Tham gia BHYT, người bệnh chỉ phải chi trả từ 5 đến 20% viện phí, nhưng vẫn có không ít người còn “ thờ ơ” với chính quyền lợi của mình.
Việc mức viện phí theo Dự thảo khung giá mới của Bộ Y tế có thể tăng từ 7 đến 10 lần chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến những đối tượng chưa tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Trong khi, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ chi phí mua bảo hiểm đối với các đối tượng thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Tham gia BHYT, người bệnh chỉ phải chi trả từ 5 đến 20% viện phí, nhưng vẫn có không ít người còn “ thờ ơ” với chính quyền lợi của mình và nhiều người chưa tiếp cận với thông tin về bảo hiểm y tế. Đây chính là khó khăn lớn trong thực hiện lộ trình đến năm 2014, nước ta tiến tới bảo hiểm toàn dân.
Chị Nguyễn Thị Hương ở xã Chu Phan, huyện Mê Linh, Hà Nội có bố đang điều trị ở Khoa Nội 1, Bệnh viện K Trung ương cho biết: Bố chị không có BHYT nên mới nhập viện được 3 ngày nhưng các chi phí khám đã lên tới 10 triệu đồng. Với gia đình ở nông thôn, thu nhập chính trông chờ vào mấy sào ruộng, thì số tiền này là quá lớn. Hiện tại, trong gia đình, chỉ có chị tham gia BHYT: “Gia đình tôi ở nông thôn nên rất khó khăn về tài chính. Sắp tới tôi sẽ mua bảo hiểm cho cả gia đình để được hưởng bảo hiểm cho bớt phần trăm chi phí khi đến viện. Tôi thấy là nếu làm thẻ bảo hiểm, khi đến viện mình sẽ được giảm chi phí đi rất nhiều”, chị Hương cho biết.
Trường hợp như gia đình chị Hương không phải là ít. Thực tế đã có rất nhiều người khi vào viện phải chi phí một khoản tiền lớn mới thấy cần thiết tham gia BHYT. Hiện nay, với sự hỗ trợ của BHYT, bệnh nhân chỉ phải chi trả nhiều nhất là 20% viện phí, thấp nhất là 5% và nhiều trường hợp được miễn 100%. Nhà nước cũng dành một khoản ngân sách hỗ trợ tiền mua thẻ bảo hiểm đối với đối tượng nghèo và cận nghèo. Tuy nhiên, trong năm 2010, tỷ lệ người cận nghèo tham gia BHYT vẫn chưa nhiều.
Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết: Hiện mới chỉ có khoảng hơn 1 triệu người cận nghèo (gần 10%) tham gia BHYT. Tại nhiều địa phương, tỷ lệ này chỉ đạt 1,2 - 1,5%... Do đó, việc tăng viện phí sẽ tạo thêm gánh nặng đối với hơn 40% dân số chưa tham gia bảo hiểm y tế và những bệnh nhân phải chữa trị bằng các dịch vụ y tế kĩ thuật cao: “Đối tượng người nghèo đang phải cùng chi trả 5% và đây chính là khó khăn cho người nghèo và Bảo hiểm cùng Bộ Y tế đang kiến nghị với Chính phủ xây dựng một nguồn kinh phí hỗ trợ nhóm này để khắc phục khó khăn mà họ gặp phải khi đồng chi trả với những bệnh nặng, bệnh mãn tính, những trường hợp phải sử dụng kĩ thuật y tế cao”.
Thực tế, việc người bệnh lên khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến Trung ương, chi phí cho các dịch vụ sinh hoạt, ăn uống rất đắt đỏ cũng là khó khăn lớn, kể cả những người có thẻ bảo hiểm. Trong khi, ở nhiều địa phương, y tế tuyến dưới có đầy đủ trang thiết bị, đội ngũ y bác sĩ để đáp ứng nhu cầu của người bệnh nhưng nhiều người vẫn muốn “vượt tuyến”. Điều này dẫn đến tình trạng quá tải ở các bệnh viện Trung ương.
Không những thế, ngay cả những người có thẻ bảo hiểm cũng không sử dụng đến thẻ. Đại diện Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết: Trung bình số bệnh nhân đến khám bằng thẻ bảo hiểm ở bệnh viện này chỉ chiếm hơn 12% trong khi chất lượng các dịch vụ cũng như đội ngũ y, bác sĩ tại phòng khám thẻ bảo hiểm y tế và phòng khám tự nguyện là như nhau. Song, ở một số bệnh viện, khi tham gia khám chữa bằng bảo hiểm, người bệnh không được phục vụ tốt, không được cấp thuốc tốt, mất nhiều thời gian chờ đợi xếp hàng… Chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng đã tạo ra tâm lý “ngại” khám thẻ bảo hiểm của nhiều người. Bên cạnh đó, ở nhiều nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa, chưa có đội ngũ tuyên truyền viên giúp người dân hiểu được lợi ích khi tham gia BHYT.
Thạc sĩ, Bác sĩ Chu Thị Dự, Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn- Hà Nội cho rằng: Đã đến lúc cần thay đổi nhận thức của người dân về bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh bằng BHYT: “Nhà nước hiện tại đang có chính sách khuyến khích người dân mua thẻ bảo hiểm nhất là thẻ bảo hiểm tự nguyện, có chính sách hỗ trợ những người nghèo và cận nghèo, nếu đúng chính sách thì người nghèo chính là người được thụ hưởng. Nếu như mình có tuyên truyền rộng rãi để người bệnh hiểu được tính ưu việt của bảo hiểm, người dân tham gia sau này tiến tới bảo hiểm toàn dân, họ hiểu được chính sách và mua bảo hiểm thì tôi nghĩ là việc chi trả viện phí này không phải là quá khó khăn”.
Do chưa được tiếp cận thông tin về BHYT và nhận thức của nhiều người dân về lợi ích tham gia bảo hiểm chưa cao nên đã kìm hãm khả năng tăng trưởng của quỹ bảo hiểm y tế, giảm tính chia sẻ rủi ro về chi phí y tế giữa người bị ốm đau và người không bị ốm đau. Nếu không có biện pháp tuyên truyền mạnh, sẽ khó đạt được mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2014.
Như vậy, nhận thức của người dân khi tham gia BHYT cùng với việc tăng chất lượng khám chữa bệnh của các bệnh viện, trình độ và y đức của đội ngũ y bác sỹ chính là những yếu tố quan trọng để phát triển hệ thống y tế nước ta. Nếu thực hiện được điều đó, thì việc tăng viện phí một cách hợp lý sẽ không gây bức xúc trong dư luận, mà ngược lại, người dân sẽ có niềm tin và nhiệt tình hưởng ứng./.
(Huyền Châm/VOV)