Thứ Tư, 6/11/2024
Y tế - Dân số
Thứ Tư, 24/5/2017 15:10'(GMT+7)

Tổ chức Y tế Thế giới lần đầu tiên có tổng giám đốc là người châu Phi

Tân Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. (Nguồn: Africa ME)

Tân Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. (Nguồn: Africa ME)

Sau cuộc bỏ phiếu chiều 23/5, WHO ra tuyên bố cho biết: "Bác sỹ Tedros Adhanom Ghebreyesus được chính phủ Ethiopia tiến cử và sẽ bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm của mình kể từ ngày 1/7/2017."

Ông Tedros, 52 tuổi, từng lần lượt giữ các chức vụ Bộ trưởng Y tế và Ngoại trưởng Ethiopia. Ông cũng từng đảm nhận các chức vụ Chủ tịch Quỹ Toàn cầu và Chủ tịch Hiệp hội Đối tác Đẩy lùi Sốt rét toàn cầu (RBM) và được ghi nhận là có công thu hút được "kinh phí kỷ lục" cho những tổ chức này cũng như lập Kế hoạch Hành động Phòng ngừa bệnh Sốt rét trên toàn cầu, theo đó mở rộng phạm vi hoạt động của RBM vươn rộng từ châu Phi sang châu Á và Mỹ Latinh. 

Ông cũng nổi tiếng với thành tích giảm mạnh được số ca tử vong từ bệnh sốt rét, AIDS, bệnh lao khi giữ chức bộ trưởng Y tế Ethiopia.

Ông Tedros đưa ra cam kết rằng ở cương vị người đứng đầu WHO, ông sẽ nỗ lực đưa bảo hiểm y tế đến với những quốc gia nghèo nhất, củng cố các hệ thống phản ứng khẩn cấp và khiến cho tổ chức này trở nên minh bạch hơn và có trách nhiệm hơn. 

Ông ủng hộ việc giúp người dân được tiếp cận nhiều hơn các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, tăng cường nỗ lực phòng ngừa các bệnh phụ nữ và cam kết sẽ thúc đẩy sự bình đẳng giới và đa dạng sắc tộc trong đội ngũ nhân viên của WHO. Ông cũng hứa sẽ đấu tranh với những tác động của tình trạng biến đổi khí hậu đối với sức khỏe.

Đây là lần đầu tiên WHA tiến hành bầu chọn người lãnh đạo WHO theo các quy định cởi mở hơn và dân chủ hơn. Cuộc đua chức tổng giám đốc WHO ban đầu có 6 ứng cử viên. Sau khi các ứng cử viên vận động công khai trong 2 năm và dần dần rút xuống chỉ còn 3 người - ông Tedros, ông David Nabarro người Anh và bà Sania Nishtar người Pakistan, cuộc bỏ phiếu đã được tiến hành trong một phiên họp kín có sự tham gia của các bộ trưởng y tế đến từ 186 quốc gia. 

Ông Tedros sẽ thay bà Margaret Chan, người đã lãnh đạo WHO trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Trong bài phát biểu cuối cùng trước WHO, bác sĩ Chan đã kêu gọi tổ chức này "ghi nhớ đến những con người" đứng đằng sau các dữ liệu và con số đồng thời nhận trách nhiệm cá nhân về việc WHO đã phản ứng chậm trễ trước dịch bệnh Ebola nổ ra tại khu vực Đông Phi hồi năm 2014.

Các nước tài trợ chính cho WHO là Mỹ, Anh, Quỹ Bill & Melinda Gates, tổ chức từ thiện Rotary International và Norway. Số tiền đóng góp của các nước thành viên còn lại chiếm chưa đến 1/3 ngân sách 2,2 tỷ USD của tổ chức này./. 

Theo VietNam+

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất