Chủ Nhật, 29/9/2024
Pháp luật
Thứ Ba, 25/11/2008 15:55'(GMT+7)

“Bạo lực gia đình là vi phạm pháp luật. Hãy chấm dứt ngay!”

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bạo lực gia đình và những hệ lụy

Ở nước ta hiện chưa có số liệu thống kê chính xác và đầy đủ về các trường hợp bạo hành gia đình nhưng theo nhiều nghiên cứu liên quan đến bạo lực gia đình thì ở Việt Nam, bạo lực gia đình đã và đang xảy ra ở mọi vùng miền từ nông thôn đến thành thị, mọi gia đình có mức thu nhập khác nhau.

Nguyên nhân căn bản nhất, sâu xa nhất dẫn đến tình trạng này xuất phát từ tư tưởng trọng nam, coi thường nữ được truyền từ thế hệ hệ này sang thế hệ khác. Người phụ nữ phải chăm lo và duy trì cho tổ ấm và trong các mối quan hệ gia đình, người phụ nữ luôn luôn phải phục tùng nam giới.

Phát biểu tại buổi lễ phát động chiến dịch truyền thông, Bà Soledad Fuentes – Đại sứ Vương quốc Tây Ba Nha tại Việt Nam cho biết: “Sự bất bình đẳng đối với nữ giới vẫn diễn ra hàng ngày ở nhiều nơi trên thế giới, điều cần thiết là nỗ lực can thiệp để khép dần khoảng cách bất bình đẳng giữa nam giới và nữ giới. Bạo lực gia đình là một trong những hậu quả của sự bất bình đẳng giới.”

Theo điều tra Gia đình ở Việt Nam 2006 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (MOCST), Tổng cục Thống kê (GSO), Viện Gia đình và Giới (IFGS) và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc thực hiện đã cho thấy khoảng 21,2% các cặp vợ chồng đã kết hôn cho biết họ đã trải qua một trong các hành vi bạo lực gia đình. Điều đó có nghĩa là cứ năm gia đình thì sẽ có một gia đình xảy ra tình trạng bạo lực gia đình dưới các hành thức chính bao gồm: bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần và bạo lực tình dục.

Điều tra cũng cho thấy trong các trường hợp bạo lực gia đình thì các cặp vợ chồng hiếm khi nhờ đến sự can thiệp của cha mẹ, bạn bè hoặc chính quyền vì họ sợ mất mặt hoặc họ không muốn “vạch áo cho người xem lưng”.

Bạo lực gia đình là một trong những nguyên nhân đầu tiên làm gia đình tan vỡ. Cũng theo cuộc khảo sát này cho thấy, khi trẻ em chứng kiến cảnh bạo lực gia đình của bố mẹ thì 85,4% luôn có tâm trạng buồn phiền và lo sợ, 20% sợ hãi, 8,5% không hiểu được bố mẹ và 4,2% không tôn trọng bố mẹ. Thậm chí có 5,5% có mong ước muốn bỏ nhà để thoát khỏi tình trạng chứng kiến cảnh bạo lực hàng ngày.

Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy rằng nhận thức về hành vi bạo lực gia đình rất khác nhau. Nhiều người vẫn còn cho rằng chỉ có những trường hợp nghiêm trọng và có tình trạng kéo dài thành hệ thống gây ra những thương tổn trầm trọng thì mới được coi là bạo lực gia đình.

Cũng theo Báo cáo về Bạo lực trên cơ sở giới của quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (tháng 10/2007), tỉ lệ ly hôn liên quan đến việc bạo lực gia đình ở Việt Nam khá nghiêm trọng trong mấy năm gần đây. Các trường hợp ly hôn do bạo lực gia đình được thống kê chiếm tới 32% ở Hà Nội, 31% ở Hải Phòng và 10% ở TP. Hồ Chí Minh.

Tăng nhận thức về bình đẳng giới là cách phòng tránh tốt nhất

Đó là quan điểm của ông Lê Hoàng Minh – Phó chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam. Bởi theo ông các nạn nhân của bạo lực gia đình vẫn quan niệm cho rằng đó là những mâu thuẫn hàng ngày không tránh khỏi trong gia đình chứ họ không hề nghĩ rằng đó là hành vi bạo hành và nạn nhân được luật pháp bảo vệ. Chỉ khi việc bạo hành với phụ nữ trở thành vụ việc nghiêm trọng hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đã có sự can thiệp của các ngành chức năng như chính quyền, công an thì báo chí mới có thể dễ dàng tiếp cận nạn nhân.

"Chiến dịch truyền thông phòng chống bạo lực gia đình tại Hà Nội" được tổ chức trong thời gian tới đây sẽ là một trong những hoạt động hướng tới mục đích trên. Chiến dịch này do Tổ chức phi chính phủ Paz Y Desarrollo - PyD của Tây Ban Nha tổ chức nhằm tuyên truyền cho người dân nhận thức được các dạng hành vi bạo lực trong gia đình và những hành vi này cần được sự quan tâm lên án của toàn xã hội.

Chiến dịch truyền thông quan trọng này sẽ được tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng và tại cộng đồng từ nay cho đến tháng 3/2009 do PyD phối hợp cùng các tổ chức quốc tế và các nhiều bộ ngành tại Việt Nam. Dự án này được Cơ quan Hợp tác và Phát triển Quốc tế Tây Ban Nha tại Việt nam (AECID) tài trợ.

Song song với buổi phát động này, dự án đã và đang triển khai các hoạt động truyền thông trực tiếp tới nam giới tại cộng đồng. Các hoạt động tại cộng đồng sẽ được thực hiện bởi các tuyên truyền viên ở thôn xóm.

Ngoài các hình thức truyền thông trên dự án còn tổ chức các hình thức truyền thông khác như: chạy xe mô tô diễu hành cổ động; phát tờ rơi; chiếu phim quảng cáo và giáo dục; tuyên truyền qua đài phát thanh, loa phóng thanh và truyền hình...



(Theo HNM điện tử)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất