Thứ Hai, 25/11/2024
Tin hoạt động
Thứ Ba, 12/7/2016 21:35'(GMT+7)

Bảo tồn, khai thác và phát huy vốn văn hóa truyền thống

Nhà thơ trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam (ngoài cùng bên phải) tặng hoa chúc mừng các nhà văn mới được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam. (ảnh BIỆN LUÂN)

Nhà thơ trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam (ngoài cùng bên phải) tặng hoa chúc mừng các nhà văn mới được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam. (ảnh BIỆN LUÂN)

Ngày 12/7, tại TP Hà Giang (Hà Giang), Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Chi hội Nhà văn Sông Chảy và Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Hà Giang tổ chức Hội thảo "Các nhà văn khu vực sông Chảy với công cuộc bảo tồn, khai thác và phát huy vốn văn hóa truyền thống".

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Giang và một số ban, ngành của tỉnh; đại diện lãnh Hội Nhà văn Việt Nam cùng đông đảo văn-thi sĩ  là Hội viên Chi Hội Nhà văn Sông Chảy, đến từ 4 tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai và Yên Bái.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh: Vùng văn hóa Sông Chảy là một “mỏ vàng” cho các văn nghệ sỹ khai thác, giới thiệu. Những nhà văn tham dự Hội thảo hôm nay là những người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương, là những người đã gắn bó với miền núi từ khi còn trai trẻ, coi mảnh đất này là quê hương thứ hai. Trong các tác phẩm của nhà văn, miền núi và dân tộc luôn là nguồn cảm hứng, là đề tài bất tận để khai thác. Bằng tình yêu, niềm đam mê cháy bỏng và một nghị lực mạnh mẽ cùng sự cần mẫn trong lao động nghệ thuật, họ đã tạo cho mình một vị trí trong nền văn học Việt Nam đương đại.

Trong thời đại hội nhập và phát triển, việc bảo tồn, khai thác và phát huy vốn văn hóa truyền thống Việt Nam càng trở nên cấp thiết và quan trọng. Các nhà văn khu vực Sông Chảy là những người đã và đang có những đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển nền văn học khu vực sông Chảy nói riêng và văn học nghệ thuật Việt Nam nói chung…

 
 Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo 


Nhiều ý kiến trao đổi tại Hội thảo đã khẳng định: Chủ đề của cuộc Hội thảo lần này không chỉ của một vùng đất, một quốc gia mà là vấn đề của thời đại, mang tính toàn cầu. Trong thời đại ngày nay, mỗi dân tộc và quốc gia phải giữ gìn và phát huy thật tốt những bản sắc văn hóa riêng của mình thì mới hội nhập được với nhân loại.

Bên cạnh sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước và văn nghệ sĩ trong cả nước, thì căn cơ và hiệu quả nhất là chính các nhà văn dân tộc miền núi phải tự bảo vệ lấy tài sản vốn quý đặc trưng từng vùng miền.

Việc bảo vệ phải quan tâm cả văn hóa vật thể và phi vật thể; phải phát huy được vốn quý ấy trong đời sống hiện tại và cả trong tương lai thì di sản ấy mới trở thành truyền thống. Các nhà văn dân tộc miền núi cần được tạo điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn và kiến thức văn hóa, để công tác bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa dân tộc ấy được thể hiện ở tầm vóc quốc gia và mang tính nhân loại.

Trong khu vực vùng dân tộc thiểu số vùng sông Chảy, những yếu tố “độc biệt” vẫn còn tồn tại phong phú mà nhà văn cần phải đi sâu tìm tòi, học hỏi để làm giàu cho trang viết của mình./.

Con sông Chảy bắt nguồn từ sườn Tây Nam của đỉnh Tây Côn Lĩnh, đi qua các tỉnh Lào Cai, Yên Bái rồi hợp lưu với sông Lô tại Đoan Hùg, tỉnh Phú Thọ. Dọc theo dòng sông Chảy là một vùng văn hóa truyền thống đặc sắc của nhiều dân tộc anh em. Giữ gìn, khai thác và phát huy thế mạnh của vùng kinh tế, chính trị, văn hóa ấy như thế nào là một vấn đề lớn của đất nước, trong đó có các nhà văn khu vực sông Chảy… Những nội dung này đã được thể hiện tập trung trong các tham luận và phát biểu của đại biểu, như: Nhà văn - nhà nghiên cứu Hà Lâm Kỳ đến từ Yên Bái với tham luận Sông Chảy-Vùng đất, nhà văn và tác phẩm; Nhà thơ Hùng Đình Quý (Hà Giang) với tham luận bàn về Vấn đề bảo tồn và phát triển thơ ca dân gian dân tộc thiểu số ở Hà Giang; Nhà thơ Ngọc Bái (Yên Bái) tham luận Kỷ niệm Hà Giang và những trang viết một thời; Nhà văn Đoàn Hữu Nam trình bày tham luận Văn học dân tộc thiểu số cần được khai thác một cách nghiêm túc; Nhà văn Nguyễn Trần Bé (Hà Giang) trình bày tham luận Hội VHNT địa phương-“Điểm tựa” của các văn nghệ sĩ .v.v..


PV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất