Thứ Bảy, 23/11/2024
Thành phố Hồ Chí Minh
Thứ Năm, 4/5/2023 10:3'(GMT+7)

Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP Hồ Chí Minh: Nơi lưu giữ những kỷ vật thời chiến

Đông đảo du khách tham quan tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh.

Đông đảo du khách tham quan tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh.

Chiếc nhẫn gáo dừa và mối tình son sắc

Những ngày cuối tháng 4, dù không phải cuối tuần, tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP Hồ Chí Minh (đường Võ Văn Tần, Quận 3) vẫn rất đông khách tham quan bảo tàng khá đông. Hoà vào dòng người, chúng tôi được chị Thu Sương, hướng dẫn viên của bảo tàng, đưa đi tham quan và giới thiệu các hiện vật tiêu biểu. Mỗi hiện vật, đều chứa trong đó những câu chuyện, kỷ niệm vô cùng ý nghĩa. Và thu hút chúng tôi nhất lại là một kỷ vật rất nhỏ bé, nhưng được trưng bày ở một góc trang trọn: Chiếc nhẫn gáo dừa, mà đằng sau đó là câu chuyện tình lứa đôi rất đẹp thời chiến của ông Trương Thanh Danh và bà Lê Tú Cẩm.

Tại căn hộ chung cư ở Quận 7, dù đã qua tuổi 85, nhưng ông Danh vẫn còn khá minh mẫn, ông kể cho chúng tôi câu chuyện tình cảm động xung quanh chiếc nhẫn gáo dừa của mình...

Chú thích ảnh
Kỉ vật chiếc nhẫn gáo dừa của ông Danh và bà Cẩm vẫn đang được lưu giữ trong bảo tàng. 

Ông Trương Thanh Danh cho biết, quê ông ở vùng đất thép Củ Chi, một vùng đất kháng chiến và anh hùng, vì vậy ông sớm giác ngộ và tham gia cách mạng từ nhỏ. Năm 1965, chàng tranh niên 27 tuổi được điều động vào tham gia lực lượng vũ trang chiến đấu trong khu vực nội thành Sài Gòn. Tại đây, ông gặp bà Lê Tú Cẩm, nữ sinh trường Gia Long, kém ông 9 tuổi, cũng tham gia hoạt động cách mạng bí mật.

"Tú Cẩm sống trong một gia đình trí thức, có điều kiện, nhưng thay vì chọn cho mình cuộc sống tốt đẹp, Tú Cẩm chấp nhận chịu đựng gian khổ, đi theo con đường cách mạng. Với lý tưởng cao đẹp đó, người con gái tên Tú Cẩm đã in đậm trong trái tim tôi mãi mãi về sau”, ông Danh nhớ lại.

Tình cảm nảy nở trong trái tim hai người, nhưng vì đất nước chưa thống nhất, cả hai đành gác lại tình riêng vì sự nghiệp cách mạng chung.

Cuộc chiến cận thành, 4 mặt đều là kẻ địch vô cùng khó khăn và đối mặt nhiều nguy hiểm. Tháng 9/1965, ông DFanh bị Mỹ Ngụy bắt giam, tra tấn cùng cực. Năm 1967, tòa tuyên án ông tử hình, nhưng rồi sau đó được giảm án và đày ra Côn Đảo.

Chú thích ảnh
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh còn lưu giữ nhiều kỉ vật với những câu chuyện xúc động trong thời chiến. 

“Lúc nhận được tin ông bị bắt, tim tôi như thắt lại. Ông Danh chưa bao giờ nói lời yêu thương hay hứa hẹn với tôi, nhưng tôi có thể nhận thấy được tình cảm đó qua những hành động cụ thể. Tôi yêu ông Danh bởi khí phách hiên ngang của một thanh niên yêu nước, yêu ý chí kiên cường của ông”, bà Lê Tú Cẩm nhớ lại.

Cũng năm 1967, bà Tú Cẩm bị bắt giam. Trải qua nhiều nhà lao, sau đó bà cũng bị chuyển ra nhà tù Côn Đảo. Thời gian tù đày ở Côn Đảo vô cùng khắc nghiệt với những trận đòn roi, màn tra tấn dã man của kẻ thù, khiến ông bà nhiều lần sống dở chết dở. Nhưng tình yêu với cách mạng, niềm tin son sắc về ngày giải phóng, ông bà vẫn giữ vững lập trường của những người chiến sĩ cách mạng.

Trong điều kiện khó khăn của cảnh tù đày, ông Danh vẫn giữ hình bóng của người nữ sinh trường Gia Long trong tim. Ông đã tìm kiếm mảnh gáo dừa và tự tay mài dũa xuống nền xi măng, khoét lỗ, làm thành chiếc nhẫn để tặng người yêu. Mất 2 tuần, chiếc nhẫn mới thành hình, ông cất kỹ trong lòng chờ ngày chiến thắng để trở về, tận tay trao cho người mình yêu.

Năm 1974, bà Tú Cẩm và các nữ tù chính trị khác được trao trả khỏi nhà tù Côn Đảo. Còn ông Danh, ngày ra tù năm 1975, ông đã tự tay cầm chiếc nhẫn gáo dừa tìm gặp người thương. Hai ông bà chính thức nên duyên vợ chồng từ đó.

Trường học về khát vọng hoà bình


Bà Đinh Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh cho biết, ngày nay, với giới trẻ, lúc yêu nhau có thể tặng những món quà trị giá hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Nhưng trong chiến tranh, trong điều kiện tù đày, chiếc nhẫn làm từ gáo dừa rất đặc biệt, đó là niềm tin, khát vọng về hoà bình, mong chờ ngày đại thắng của các chiến sĩ cách mạng.

“Các kỷ vật đó là những câu chuyện nhiều gian khó, nhưng rất đẹp, là niềm cảm hứng của những hướng dẫn viên ở bảo tàng khi giới thiệu với du khách thập phương”, bà Hằng nói.

Chú thích ảnh

Anh Craig Knobbs (du khách nước Anh) xúc động khi tham quan tại phòng trưng bày ảnh hưởng của chất độc da cam

Là một du khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch, anh Craig Knobbs (du khách người Anh) đã ghé Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Anh rất chăm chú xem từ những khẩu pháo cao xạ bắn, những chiếc trực thăng chuyển quân cỡ lớn của Mỹ để lại, những trại tù tái hiện cảnh giam cầm chiến sĩ cách mạng… nhưng anh đã dừng chân thật lâu khi đến khu vực trưng bày những bức ảnh về ảnh hưởng của chất độc da cam. “Những hình ảnh trong căn phòng này đã thể hiện hết những gì mà mọi người muốn nói, muốn tìm hiểu về chiến tranh Việt Nam. Một bảo tàng thật tuyệt vời!”, Craig Knobbs chia sẻ.

Trong khi đó, bà Wendy (du khách người Anh) bày tỏ sự xúc động khi xem những thước phim về hậu quả chiến tranh gây ra đối với người dân Việt Nam. “Tôi cảm thấy rất buồn, chiến tranh thật tàn nhẫn và vô nghĩa. Chỉ mong thế giới không còn chiến tranh để người dân trên toàn thế giới được sống trong hòa bình và yêu thương”, bà Wendy xúc động nói.

Chú thích ảnh
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đang là một địa chỉ đỏ để giáo dục cách mạng cho thế hệ trẻ.

Cầm trên tay cuốn sổ ghi chép, bạn Nguyễn Văn Đạt chia sẻ: "Chúng tôi tới đây để tìm hiểu lịch sử và có quá nhiều điều để xem, suy nghĩ khi tham quan nơi này. Ai đã tới, chắc chắn sẽ không bao giờ quên những nỗi đau mà chiến tranh đem đến cho người dân Việt Nam. Thật quá tàn khốc". /.

Theo baotintuc.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất