Thứ Sáu, 15/11/2024
Văn hóa - Xã hội
Thứ Năm, 25/11/2021 6:0'(GMT+7)

Bảo tồn âm nhạc dân gian Tây Nguyên

Văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên cần được bảo tồn và phát huy. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc

Văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên cần được bảo tồn và phát huy. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc

Tây Nguyên không chỉ là địa bàn chiến lược về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng, mà còn là mảnh đất có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời với những nét độc đáo, đặc sắc của văn hóa dân gian mang bản sắc riêng. Với sự đa dạng của 49 dân tộc anh em, Đắk Lắk có nhiều tài nguyên văn hóa quan trọng, góp phần vào sự phát triển chung của Tây Nguyên và cả nước. Nơi đây có sự đa dạng, phong phú về văn hóa các vùng miền, nổi bật là Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đồng bào các dân tộc ở Đắk Lắk đã góp phần hình thành nên 3 hệ thống văn hóa chính thống, đó là văn hóa của các dân tộc Trường Sơn - Tây Nguyên; văn hóa của các dân tộc thiểu số phía Bắc; văn hóa của người Kinh, mang đậm sắc thái 3 miền Bắc, Trung, Nam. Dân tộc thiểu số tại chỗ ở Đắk Lắk sở hữu vốn văn hóa truyền thống độc đáo như: Văn hóa mẫu hệ; văn hóa nhà dài (Ê đê) và nhà trệt (M’nông); văn hóa cồng chiêng; văn hóa nghi lễ - lễ hội; văn hóa sử thi; văn hóa thổ cẩm; văn hóa ứng xử... Mỗi khi âm nhạc dân gian Tây Nguyên cất lên với tiếng chiêng, tiếng sáo, tiếng T’rưng..., là du khách như bị cuốn hút vào thế giới huyền thoại của cao nguyên đất đỏ. Có thể nói, các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có âm nhạc dân gian nơi đây đã trở thành sức mạnh tinh thần để gắn kết cộng đồng, là biểu tượng để ứng xử với thiên nhiên, xã hội, đồng thời khơi dậy tình cảm quê hương và tinh thần đoàn kết cộng đồng.

NHỮNG KẾT QUẢ QUAN TRỌNG

Thời gian qua, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nói chung, bảo tồn âm nhạc dân gian ở Đắk Lắk nói riêng đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần ngày càng cao của quần chúng nhân dân. Từ khi Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều chủ trương, giải pháp để bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng. Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã ban hành nhiều Nghị quyết (các năm 2007, 2012, 2016, 2021) về "Bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk", hiện nay đang chuẩn bị thông qua Nghị quyết giai đoạn 2022 - 2025 với nhiều nội dung, giải pháp cụ thể, thiết thực.

Tính đến tháng 9/2020, toàn tỉnh Đắk Lắk có khoảng hơn 2.000 bộ chiêng, hơn 5000 nghệ nhân biết đánh chiêng, hơn 300 nghệ nhân biết chỉnh chiêng, hơn 1000 nghệ nhân biết sử dụng các nhạc cụ truyền thống. Tới đây, Đắk Lắk dự kiến sẽ có 1 Nghệ nhân nhân dân, hơn 40 Nghệ nhân ưu tú, đây sẽ là những hạt giống quý để bảo tồn và phát triển âm nhạc dân gian ở tỉnh Đắk Lắk. Ngành Văn hóa, thể thao và du lịch với vai trò cơ quan chuyên môn lĩnh vực văn hóa của tỉnh đã tích cực triển khai, tổ chức nhiều hoạt động từ tỉnh đến cơ sở tạo môi trường diễn xướng cho âm nhạc dân gian như: Liên hoan văn hóa cồng chiêng, Liên hoan diễn tấu nhạc cụ dân tộc và hát dân ca, Liên hoan nghệ thuật quần chúng... Việc tham gia các sự kiện liên quan đến văn hóa cồng chiêng đã góp phần quan trọng, tạo điều kiện để các nghệ nhân duy trì, thường xuyên thực hành di sản, có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về thực hành di sản tại cộng đồng. Hàng năm, các địa phương trên địa bàn tỉnh thường xuyên tổ chức ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc, liên hoan văn hóa cồng chiêng, ngày hội văn hóa, thể thao cấp xã, các hoạt động diễn tấu cồng chiêng gắn với nghi thức, nghi lễ, lễ hội của đồng bào như: Lễ cúng bến nước, Lễ cúng lúa mới, Lễ mừng cơm mới, Lễ cúng sức khỏe, Lễ cầu mùa no đủ, Lễ trưởng thành và nhiều nghi lễ, lễ hội dân gian khác. Với những hoạt động trên, có thể nói, âm nhạc dân gian đang "sống lại" trong đời sống, sinh hoạt của đồng bào các dân tộc ở Đắk Lắk.

Thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, từ năm 2007 đến năm 2020, tỉnh Đắk Lắk đã cấp ngân sách mua và cấp 154 bộ chiêng cho những đội chiêng tiêu biểu ở các buôn trên địa bàn tỉnh, trong đó giai đoạn 2016 - 2020 cấp được 26 bộ chiêng, 358 bộ trang phục truyền thống cho các đội chiêng, đội văn nghệ ở các buôn. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã tổ chức được 124 lớp truyền dạy đánh chiêng cho hàng trăm thanh thiếu niên, học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số các buôn làng và các trường học trong tỉnh; phục dựng được 136 nghi lễ, lễ hội truyền thống gắn với cồng chiêng... Đặc biệt, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức biểu diễn định kỳ 1 tháng 2 chương trình văn hóa cồng chiêng phục vụ Nhân dân và du khách tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, mà chủ yếu là biểu diễn âm nhạc dân gian Tây Nguyên với rất nhiều nhạc cụ dân tộc phong phú, độc đáo. Không khó để bắt gặp những chương trình biểu diễn âm nhạc dân gian Tây Nguyên kết hợp với âm nhạc hiện đại tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, nhất là thành phố Buôn Ma Thuột. Ngành giáo dục và đào tạo của tỉnh cũng đã biên soạn Tài liệu giáo dục địa phương ở bậc tiểu học và trung học cơ sở, trong đó có nhiều bài học về âm nhạc dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk, đây là điều rất quý khi các em được giáo dục ý thức bảo tồn văn hóa dân gian ngay từ trên ghế nhà trường phổ thông.

Tuy nhiên, do sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là sự phát triển của smartphone và internet với sự bùng nổ của youtube, facebook, tiktok..., âm nhạc dân gian đang có nguy cơ mai một do ảnh hưởng của âm nhạc hiện đại và sự xâm nhập của các luồng văn hóa ngoại lai khó kiểm soát. Giới trẻ ngày nay đang có xu hướng chạy theo các thể loại âm nhạc thị trường, âm nhạc du nhập từ nước ngoài, mà ít quan tâm đến âm nhạc dân gian. Đa số nghệ nhân dân gian đang có cuộc sống khó khăn, thu nhập thấpkhông ổn định. Chưa có chế độ chính sách nào hỗ trợ cho họ yên tâm sống với nghề. Dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về chế độ hỗ trợ đối với nghệ nhân, nghệ sĩ, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2022 - 2025 dự kiến cuối năm 2022 khi có chính sách tiền lương mới thì các cơ quan có thẩm quyền mới xem xét thông qua. Việc tuyên truyền, phổ biến âm nhạc dân gian cũng chưa được thường xuyên. Những giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị âm nhạc dân gian trên địa bàn tỉnh có nơi, có lúc chưa thực sự hiệu quả. Nguồn lực, kinh phí để thực hiện công tác bảo tồn âm nhạc dân gian nói riêng và văn hóa truyền thống của các dân tộc nói chung, kinh phí hoạt động của các nhà văn hóa cộng đồng trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế. Và đặc biệt, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên nhiều kế hoạch liên quan đến bảo tồn văn hóa nói chung, âm nhạc dân gian nói riêng phải hủy hoặc tạm dừng.

ĐỂ ÂM NHẠC DÂN GIAN TÂY NGUYÊN TIẾP TỤC PHÁT TRIỂN

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định nhiệm vụ trọng tâm về văn hóa, đó là “Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số”.

 So với tiềm năng và thế mạnh của Tây Nguyên, đặc biệt là về âm nhạc dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số thì cần phải có hướng đào tạo nguồn nhân lực để bảo tồn và phát huy dòng nhạc này. Trong bối cảnh ấy, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk đang xây dựng kế hoạch xây dựng chương trình đào tạo, đăng ký giáo dục nghề nghiệp mã ngành biểu diễn nhạc cụ truyền thống Tây Nguyên (như đàn T’rưng, Đing Pă, Ching Kram, Ching Knah...), góp phần vào nhiệm vụ bảo tồn Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk từ lâu được xem là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật dồi dào, là nơi chắp cánh cho nhiều tài năng âm nhạc bay cao, có những đóng góp đáng kể cho nền âm nhạc Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng. Nhà trường có đội ngũ nhà giáo chất lượng, trình độ năng lực chuyên môn sâu, đáp ứng đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật và du lịch, cung cấp nguồn nhân lực cho ngành văn hóa, thể thao và du lịch như công chức văn hóa tỉnh, huyện, xã/phường/thị trấn; viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực văn hóa (bảo tàng, thư viện, đoàn nghệ thuật, trung tâm văn hóa); đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực hoạt động nghề nghiệp xã hội như: ca sĩ, diễn viên múa, nhạc công, nghệ sĩ sáng tác, họa sĩ, nghiên cứu văn hóa; nhân lực hoạt động kinh doanh, dịch vụ trên các lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật và du lịch... Nhiều nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk hiện nay được đào tạo, bồi dưỡng ban đầu từ Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đắk Lắk trước đây, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Đắk Lắk hiện nay như: Nhạc sĩ - Nghệ sĩ ưu tú Y Phôn Ksor, Nghệ sĩ ưu tú Y Joel Knul, nghệ sĩ Đức Hoàng, ca sĩ Minh Chi, Thanh Loan, Điểu Náp, Văn Toàn, Bảo Trâm.v.v. cùng nhiều diễn viên múa khác; hay như nhạc sĩ phối khí Đoàn Hải Dương, ca sĩ Dương Ngọc Thu (Trung tâm Văn hóa tỉnh). Tuy nhiên, bên cạnh những dấu ấn mà trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật đạt được, vẫn còn đó những trăn trở của những người làm công tác trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của tỉnh. Các bộ môn liên quan đến chuyên ngành âm nhạc đang được đào tạo giáo viên thanh nhạc, giáo viên mầm non ở Trường Đại học Tây Nguyên, Trường Cao đẳng sư phạm Đắk Lắk hiện nay đều gắn với âm nhạc phương Tây, chứ chưa có riêng chuyên ngành âm nhạc dân gian.

Đại hội XIII của Đảng nêu định hướng phát triển con người và xây dựng nền văn hóa: Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước.

Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII đã nêu rõ: Khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, nhất là tài nguyên thiên nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử, vị trí địa lý trung tâm vùng Tây Nguyên để thành động lực phát triển của tỉnh trong thời gian tới”. Một trong những phương án nhận được rất nhiều sự quan tâm của những người làm công tác chuyên môn về bảo tồn âm nhạc dân gian là thông qua đào tạo con em các dân tộc thiểu số trên địa bàn vùng Tây Nguyên có được những hiểu biết, thuần thục các kỹ năng cơ bản trong việc diễn tấu các loại nhạc cụ dân tộc, cũng như các thể loại dân gian khác của các thế hệ đi trước để lại một cách có hệ thống, bài bản. Vì vậy, việc mở chuyên ngành đào tạo âm nhạc dân gian tại Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Đắk Lắk là hết sức cần thiết, hướng đến đào tạo thế hệ trẻ có năng khiếu, có niềm đam mê, trực tiếp thực hiện sứ mệnh bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Linh Nga Niê kđăm, người đang trực tiếp viết giáo trình đào tạo chuyên ngành âm nhạc dân gian cho Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk cho rằng, cần coi trọng việc phát hiện, bồi dưỡng tài năng âm nhạc dân gian gắn với các chính sách ưu đãi thỏa đáng và tạo điều kiện cho họ sống được bằng nghề.

Các em thiếu niên buôn Kon H’ring, xã Ea H’Đing, huyện Cư M’gar, tỉnh Đác Lắc biểu diễn một bài nhạc chiêng truyền thống. Ảnh: LÊ HƯƠNG

Các em thiếu niên buôn Kon H’ring, xã Ea H’Đing, huyện Cư M’gar, tỉnh Đác Lắc biểu diễn một bài nhạc chiêng truyền thống. Ảnh: LÊ HƯƠNG

Ông Chung Quốc Toản, Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường cho biết, sẽ có lộ trình thích hợp, bởi khó khăn lớn nhất của nhà trường trong việc thực hiện mục tiêu này là thiếu nguồn nhân lực giảng dạy. Các giảng viên âm nhạc của nhà trường cơ bản được đào tạo âm nhạc hiện đại, chưa có ai được đào tạo bài bản về lĩnh vực này nên cần có thời gian để chuẩn bị. Muốn thực hiện được nhiệm vụ này, việc cần làm ngay là tổ chức hội thảo chuyên gia, lấy ý kiến các nhà nghiên cứu, các văn nghệ sĩ, nghệ nhân để có cơ sở xây dựng chương trình đào tạo biểu diễn nhạc cụ truyền thống Tây Nguyên; kết hợp đan xen giữa giảng dạy nhạc cụ phương Tây (Organ, guitar, piano...) với các nhạc cụ truyền thống Tây Nguyên (T’rưng, Đing Pă, Ching Kram, Ching Knah, …) để người học có cơ hội việc làm khả quan sau khi tốt nghiệp. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk hiện đã và đang tham mưu các Nghị quyết, Chương trình bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của tỉnh, trong đó liên quan đến lĩnh vực văn hóa nghệ thuật truyền thống như: Nghị quyết của Hội đồng nhân dân về bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2022 - 2025; Nghị quyết của Hội đồng nhân dân về chế độ hỗ trợ đối với nghệ nhân, nghệ sĩ, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2022 - 2025; Triển khai thực hiện Dự án số 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, cụ thể hóa NQ88 của Quốc hội; Kế hoạch triển khai Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2025; cùng các Kế hoạch phối hợp của Sở với các cơ quan, đơn vị liên quan đến phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, nhất là với ngành giáo dục đào tạo.

Để âm nhạc dân gian Tây Nguyên tiếp tục phát triển, thiết nghĩ, ngoài yếu tố cần có những người tâm huyết, say mê, trăn trở với vùng đất Tây Nguyên, để có thể sưu tầm, phục dựng, phát triển những tác phẩm hay từ vùng đất này, thì các địa phương, cơ quan chuyên ngành cần có các giải pháp kịp thời về cơ chế, chính sách đặc thù. Khi các Nghị quyết, Chương trình, kế hoạch trên được triển khai, đi vào thực tiễn, thì đây sẽ là những cơ sở pháp lý để Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Đắk Lắk tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong việc mở rộng loại hình đào tạo chuyên ngành thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật (trong đó có âm nhạc dân gian) phù hợp với thực tiễn của Đắk Lắk và Tây Nguyên. Theo người viết, nên thực hiện đa dạng các loại hình chính quy, không chính quy, liên thông, hình thức tập trung, vừa làm vừa học để thu hút nhiều đối tượng học viên tham gia; cần chú trọng việc đào tạo chuyên sâu cho hợp lý; thường xuyên triển khai các chương trình khảo sát thực tế để nắm bắt nhu cầu từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp, đáp ứng nhu cầu của xã hội và phù hợp thực tiễn. Thông tư 08/2021 ngày 8/9/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có một điểm mới là quy định chức năng đào tạo các tài năng văn hóa, nghệ thuật, thể thao cho Sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Vì vậy, Sở sẵn sàng phối hợp, định hướng đào tạo nguồn nhân lực âm nhạc dân gian; phối hợp thẩm định các chương trình đào tạo về âm nhạc dân gian để có một quy trình chuẩn, giúp học sinh, sinh viên tiếp thu kiến thức và kỹ năng, tự tin hội nhập và đáp ứng yêu cầu đầu ra trên cơ sở chương trình khung hướng dẫn của cấp có thẩm quyền. Bên cạnh đó, Sở sẵn sàng phối hợp đề xuất những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho học sinh yên tâm theo học, hỗ trợ giới thiệu chương trình học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn học giỏi; hỗ trợ việc phát hiện, tuyển chọn, đào tạo tài năng trẻ để họ có điều kiện được phát triển tài năng của mình.

Chắc chắn rằng, với sự chung tay của các cơ quan hữu quan, các nhà chuyên môn có uy tín, mục tiêu bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống thông qua các phương án đào tạo bài bản trong nhà trường ở Đắk Lắk sẽ giúp các giá trị của văn hóa dân gian nói chung, âm nhạc dân gian Tây Nguyên nói riêng sẽ được bảo tồn và phát huy mạnh mẽ trong thời gian tới, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu “Đến năm 2025, xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, từng bước xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên” mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. Và sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần đầu tiên năm 1946, lần thứ hai năm 1948, thì lần thứ ba, Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa được tổ chức tại Hà Nội. Hội nghị đã bàn những vấn đề rất lớn, rất quan trọng của văn hóa Việt Nam, trong đó có việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống; khắc phục sự chênh lệch về văn hóa giữa các đối tượng, vùng miền của đất nước. Những thông điệp của Hội nghị đã khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc một cách mạnh mẽ, sâu sắc. Người viết mong rằng, phát huy tinh thần và tư tưởng chỉ đạo của Hội nghị, các cơ quan chức năng sẽ khẩn trương tham mưu các giải pháp cụ thể để phát huy mạnh mẽ những nét đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, để góp phần đưa văn hóa Tây Nguyên, trong đó có Đắk Lắk vững vàng đi lên cùng cả nước./.

ThS. Đặng Gia Duẩn
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất