Sáng 4/3, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội và Tổ chức Y tế thế
giới phối hợp tổ chức Tọa đàm trao đổi kinh nghiệm quốc tế về bảo hiểm y
tế toàn dân.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai khẳng
định Việt Nam luôn xem bảo hiểm y tế là một trong những trụ cột quan
trọng trong chính sách an sinh xã hội, góp phần xây dựng nền y tế công
bằng, hiệu quả và phát triển.
Bà Trương Thị Mai cho biết, cuối năm 2013 đã có khoảng 70% dân số Việt Nam tham gia bảo hiểm y tế.
Khẳng định tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân là quan điểm nhất quán của
Nhà nước và quan điểm đó đã được thể chế hóa tại Luật bảo hiểm y tế, tuy
nhiên bà Mai đánh giá vẫn còn nhiều hạn chế trong việc thực hiện chính
sách pháp luật về bảo hiểm y tế khi vẫn còn khoảng 30% dân số chưa tham
gia bảo hiểm y tế; các tuyến dưới, vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều vấn
đề cần quan tâm...
Giáo sư Keizo Takemi, Nghị sỹ Nhật Bản, Chủ tịch Diễn đàn Nghị sỹ châu Á
về Dân số và Phát triển chia sẻ những thành công và kinh nghiệm về bảo
hiểm y tế toàn dân của Nhật Bản; giới thiệu về gói chính sách tổng thể
để phát triển tầng lớp trung lưu khỏe mạnh tại Nhật Bản trong những năm
60.
Kế hoạch trên nhằm mở rộng phạm vi của tầng lớp trung lưu khỏe mạnh bằng
cách tăng gấp đôi thu nhập thông qua gia tăng xuất khẩu, cải thiện vốn
xã hội bao gồm nhà cửa, xử lý rác thải, giảm thất nghiệp và tăng phúc
lợi xã hội.
Kế hoạch bao phủ sức khỏe toàn dân đạt được vào năm 1961 là một phần của gói chính sách tổng thể này.
Giáo sư Keizo Takemi cho rằng đối với các quốc gia sẽ đối mặt với già
hóa trong tương lai gần có thể đạt được "xã hội già hóa khỏe mạnh" bằng
cách có sự chuẩn bị sớm về chính sách.
Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam đang đứng trước nhưng thách thức lớn về
chất lượng cung cấp gói dịch vụ, mức đóng bảo hiểm cũng như quá trình
tiếp cận thuận lợi với dịch vụ bảo hiểm y tế.
Với mức thu nhập như hiện nay cùng với nguồn ngân sách và mạng lưới y tế
thì Việt Nam vẫn còn cần tiếp tục bổ sung, điều chỉnh, đầu tư để đạt
được chất lượng trong bảo hiểm y tế.
Thông tin từ cuộc tọa đàm sẽ góp phần để ban soạn thảo hoàn thiện dự án
Luật trình kỳ họp thứ kỳ 7, Quốc hội khóa XIII sắp tới xem xét, thông
qua./.
Theo TTXVN