Thứ Ba, 24/9/2024
Tin hoạt động
Thứ Sáu, 25/9/2015 8:34'(GMT+7)

Bảo tồn di sản văn hóa và phát triển du lịch Quảng Nam cần có sự hợp tác quốc tế

Đồng chí Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ VHTTDL phát biểu tại hội thảo (Ảnh DP)

Đồng chí Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ VHTTDL phát biểu tại hội thảo (Ảnh DP)

Sáng ngày 24/9, tại Hà Nội, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Bộ VHTTDL, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức Hội thảo xúc tiến hợp tác quốc tế về bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch Quảng Nam. Tới dự Hội thảo có đồng chí Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ VHTTDL, đồng chí Nguyễn Chín , Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cùng đại diện các cơ quan ngoại giao và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Đánh giá về thực tế phát triển du lịch tại Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Chín cho biết, Quảng Nam được biết đến là một tỉnh duyên hải miền Trung Việt Nam, sở hữu hai di sản văn hóa thế giới: Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn, cùng với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Quảng Nam còn là vùng đất có bề dày và tính đa dạng về văn hóa do sớm có sự giao lưu, tiếp biến giữa các nền văn hóa Chăm, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc và một số nước phương Tây.

Sự đa dạng ấy còn được thể hiện qua bản sắc văn hóa của 4 tộc người bản địa cư trú ở vùng miền núi. Bên cạnh tài nguyên tự nhiên về biển, đảo, sông, hồ, núi rừng với những giá trị đa dạng sinh học đã được ghi nhận; nền tảng văn hóa này là tiền đề quan trọng để tỉnh Quảng Nam phát triển du lịch bền vững, góp phần phát triển kinh tế xã hội, đời sống của người dân.

Qua thực tiễn, ngành du lịch có thể là một hướng đi tốt để vừa phát triển kinh tế, đồng thời góp phần bảo tồn văn hóa và bảo vệ môi trường. Tuy vậy, bên cạnh những mặt tích cực, du lịch cũng có thể mang lại nhiều tác động tiêu cực cả về kinh tế, văn hóa, và môi trường nếu không có sự quản lý đúng đắn. Do đó, phương thức phát triển du lịch một cách bền vững và chuyên nghiệp cũng trở thành một thách thức quan trọng của tỉnh Quảng Nam trong bài toán về bảo tồn văn hóa và bảo vệ môi trường.

Từ năm 2009 đến năm 2014, Quảng Nam tiếp tục nhận được nhiều dự án hỗ trợ phát triển du lịch, dựa vào khai thác văn hóa địa phương để phát triển du lịch bền vững, qua đó cải thiện sinh kế cho cư dân khu vực nông thôn, miền núi. Từ những dự án bảo tồn hiệu quả, tỉnh Quảng Nam đã giữ được diện mạo của hai di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn. Cũng thông qua tài trợ của chính phủ Đan Mạch, Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm mới được quản lý và phát huy tốt như hiện nay. Đồng thời, chiến lược phát triển du lịch Quảng Nam trở nên rõ ràng hơn nhờ sự giúp sức của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là UNESCO. Sản phẩm thủ công địa phương được xây dựng thương hiệu và tiếp cận thị trường. Người dân ở nông thôn, miền núi bắt đầu hưởng lợi từ du lịch thông qua mô hình du lịch cộng đồng tại Zara, Bhờ Hồông, Đhrồông, Mỹ Sơn, Trà Nhiêu, Triêm Tây.

Lượng khách du lịch đến Quảng Nam tăng hơn 12 lần trong giai đoạn 1999 - 2014, từ hơn 300.000 lượt khách vào năm 1999 lên hơn 3.680.000 lượt khách năm 2014. Quảng Nam đã nhận được nhiều giải thưởng về du lịch và môi trường, tiêu biểu năm 2013, Tạp chí du lịch nổi tiếng Conde Nast Traveler của Mỹ bình chọn Hội An là điểm du lịch yêu thích thứ 2 ở Châu Á (sau thành phố Kyoto - Nhật Bản), Tạp chí Huffington Post (Mỹ) cũng giới thiệu Hội An là một trong 7 điểm đến đặc sắc và thu hút khách du lịch nhất khi tới Việt Nam, Tổ chức Định cư con người Liên Hiệp Quốc tại châu Á (UN Habitat) bình chọn Hội An là thành phố cảnh quan Châu Á...

Đồng chí Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ VHTTDL cho rằng, mặc dù có rất nhiều di sản phong phú và đa dạng, nhưng tỉnh Quảng Nam cũng đang đứng trước những thách thức lớn. Với một tỉnh có khoảng 350 di tích các loại cùng những giá trị văn hóa phi vật thể phong phú, đặc biệt là hai di sản văn hóa thế giới vốn nhạy cảm với biến đổi khí hậu như Mỹ Sơn và Hội An, công tác bảo tồn văn hóa trong những năm đến còn rất nhiều khó khăn. Đồng thời, các dự án hỗ trợ về phát triển du lịch bước đầu đã mang lại một số kết quả tích cực, nhưng chưa được tổng kết, rút kinh nghiệm và định hướng phát huy hiệu quả trong những năm đến.

Chính vì vậy, Hội thảo này là dịp đánh giá kết quả của các dự án hợp tác quốc tế về văn hóa và du lịch giai đoạn 1997-2014. UBND tỉnh Quảng Nam cũng đề xuất phương thức kết nối thành quả cũ với các dự án đang và sẽ triển khai để tăng tính hiệu quả; tiếp tục vận động tài trợ cho hoạt động bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016-2020./.

Duy Phong

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất