thoại để trao đổi các dự kiến của chính sách, đồng thời lắng nghe ý kiến phản hồi, mong muốn, kỳ vọng của người lao động. 

Đồng thời, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm… để phát huy năng lực, trí tuệ của đội ngũ cán bộ, đoàn viên công đoàn; đặc biệt là đội ngũ cán bộ công đoàn làm công tác chính sách, pháp luật; tham vấn ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước, các nhà khoa học trong tham gia xây dựng chính sách, pháp luật... 

Các kênh truyền thông, các trang mạng xã hội cũng được triệt để khai thác trong quá trình lấy ý kiến. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã hình thành các nhóm zalo, nhóm facebook để tiếp nhận các ý kiến, phản ánh của người lao động, đoàn viên, cán bộ công đoàn về những vấn đề bất cập; lắng nghe những chia sẻ, những kiến nghị, đề xuất về xây dựng chính sách.

Bản lĩnh của cán bộ công đoàn trong tham gia xây dựng chính sách, pháp luật ngày càng được thể hiện rõ. Tại các diễn đàn, Đồng chí Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các đại biểu Quốc hội là cán bộ công đoàn, đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp đã nêu bật, làm rõ được những đề xuất, kiến nghị, đóng góp ý kiến tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với cơ quan chủ trì soạn thảo. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam luôn thể hiện rõ vai trò của tổ chức mình trong các diễn đàn, cơ chế hai bên, ba bên trong quan hệ lao động; trách nhiệm đại diện trong nghiên cứu, đề xuất, tham gia có hiệu quả trong Hội đồng tiền lương quốc gia, góp phần đề xuất điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng hàng năm, cải thiện đời sống đoàn viên, người lao động, thu hẹp khoảng cách giữa tiền lương tối thiểu và mức sống tối thiểu.

Có thể thấy rằng, trong quá trình tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN; tổ chức Công đoàn Việt Nam đã quan tâm nâng cao nhận thức trong toàn hệ thống, nhất là đội ngũ cán bộ xây dựng chính sách, pháp luật. Chú trọng đi sâu nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động. Từ năm 2012 đến nay, Công đoàn Việt Nam đã luôn quan tâm và có nhiều biện pháp tích cực thu hút sự quan tâm của đoàn viên và tổ chức công đoàn các cấp tham gia tích cực vào hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động. Nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và nhiều văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về xây dựng giai cấp công nhân, về tổ chức Công đoàn, về quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động trên mọi khía cạnh của đời sống xã hội được ban hành với ý kiến tham gia sâu sát của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Thông qua hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật cũng như theo dõi, giám sát quá trình tổ chức thi hành pháp luật, tổ chức Công đoàn đã ngày càng khẳng định mạnh mẽ vai trò quan trọng, độc lập, bình đẳng của mình trong mối tương quan với các chủ thể khác để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, góp phần quan trọng tạo ra môi trường thuận lợi, ổn định cho sản xuất, kinh doanh.

Các ý kiến tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của tổ chức Công đoàn đã cơ bản thể hiện được trí tuệ tập thể, ý chí của tổ chức Công đoàn Việt Nam và nguyện vọng của đoàn viên, người lao động. Chất lượng ý kiến tham gia góp ý, xây dựng pháp luật từng bước được nâng cao; có tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Hầu hết các ý kiến đã được cơ quan soạn thảo tiếp thu, đánh giá cao; thể hiện ngày càng rõ nét chức năng tham gia quản lý, chức năng đại diện, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và đoàn viên công đoàn.

Sáu là, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.

Tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN luôn được quan tâm, triển khai thực hiện thống nhất từ Tổng Liên đoàn đến công đoàn cơ sở. 

Trước tình hình các doanh nghiệp nợ đọng BHXH ngày càng tăng cao, năm 2014, Tổng Liên đoàn đã chủ trì ký kết Chương trình phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và BHXH Việt Nam về giám sát việc thực hiện pháp luật BHXH trong các loại hình doanh nghiệp. Từ đó đến nay, bình quân mỗi năm, Đoàn giám sát liên ngành cấp Trung ương do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì đã thực hiện giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN tại 15 - 20 doanh nghiệp thuộc 4 – 6 tỉnh, thành phố.

Thông qua hoạt động giám sát đã giúp các cơ quan chức năng nắm bắt, đánh giá rõ tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN của các doanh nghiệp; phát hiện những vấn đề bất cập, chưa hợp lý trong thực hiện chính sách.

Tình trạng các doanh nghiệp chưa tuân thủ đầy đủ và đúng quy định của pháp luật về BHXH còn diễn ra khá phổ biến; trong đó nổi bật là tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH. Đơn cử, năm 2017 tại 5 địa phương được Đoàn giám sát liên ngành thực hiện giám sát có tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN lên tới trên 332 tỷ đồng. Có 7/14 doanh nghiệp được giám sát thường xuyên chậm đóng, nợ đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN (trong khoảng 1 – 3 tháng) với tổng số tiền chậm đóng và nợ đóng BHXH trên 28 tỷ đồng. Tại 14 doanh nghiệp được giám sát, có trên 1.200 người lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN bắt buộc nhưng chưa được doanh nghiệp thực hiện các thủ tục để tham gia theo quy định của pháp luật... Kết thúc giám sát, Đoàn giám sát liên ngành đã đưa ra trên 130 kết luận, kiến nghị đối với các doanh nghiệp và các cơ quan chức năng của 5 tỉnh, thành phố nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Tại thời điểm giám sát, gần 11 tỷ đồng tiền nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN đã được các doanh nghiệp khắc phục.

Bên cạnh đó, hàng năm Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đều tham gia với Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thanh tra việc tuân thủ pháp luật về lao động tại các địa phương, trong đó có các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.

Ở địa phương, hoạt động phối hợp giữa Công đoàn với các cơ quan hữu quan trong thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật nói chung, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN nói riêng được đặc biệt quan tâm, trở thành một trong những hoạt động được duy trì đều đặn. Hàng năm, các LĐLĐ tỉnh, thành phố đều xây dựng kế hoạch phối hợp liên tịch với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, BHXH trong việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về lao động, BHXH, BHYT, BHTN tại các doanh nghiệp. Chú trọng công tác thu nộp BHXH, BHYT, BHTN của người sử dụng lao động và việc chi trả các chế độ bảo hiểm cho người lao động.

GIẢM THIỂU TÌNH TRẠNG NGƯỜI LAO ĐỘNG HƯỞNG BHXH MỘT LẦN

Tình trạng số người hưởng BHXH một lần nhiều và có xu hướng gia tăng trong thời gian qua là vấn đề đáng lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động cũng như nỗ lực và quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong việc bảo đảm an sinh xã hội, hướng tới “mục tiêu BHXH toàn dân” như Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách BHXH đã xác định. 

Trước tình hình trên, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã chỉ đạo các cấp công đoàn kịp thời triển khai, thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách:

Thứ nhất, phối hợp với BHXH đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN nói chung, BHXH một lần nói riêng, nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức pháp luật cho đoàn viên công đoàn và người lao động.

Thứ hai, đi sâu tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, xác định nhóm đoàn viên, người lao động có nguy cơ hưởng BHXH một lần để tuyên truyền, vận động, giải thích về những hệ lụy của việc hưởng BHXH một lần: tự tước đi quyền lợi liên quan đến khám, chữa bệnh theo BHYT, mất cơ hội hưởng lương hưu khi về già, không được hưởng chế độ tử tuất, ảnh hưởng đến cuộc sống của bản thân, gia đình hiện tại và tương lai cũng như chính sách an sinh xã hội chung.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Tăng cường xã hội hóa các nguồn lực, tìm kiếm các đối tác tín dụng nhằm hỗ trợ tốt nhất cho người lao động, nhất là người lao động có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt, tiếp tục đồng hành với người sử dụng lao động trong sản xuất, kinh doanh.

Thứ tư, nâng cao hiệu quả các hoạt động đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên công đoàn và người lao động của tổ chức công đoàn. Chú trọng các hoạt động bảo vệ và duy trì việc làm bền vững cho người lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Thứ năm, tăng cường công tác tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN; kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các hành vi trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi tiền BHXH, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên công đoàn và người lao động để người lao động an tâm, tiếp tục tham gia, gắn bó lâu dài với hệ thống BHXH.

Ngày 20/9/2016, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và BHXH Việt Nam ký Quy chế phối hợp số 3601/QCPH-TLĐ-BHXH về trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu trong việc khởi kiện ra tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Những năm qua, công tác phối hợp giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và BHXH Việt Nam diễn ra thường xuyên, chặt chẽ, hiệu quả. Tại các hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT do BHXH Việt Nam tổ chức, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đều cử đại diện là lãnh đạo cấp Ban tham gia và trao đổi, chia sẻ các thông tin, vấn đề có liên quan đến việc triển khai, thực hiện các quy định, chế độ chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT.

Trong thời gian tới hai cơ quan sẽ tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh các hoạt động phối hợp liên ngành; rà soát các chương trình, quy chế phối hợp hiện có để thống nhất ký mới Quy chế với các nội dung phù hợp hơn trong bối cảnh hiện nay; góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của từng cơ quan, đảm bảo tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động./.

Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất