Trong những năm qua hai tỉnh Hà Giang và Cao Bằng đã tập
trung nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo tồn, tôn tạo và
phát huy giá trị di sản, từ đó thúc đẩy các hoạt động kinh tế - xã hội,
phát triển du lịch bền vững.
Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị của công viên địa chất, tỉnh Hà
Giang đã xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ba quy hoạch
gồm: Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên
địa chất toàn cầu cao nguyên đá Ðồng Văn (giai đoạn 2012 đến 2020, tầm
nhìn đến 2030); quy hoạch xây dựng Công viên địa chất toàn cầu cao
nguyên đá Ðồng Văn và quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia
cao nguyên đá Ðồng Văn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030.
HÀI HÒA GIỮA BẢO TỒN VÀ KHAI THÁC GIÁ TRỊ DI SẢN
Ðồng chí Trần Ðức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết: "Từ
những quy hoạch được phê duyệt, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành quy định
quản lý di sản, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ bảo tồn, phân vùng khu
vực quản lý, các giá trị cần bảo tồn, kế hoạch bảo tồn và phát triển
hằng năm. Phân định rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chức năng,
chính quyền địa phương và người dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị
di sản. Ðó là cơ sở pháp lý để các đơn vị thực hiện công tác quản lý
hoạt động đầu tư xây dựng, bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa, địa chất
gắn với phát triển du lịch bền vững".
Ðể bảo vệ di sản trước những tác
động của con người và thiên nhiên, Hà Giang đã tiến hành khoanh vùng các
cụm, điểm di sản, bàn giao cho cộng đồng địa phương quản lý và bảo vệ,
được 30 cụm với hơn 150 điểm di sản. Trong đó có một số cụm, điểm di sản
được công nhận là di sản cấp quốc gia như: Danh lam thắng cảnh Mã Pì
Lèng; núi đôi Quản Bạ; di tích khảo cổ và danh lam thắng cảnh khu vực
hóa thạch Huệ biển tại Lũng Pù, huyện Mèo Vạc...
Ông Lý Văn Ðông, Chủ tịch UBND xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc (Hà Giang)
cho biết: "Xã Pải Lủng có danh lam thắng cảnh đèo Mã Pì Lèng. Nhờ làm
tốt công tác tuyên truyền, ý thức bảo vệ di sản của người dân được nâng
cao. Cộng đồng người H’Mông không còn đập các mỏm đá tai mèo ven đường
về làm bờ rào đá, kè đá như trước. Các thôn trong khu vực đèo Mã Pì Lèng
đã có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, gìn giữ văn hóa vật thể, phi
vật thể".
Ðể phát huy các giá trị di sản trên vùng công viên địa chất, chính
quyền tỉnh Hà Giang và tỉnh Cao Bằng tập trung thực hiện tốt các khuyến
nghị của UNESCO, huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển
kinh tế - xã hội.
Hà Giang đầu tư xây dựng hàng trăm hồ chứa nước sinh
hoạt cho người dân, khắc phục cơ bản tình trạng thiếu nước sinh hoạt
trên cao nguyên đá Ðồng Văn. Cuối năm 2019, tỉnh đã khánh thành công
trình bơm nước không điện, công suất bơm 1.600 m3 nước/ngày đêm từ thủy
điện Séo Hồ bơm lên đỉnh núi Ma Ú, có độ chênh cao 600 m để cấp nước
sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân ở thị trấn Ðồng Văn và các xã lân cận.
Tất cả các xã, thị trấn trên cao nguyên đá đều có đường nhựa đến trung
tâm; 100% số thôn, xã biên giới đã có điện lưới quốc gia. Tỉnh cũng tạo
môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút các tổ chức, cá nhân lên phát triển
hạ tầng du lịch. Hàng trăm dự án nhà hàng, khách sạn, khu du lịch được
đầu tư trên bốn huyện vùng công viên địa chất, đáp ứng được nhu cầu phát
triển và làm đổi thay cuộc sống của người dân.
Trong khi đó, tỉnh Cao
Bằng nhất quán chủ trương không phát triển "nóng" du lịch, mà tập trung
phát triển, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, nhà hàng khách sạn và
các dịch vụ đi kèm; đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân
về du lịch, bảo vệ các giá trị cảnh quan, môi trường. Giám đốc Sở Giao
thông vận tải Cao Bằng Lã Hoài Nam cho biết, địa phương đã huy động hơn
2.000 tỷ đồng đầu tư nâng cấp, xây dựng chín tuyến đường kết nối các khu
du lịch trọng điểm, các huyện trong vùng Công viên địa chất toàn cầu.
Tỉnh đang phối hợp triển khai dự án đường bộ cao tốc Ðồng Ðăng (Lạng
Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) trong giai đoạn 2021-2025, tạo đột phá phát
triển du lịch và kinh tế - xã hội các tỉnh biên giới phía bắc.
Bên cạnh đó, các giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên vùng
Công viên địa chất toàn cầu được các địa phương quan tâm gìn giữ và phát
huy. Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang Triệu
Thị Tình cho biết: "Với chủ trương lấy văn hóa để phát triển du lịch,
lấy du lịch để bảo tồn các giá trị văn hóa, công tác bảo tồn các giá trị
văn hóa được cấp ủy, chính quyền và người dân thực hiện tốt, tạo ra sản
phẩm du lịch hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao, đồng thời cải thiện thu
nhập cho người dân".
Ðến nay, Hà Giang đã xây dựng 35 làng văn hóa du
lịch cộng đồng, trong đó có Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Ðăn,
xã Quản Bạ (huyện Quản Bạ) xây dựng theo tiêu chuẩn ASEAN; Làng văn hóa
du lịch thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi (huyện Mèo Vạc) xây dựng theo mô hình
kiểu mẫu. Ông Lý Ðại Thông, Nghệ nhân Văn hóa dân gian, người quản lý
hai đội văn nghệ quần chúng của thôn cho biết: "Vào mùa du lịch, hầu như
tối nào hai đội văn nghệ trong thôn cũng biểu diễn phục vụ du khách,
vừa giữ nét văn hóa truyền thống không bị mai một, vừa cải thiện thu
nhập cho người dân".
Du khách trải nghiệm kỹ thuật thêu thổ cẩm của người Dao Tiền, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng).
PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG
Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, văn hóa được bảo tồn, an ninh
trật tự được bảo đảm đã đưa Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá
Ðồng Văn, Công viên địa chất non nước Cao Bằng trở thành những điểm đến
hấp dẫn du khách.
Giai đoạn 2015-2020, tốc độ tăng trưởng du lịch của Hà
Giang đạt 16% đối với khách quốc tế và 17,6% đối với khách trong nước.
Năm 2021, dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Hà Giang vẫn đón hơn 908
nghìn lượt khách, tổng doanh thu từ khách du lịch hơn 1.630 tỷ đồng.
Du
lịch Cao Bằng cũng có sự khởi sắc sau khi tổ chức UNESCO trao tặng danh
hiệu Công viên địa chất toàn cầu cho non nước Cao Bằng vào năm 2018. Năm
2016, Cao Bằng đón 650 nghìn lượt du khách, năm 2018, lượng du khách
đạt 1,2 triệu lượt và năm 2019 cán mốc hơn 1,5 triệu lượt người. Ngoài
ba tuyến du lịch đã có, tỉnh đang chuẩn bị khai thác thêm hai tuyến du
lịch mới, trong đó có tuyến kết nối hai công viên địa chất toàn cầu ở
Cao Bằng và Hà Giang.
Dù đã có nhiều cố gắng, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản
các công viên địa chất toàn cầu tại hai địa phương vẫn còn không ít khó
khăn, bất cập, đặt ra nhiều vấn đề mà các cấp chính quyền, nhân dân cần
khắc phục. Do thiếu đất canh tác, thiếu nước, tập quán canh tác còn lạc
hậu, cho nên sản xuất nông nghiệp ở vùng công viên địa chất còn khó
khăn. Ðời sống của người dân dù đã được cải thiện so với trước, nhưng
vẫn còn thiếu thốn. Hệ thống cơ sở hạ tầng đã được đầu tư, nhưng chưa
đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Nhận thức
về bảo tồn và phát triển công viên địa chất của một số cấp ủy, chính
quyền chưa sâu sắc, nên vẫn xảy ra tình trạng xâm hại di sản. Ðơn cử như
sai phạm của công trình tổ hợp nhà hàng, nhà nghỉ, quán cafe Panorama
tại huyện Mèo Vạc (Hà Giang). Công tác bảo tồn các giá trị trong vùng
công viên địa chất cũng gặp thách thức, nhất là việc vận động đồng bào
dân tộc lưu giữ các công trình mang đặc trưng kiến trúc bản địa trong
đời sống đương đại.
Ðể làm tốt hơn việc bảo tồn và phát huy giá trị các công viên địa
chất toàn cầu, từ đó phát triển du lịch, năm 2021, Hội đồng nhân dân
tỉnh Cao Bằng đã thông qua nghị quyết về hỗ trợ phát triển du lịch cộng
đồng địa phương, trong đó quy định tám chính sách cụ thể hỗ trợ, khuyến
khích người dân bảo tồn các giá trị truyền thống, bảo đảm vệ sinh môi
trường, phát triển du lịch.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang xác định một
trong những nhiệm vụ trong giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 là
huy động các nguồn lực đầu tư phát triển cao nguyên đá Ðồng Văn thành
khu du lịch quốc gia. Bên cạnh đó, để nâng cao đời sống của nhân dân,
tỉnh sẽ cơ cấu lại các ngành kinh tế trong vùng công viên địa chất, chú
trọng phát triển kinh tế nông nghiệp và du lịch. Tập trung phát triển
sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá
trị. Phát triển du lịch cộng đồng tại các làng văn hóa dưới hình thức
xây dựng hoạt động trải nghiệm. Tỉnh huy động các nguồn lực lập quy
hoạch chi tiết các danh lam, thắng cảnh, các điểm di sản, làm cơ sở pháp
lý để thực hiện công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, bảo tồn di
tích lịch sử, văn hóa, địa chất gắn với phát triển du lịch bền vững./.