(TG)- Bộ TN&MT vừa ban hành Quyết định 2436/QĐ-BTNMT phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam. Theo đó, 3 nội dung lớn sẽ được ưu tiên thực hiện. Đó là xây dựng văn bản pháp luật; đào tạo, truyền thông hợp tác quốc tế và nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến.
Theo đó, Tổng cục Môi trường nghiên cứu, đề xuất lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa trong Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Rà soát, đánh giá và đề xuất các giải pháp quản lý, điều chỉnh trong Danh mục phế liệu nhập khẩu (đối với phế liệu nhựa) cho phù hợp với từng thời kỳ phát triển của đất nước; rà soát, đề xuất sửa đổi QCVN 32:2018/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhựa nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất cho phù hợp với thực tế để nâng cao chất lượng phế liệu nhựa nhập khẩu.
Đồng thời rà soát, đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật về nhãn sinh thái đối với túi ni lông thân thiện môi trường và các sản phẩm thân thiện với môi trường trong Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT nghiên cứu, đề xuất quy định trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm nhựa, bao bì nhựa trong Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; đồng thời khảo sát, đánh giá và đề xuất giải pháp thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, hợp tác công tư, mô hình kinh doanh với sự tham gia của các hiệp hội, các tổ chức, các doanh nghiệp nhằm giảm thiểu phát sinh, tăng cường tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa thu hồi năng lượng.
Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường được giao nghiên cứu, đề xuất chính sách về kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ trong nhập khẩu, sản xuất, sử dụng nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa tại Việt Nam.
Để thực hiện Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam, Bộ TN&MT sẽ huy động nhiều đơn vị để thực hiện. Trong đó, Tổng cục Môi trường được giao điều tra, khảo sát đánh giá hiện trạng sản xuất các sản phẩm nhựa; tình hình phát sinh, phân loại, thu gom, tái chế, xử lý chất thải nhựa; xây dựng hệ thống thông tin quản lý chất thải nhựa; đề xuất các giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách và các quy định về quản lý chất thải nhựa. Đồng thời triển khai hoạt động kiểm tra, thanh tra xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực quản lý chất thải nói chung và chất thải nhựa nói riêng…
Phong Duy