Thứ Bảy, 23/11/2024
Y tế - Dân số
Thứ Hai, 29/5/2017 20:18'(GMT+7)

Bảo mật thông tin kho dữ liệu 24 triệu hộ dân tham gia bảo hiểm y tế

Người dân làm thủ tục khám chữa bệnh. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Người dân làm thủ tục khám chữa bệnh. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Có thể coi đây là một “kho báu” về dữ liệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, trước bối cảnh xảy ra cuộc tấn công mạng ăn cắp dữ liệu đòi tiền chuộc đang diễn ra tại nhiều nơi. Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Lê Anh Sơn - Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Công cụ kiểm soát quỹ bảo hiểm y tế

-Xin ông cho biết quá trình để thu thập các dữ liệu trên được tiến hành như thế nào?

Ông Lê Anh Sơn: Bảo hiểm Xã hội Việt Nam bắt đầu triển khai việc lập danh sách hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế và thực hiện quá trình thu thập, xây dựng dữ liệu trên từ tháng 8/2015, hoàn thành giai đoạn nhập liệu vào tháng 12/2016.

Quá trình thu thập, nhập liệu và làm sạch dữ liệu trên được thực hiện rất công phu, qua nhiều bước và có thể chia thành ba giai đoạn chính.

Giai đoạn 1: Thu thập thông tin, nhập dữ liệu danh sách hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế, đối chiếu với dữ liệu cấp thẻ bảo hiểm y tế để phân loại dữ liệu.

Giai đoạn 2 gồm: in, đối chiếu, cập nhật toàn bộ danh sách xác minh bổ sung thông tin hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế nhằm mục đích đảm bảo dữ liệu đã thu thập, nhập liệu đầy đủ, chính xác.

Giai đoạn 3: Chuẩn hóa dữ liệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế để đảm bảo chất lượng dữ liệu để có thể cấp mã định danh cho người tham gia bảo hiểm y tế.

- Ông có thể nói rõ hơn về giá trị của kho dữ liệu này đối với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng như đối với ngành y tế?

Ông Lê Anh Sơn:
Đối với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: Việc xây dựng cơ sở dữ liệu này nhằm đáp ứng các quy định của Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, để quản lý bảo hiểm y tế theo hộ gia đình với mục tiêu cấp mã định danh duy nhất cho cá nhân và hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế. Việc hoàn thành bộ cơ sở dữ liệu trên sẽ phục vụ cho việc mở rộng, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế ở quy mô lớn, nâng cao tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân.

Việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm xã hội là tiền đề cho việc xây dựng, kết nối liên thông và hoàn thiện hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin ngành Bảo hiểm Xã hội, tiến tới xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về người tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.

Đây cũng đồng thời là nguồn dữ liệu quan trọng được sử dụng trên hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế để kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nhằm nâng cao hiệu quả quản lý quỹ bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; là cơ sở để xây dựng và phát hành thẻ an sinh xã hội cho người dân.

Đối với Bộ Y tế, kho dữ liệu trên là cơ sở trong việc số hóa hồ sơ quản lý sức khỏe của người dân, tiến tới việc cấp cho mỗi người một hồ sơ cá nhân, không chỉ gồm thông tin bảo hiểm mà tích hợp tình trạng sức khỏe và các dịch vụ khác của người dân, giúp ngành y tế quản lý, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.


Ông Lê Anh Sơn (phải) - Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin bàn giao thiết bị ghi cơ sở dữ liệu cho đại diện Bộ Y tế.


Lãnh đạo một số địa phương chưa quyết liệt

-Trong quá trình triển khai thu thập bộ cơ sở dữ liệu trên, theo ông những thuận lợi và khó khăn nào mà cơ quan quản lý đang gặp phải?

Ông Lê Anh Sơn: Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, gắn với hoạt động lâu dài của ngành bảo hiểm xã hội, là một trong những cơ sở dữ liệu quan trọng để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Trong quá trình triển khai công việc trên, chúng tôi nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, sự phối hợp chặt chẽ trong toàn ngành, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và Ủy ban Nhân dân các cấp và các đơn vị trong việc tổ chức rà soát, thu thập, nhập liệu, đối chiếu dữ liệu để đảm bảo tiến độ, chất lượng dữ liệu.

Về khó khăn: Đây là một cơ sở dữ liệu đồ sộ, triển khai trên phạm vi toàn quốc, thời gian thực hiện tương đối ngắn đòi hỏi phải huy động một lực lượng lao động lớn, phải phối kết hợp giữa nhiều đơn vị.

