(TG) - Luật bảo hiểm y tế (BHYT) quy định BHYT học sinh, sinh viên (HSSV) là hình thức bắt buộc, tuy nhiên vẫn còn 6% nhóm đối tượng HSSV chưa tham gia BHYT.
Hiện cả nước có khoảng 17 triệu HSSV tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 94,2%. Trong đó, có 12,4 triệu HSSV tham gia BHYT tại nhà trường; 4,6 triệu HSSV tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng như người nghèo, cận nghèo, thân nhân người có công và thân nhân công an, quân nhân, quân đội, cơ yếu… Như vậy, còn khoảng 6% nhóm đối tượng HSSV chưa tham gia BHYT, chiếm gần một triệu em.
|
Các trường học cần đẩy mạnh hơn tuyên truyền, phổ biến chính sách BHYT đến HSSV và phụ huynh. |
Từ năm 2019, có nhiều chính sách mới về BHYT dành cho các đối tượng này như việc tăng mức đóng BHYT theo mức lương cơ sở, đóng BHYT linh hoạt theo thời gian từ 3 tháng đến một năm, tạo điều kiện cho các em tham gia BHYT phù hợp với điều kiện kinh tế. Tất cả những chính sách này đều hướng tới đến mục tiêu bao phủ 100% HSSV tham gia BHYT.
Đánh giá về việc thực hiện Luật BHYT trong HSSV, ông Lê Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho hay: “Ngành GD-ĐT đã xác định công tác y tế trường học, BHYT HSSV rất quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe cho HSSV. Vì vậy, từ định hướng chỉ đạo đến các văn bản pháp lý liên quan, kế hoạch liên ngành đã được Bộ GD-ĐT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan ban hành đầy đủ, kịp thời, thể hiện sự nhất quán chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện BHYT HSSV”.
Điều rất đáng quan tâm đó là công tác truyền thông các nội dung trong Luật BHYT và các chính sách của BHYT được ngành giáo dục - đào tạo tập trung chỉ đạo từ trung ương đến địa phương, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ quản lý nhà giáo, nhân viên y tế và HSSV trong việc tham gia vào BHYT, đặc biệt là BHYT cho HSSV.
Học sinh, sinh viên là những đối tượng được Nhà nước hỗ trợ khi tham gia BHYT. Thực hiện BHYT đối với học sinh sinh viên là trách nhiệm bảo đảm sức khỏe đối với bản thân các em và sau đó là với cộng đồng, xã hội.
|
Nhìn chung, việc tổ chức tuyên truyền cho các bậc phụ huynh học sinh đã được các cơ sở giáo dục làm tốt thông qua các buổi họp phụ huynh, diễn đàn, tọa đàm để phổ biến chế độ, chính sách BHYT, mức đóng, mức được hỗ trợ đóng, trách nhiệm và phương thức đóng BHYT; quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan trong BHYT và lợi ích của việc tham gia BHYT.
Ngoài những quy định bắt buộc như trong quy chế công tác của Bộ GD-ĐT, Trường Đại học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) còn chú trọng tuyên truyền cho sinh viên ngay từ năm đầu nhập học; lồng ghép nội dung tuyền truyền qua mỗi dịp sinh hoạt lớp; đưa những nội dung về BHYT gắn với hình ảnh, video clip đến với sinh viên thông qua mạng xã hội; phát các flyer (tờ gấp) về chính sách, quyền lợi nghĩa vụ khi tham gia BHYT. Ngoài ra, trường còn tổ chức các diễn đàn, mời các chuyên gia đến để trao đổi với sinh viên, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về BHYT...
“Cần tăng cường nâng cao nhận thức về việc tham gia BHYT, các nhà trường cần đẩy mạnh khâu tuyên truyền để HSSV và phụ huynh học sinh nhận thức được rằng đóng BHYT là quyền lợi và nghĩa vụ”. (TS. Nguyễn Thanh Bình, Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội)
|
ĐỂ CHÍNH SÁCH BHYT BAO PHỦ 100% ĐỐI TƯỢNG HSSV
Để nâng cao tỷ lệ HSSV tham gia BHYT, cần có nhiều giải pháp khác nhau. ông Nguyễn Tất Thao, Phó Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam cho biết: “Ngành BHXH đã đề xuất nhiều giải pháp, cụ thể: đối với ngành GD-ĐT, từ trung ương đến địa phương, giao chỉ tiêu tỷ lệ BHYT HSSV cho từng cơ sở giáo dục. Các cơ sở giáo dục thu tiền đóng BHYT HSSV theo phương thức linh hoạt, 3 tháng, 6 tháng hoặc một năm một lần để nộp vào quỹ BHYT”.
BHXH Việt Nam đề nghị các Sở GD-ĐT phối hợp BHXH các tỉnh, thành phố tham mưu đề xuất với UBND các cấp về mức hỗ trợ BHYT đối với HSSV từ ngân sách của địa phương ngoài mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ tại Quyết định 1167/QĐ-TTg để giảm bớt “gánh nặng” kinh phí cho các gia đình, tạo điều kiện cho mọi HSSV đều có thể tham gia BHYT.
Đối với các trường học, cần đẩy mạnh hơn tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật đến HSSV, phụ huynh thông qua hoạt động của đoàn thanh niên, hội sinh viên, đội thiếu niên tiền phong... Cung cấp các danh sách HSSV (chưa tham gia và có tham gia BHYT) để cơ quan BHXH thực hiện vận động, tuyên truyền.
Bộ GD-ĐT nên đưa kết quả thực hiện BHYT HSSV vào tiêu chí đánh giá, xếp loại thi đua của các cơ sở GD-ĐT; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra và tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHYT, sử dụng nguồn kinh phí trích lại từ quỹ BHYT dành cho công tác y tế học đường theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn các biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT và Thông tư số 10/2016/TT-BGDĐT ban hành Quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy, trong đó có quy định về trách nhiệm đóng học phí, BHYT của HSSV.
Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đào tạo và nhà trường trong việc phối hợp thực hiện pháp luật y tế về quyền lợi khám, chữa bệnh và tham gia chăm sóc sức khỏe học đường; xây dựng kế hoạch phát triển giữa y tế nhà trường với y tế cơ sở; việc thực hiện chi trả phần BHYT để lại cơ sở vào mua sắm trang thiết bị phục vụ y tế cơ sở; rồi vận động các nguồn lực xã hội, các nhà tài trợ thể hiện tinh thần tương thân tương ái của người Việt Nam để bảo đảm việc tham gia BHYT của các HSSV tham gia được đầy đủ.
Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần quan tâm, tăng cường việc chỉ đạo công tác BHYT trên địa bàn. Cung cấp hình thức xem xét không khen thưởng đối với nhà trường chưa hoàn thành chỉ tiêu về tỷ lệ tham gia BHYT. Chính quyền địa phương cần có phương án hỗ trợ mức đóng của HSSV từ ngân sách địa phương. Hiện nay, có tỉnh đã hỗ trợ 20% mức đóng BHYT của HSSV.
Cũng cần đề xuất nâng mức cho vay đối với sinh viên, đặc biệt là đối tượng có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, tạo điều kiện để các em có nguồn kinh phí trang trải học tập cũng như được chăm lo sức khỏe thông qua việc tham gia BHYT./.
Phạm Tuấn Đạt