Mặc dù chúng tôi đã thành lập ban chỉ đạo ở tất cả các địa phương, tuy nhiên lãnh đạo một số địa phương chưa thật sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo. Công tác phổ biến, tuyên truyền đến người dân về lập danh sách hộ gia đình chưa được sâu rộng, dẫn tới tình trạng người dân còn chưa đồng lòng, hợp tác thực hiện…

Công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu chưa chặt chẽ dẫn tới khó khăn trong việc kê khai, có trường hợp người dân không sinh sống trên địa bàn nhưng không cắt hộ khẩu hoặc báo tạm vắng, hay người nơi khác đến sinh sống nhưng không nhập hộ khẩu và không khai báo tạm trú. Một số địa phương có địa hình phức tạp, dân cư thưa thớt, tập trung chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, không có các giấy tờ liên quan đến thân nhân... gây nhiều khó khăn trong việc lập danh sách dẫn đến chất lượng thông tin chưa đảm bảo: số nhân khẩu khai thiếu ngày, tháng sinh khá nhiều…

Việc xác minh thông tin nhất là các tiêu chí mã định danh, nơi đăng ký khai sinh... tại các địa bàn vùng núi, vùng sâu, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn gặp nhiều khó khăn do dân cư sống không tập trung, người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỉ lệ cao, trình độ dân trí còn hạn chế, nhận thức về giấy tờ tùy thân chưa được hộ gia đình quan tâm…

Bảo mật thông tin hộ gia đình

- Trước bối cảnh vừa xảy ra cuộc tấn công mạng ăn cắp dữ liệu đòi tiền chuộc đang diễn ra tại nhiều nơi và đang được cảnh báo rộng rãi, ông có thể cho biết công tác bảo mật thông tin về kho dữ liệu này được triển khai như thế nào?

Ông Lê Anh Sơn:
 Việc bảo vệ trước các tấn công và hạn chế các rủi ro cho hệ thống thông tin đặc biệt với Trung tâm dữ liệu là vấn đề được chúng tôi đặc biệt quan tâm.

Trong ba năm trở lại đây, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã đầu tư rất lớn cho cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng mạng, hệ thống giám sát, sử dụng hệ thống kiểm soát truy cập mạng bằng tường lửa (firewall) để kiểm soát các kết nối mạng, kiểm soát người dùng nhằm ngăn chặn được các truy cập trái phép tới các tài nguyên, thông tin. Chúng tôi cũng sử dụng hệ thống phát hiện và ngăn chặn xâm nhập mạng (IPS) để bổ sung hữu hiệu cho tường lửa, để ngăn chặn hoàn toàn các tấn công vượt qua tường lửa, các tấn công từ chối dịch vụ và phá hoại hệ thống thông tin…

Ngay khi có thông tin về mã độc tấn công toàn cầu wanacry, trung tâm công nghệ thông tin đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan tiến hành cập nhật các bản vá lỗ hổng hệ thống, triển khai các chính sách an ninh, bảo mật trên các hệ thống firewall, ips/ids, siem để theo dõi, ngăn chặn các tấn công xâm nhập hệ thống; Tiến hành backup cơ sở dữ liệu, trong đó có cơ sở dữ liệu bảo hiểm y tế theo hộ gia đình. Cảnh báo cho toàn bộ các đơn vị, cá nhân trong toàn ngành về các thông tin liên quan đến phòng chống mã độc wannacry.

- Sau khi Bảo hiểm Xã hội Việt Nam bàn giao kho dữ liệu này cho Bộ Y tế để phục vụ công tác chăm sóc, quản lý sức khỏe cho người dân thì những ai/đơn vị nào được phép sử dụng dữ liệu bảo hiểm y tế của hơn 92 triệu người dân, việc phòng ngừa bán những thông tin này ra ngoài như thế nào?

Ông Lê Anh Sơn: Sau khi Bảo hiểm Xã hội Việt Nam bàn giao kho dữ liệu này cho Bộ Y tế để phục vụ công tác chăm sóc, quản lý sức khỏe cho người dân, ngoài đơn vị chúng tôi đang sử dụng, khai thác dữ liệu trên thì Bộ Y tế là đơn vị có trách nhiệm quản lý, sử dụng đúng mục đích, đảm bảo an toàn và tính toàn vẹn thông tin của cơ sở dữ liệu.

Chúng tôi cũng đồng thời yêu cầu Bộ Y tế phải có các biện pháp để thực hiện bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật, thực hiện quy định về quyền bí mật thông tin gia đình theo quy định tại Điều 38 Bộ luật Dân sự./.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất