Chủ Nhật, 24/11/2024
Cuộc sống số
Thứ Tư, 13/2/2013 12:56'(GMT+7)

Bảo vệ chủ quyền số quốc gia: Từ “du kích” đến chuyên trách

Những quan niệm mới về chủ quyềnf

Có thể nói rằng, chủ quyền số quốc gia là một khái niệm mới, và cho đến nay, trên toàn thế giới vẫn chưa thống nhất được một định nghĩa nào có thể khái quát được phạm vi, nội dung của nó, cũng như chưa có một quốc gia nào khẳng định được chủ quyền của mình trong không gian số. Tuy nhiên, có thể điểm ra một vài quan niệm của thế giới về chủ quyền số như sau.

Năm 2011, một nhóm các nhà hoạt động xã hội của Canada đã trình lên Chính phủ nước này lá thư đề nghị phải tăng cường chủ quyền số quốc gia trên không gian mạng. Khái niệm chủ quyền số quốc gia mà nhóm này đưa ra bao hàm nghĩa hẹp. Họ đưa ra lập luận rằng: cũng giống như không gian đất liền, trên biển hoặc trên không, ở trong không gian số, các quốc gia cũng có những quyền lợi trong không gian của mình. Họ cho rằng, ở trong không gian số đó, các nước có thể đưa ra các dịch vụ và có quyền khai thác để phát triển kinh tế đất nước. Do đó, như các không gian thông thường khác, chủ quyền của quốc gia trên không gian số cũng cần phải được bảo vệ. Thí dụ họ đưa ra rất cụ thể, một công ty Canada xây dựng và cung cấp dịch vụ nội dung số cho người dân nước này, nhưng bản thân công ty đó cũng sử dụng rất nhiều cấu phần do các hãng nước ngoài cung cấp, máy chủ lại nằm trên hệ thống của hãng lớn của Mỹ. Câu hỏi họ đặt ra là, những thông tin đó đặt trên một máy chủ của một hệ thống ở Mỹ rồi cung cấp thông tin đó cho người dân Canada, thì tính chủ quyền của thông tin số này được bảo vệ như thế nào? Nếu không tính kỹ, dịch vụ này của Canada có thể bị pháp luật của Mỹ quy định là trái phép và ngừng cung cấp. Điều đó sẽ gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế. Và nhóm này kêu gọi tổ chức quản lý‎ Interrnet của Canada đứng ra nghiên cứu vấn đề này đưa ra những biện pháp bảo vệ chủ quyền số.

Vào đầu tháng 11-2012, trong cuộc họp bàn về chiến lược bảo đảm ATTT cho các hệ thống thông tin của nước Nga trong nhiều năm tới, người chủ trì cuộc họp đã kết luận: tất cả những việc chúng ta đang làm hôm nay là nhằm bảo đảm chủ quyền số quốc gia của nước Nga. Như vậy khái niệm chủ quyền số quốc gia ở đây rất rộng, bao hàm tất cả mọi mặt của an toàn, an ninh thông tin của một quốc gia. Đó là một cách nhìn khác về chủ quyền số quốc gia.

Trước đó, năm 2010, trong một cuộc tọa đàm về chủ quyền số do Bộ Thông tin – Truyền thông Việt Nam tổ chức, ông Igor Ashmanov, Giám đốc công ty Ashmanov của Nga và là một chuyên gia trong vấn đề này, khẳng định chủ quyền số quốc gia là quyền và khả năng của một chính phủ trong việc có thể tự chủ và độc lập xác định, thực hiện những chính sách đối nội, đối ngoại trong lĩnh vực thông tin, sở hữu các tài nguyên thông tin của mình nhằm xây dựng và bảo đảm cho hạ tầng thông tin quốc gia.

Khẳng định chủ quyền quốc gia về không gian mạng

Mặc dù chưa thống nhất quan niệm về chủ quyền số, nhưng một số quốc gia đã lên tiếng khẳng định chủ quyền của mình trên không gian mạng.

Năm 2011, Bộ Quốc phòng Mỹ từng tuyên bố họ sẽ coi các cuộc tấn công trên mạng như “một hành động chiến tranh” và có thể xem xét đáp trả bằng hành động quân sự thực.

Và tháng 5-2012, Nhật Bản cũng đã tiếp bước Mỹ khi chính quyền chính thức công nhận mạng điện tử “là khu vực thuộc về an ninh quốc gia, như vùng đất, biển, vùng trời và không gian ngoài vũ trụ”. Bộ Ngoại giao Nhật Bản khẳng định nước này có quyền tự phòng vệ trước các cuộc tấn công trên mạng theo các luật pháp quốc tế hiện hành, bao gồm hiến chương Liên Hiệp Quốc. Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Koichiro Gemba cho rằng, luật pháp quốc tế về chiến tranh cũng có thể được áp dụng cho an ninh mạng. Hiến chương Liên Hiệp Quốc cho phép một thành viên sử dụng vũ lực trong trường hợp tự vệ nếu bị tấn công cho tới khi Hội đồng Bảo an LHQ có thể thực thi các biện pháp cần thiết nhằm lặp lại hòa bình và an ninh.

Còn ở Việt Nam, chủ quyền quốc gia về không gian mạng đã được đề cập trong Nghị quyết số 13-NQ/TW Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 như sau: “Nâng cao năng lực, làm chủ công nghệ và hiệu lực, hiệu quả quản lý hệ thống hạ tầng thông tin, nội dung thông tin phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước; đáp ứng yêu cầu cung cấp, trao đổi thông tin của xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, chủ quyền quốc gia về không gian mạng”.

Như vậy, mặc dù chưa có những quy định cụ thể về chủ quyền số, nhưng Đảng và Nhà nước ta đã có những định hướng căn bản nhằm khẳng định chủ quyền của mình trong không gian mạng.

Một trong những hoạt động nhằm từng bức cụ thể hóa chủ trương của Đảng là Ngày An toàn thông tin Việt Nam năm 2012 vừa qua, Bộ Thông tin - Truyền thông và Hiệp hội An toàn thông tin (VNISA) đã thống nhất chọn chủ đề “Chung tay xây dựng hạ tầng thông tin an toàn vì chủ quyền số quốc gia”. Trong ngày này, lãnh đạo Bộ chủ quản đã kêu gọi toàn thể cộng đồng CNTT-TT, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các cơ quan truyền thông tích cực ủng hộ, hưởng ứng và cùng “Chung tay xây dựng hạ tầng thông tin an toàn vì chủ quyền số quốc gia”.

Bảo vệ chủ quyền số mới chỉ bằng “du kích”

Mặc dù đang từng bước coi không gian mạng mà một chủ quyền quốc gia cần phải bảo vệ, nhưng trên thực tế, lực lượng để bảo vệ chủ quyền số ở nước ta còn quá mỏng.

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VNISA Vũ Quốc Thành, nếu đặt ra bài toán bảo đảm an toàn, an ninh của không gian số thì từ hệ thống thông tin của người dùng, doanh nghiệp đến các cơ quan Chính phủ, các hạ tầng CSTT quốc gia, điện nước và tất cả các lĩnh vực điều khiển bằng hệ thống CNTT… đều nằm trong khái niệm cần được bảo vệ. Vô hình trung, cũng giống như các không gian truyền thống khác, việc bảo vệ đất liền có lục quân, biển có hải quân, bầu trời có không quân, trong không gian số mới mẻ này, chúng ta sẽ phải có một lực lượng chuyên trách để bảo vệ chủ quyền của mình.

“Điều này chưa nước nào đề cập đến, nhưng trong tương lai thì biết đâu sẽ được nghĩ tới”, ông Thành nói. Và so với việc cần có một lực lượng bảo vệ chủ quyền số quốc gia rộng lớn kia, theo ông Thành, những lực lượng hiện tại bảo vệ an toàn thông tin (ATTT) của chúng ta mới chỉ được coi là “dân quân, du kích”.

“Trước đây, chúng ta chỉ hiểu đơn thuần rằng bảo vệ hệ thống của doanh nghiệp là chúng ta bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ hệ thống CNTT của bộ này ngành kia là chúng ta bảo vệ bộ ngành. Chúng ta đã làm những việc đơn lẻ như thế mà chưa hiểu hết ý nghĩa chung là chúng ta đang góp phần bảo vệ chủ quyền số của quốc gia”, ông Thành giải thích.

Còn giờ đây, khi vấn đề chủ quyền số quốc gia được đặt ra, thì mỗi cá nhân, doanh nghiệp cho đến cơ quan Nhà nước cũng đều đang góp phần bảo vệ chủ quyền số chung của đất nước.

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, an toàn thông tin của các cơ quan, doanh nghiệp vẫn luôn được đặt trong tình trạng báo động. Trong Ngày ATTT năm nay, VNISA và VNCERT đã công bố báo cáo khảo sát thường niên nhằm đánh giá mức độ nhận thức và ứng dụng ATTT trong các tổ chức, doanh nghiệp. Có 507 tổ chức, doanh nghiệp đã tham gia cuộc khảo sát này.

Kết quả cho thấy, từ đầu năm đến nay, xu hướng các doanh nghiệp nhận biết tấn công mạng đã tăng lên. Khả năng đánh giá tổn thất tài chính do bị tấn công đã tăng lên. Tuy nhiên vẫn có đến 70% doanh nghiệp không đánh giá được động cơ tấn công của tội phạm, hoặc động cơ không rõ ràng.

Trong tình hình kinh tế khó khăn, có 87% doanh nghiệp cho rằng chi tiêu vì ATTT của họ không giảm. 57% cho rằng chi tiêu này sẽ phải tăng lên trong năm 2013. Nhưng một con số đáng lưu ý khác là, nếu năm 2010 chỉ có 7% doanh nghiệp giảm chi tiêu cho ATTT, thì năm nay có đến 13% doanh nghiệp đã cắt giảm chi tiêu.

Vấn đề là các doanh nghiệp Việt Nam cắt giảm chi tiêu cho ATTT trong khi mức đầu tư bình quân cho ATTT lại đang rất thấp. Theo ông Vũ Quốc Thành, sau nhiều năm theo dõi, VNISA thấy các doanh nghiệp mới chỉ dành cho ATTT khoảng 2-3% ngân sách chi cho CNTT nói chung, trong khi mức đầu tư trung bình trên thế giới là 10%. “Tất cả những yếu kém ở từng đơn vị nhỏ lẻ như thế góp phần làm không gian chủ quyền số quốc gia yếu đi rất nhiều”, ông Thành nói.

Một số liệu khác cũng vừa được công bố cuối năm qua, đó là lần đầu tiên Ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT và Hội Tin học Việt Nam đã đưa ra con số thống kê về cán bộ chuyên trách ATTT trong Việt Nam ICT Index 2012. Theo đó, cán bộ chuyên trách ATTT trong các bộ ngành chiếm 0,6%, trong các ngân hàng thương mại chiếm 1,1%, còn trong các tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn tỷ lệ này là 0,1%.

Nhận xét về tỷ lệ này, ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ Thông tin - Truyền thông), Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT cho rằng đó là do nhiều đơn vị tính cả cán bộ CNTT kiêm nhiệm cả ATTT. Còn nếu tính gắt gao thì tỷ lệ còn thấp hơn nhiều!

Nếu đúng như vậy, lực lượng chuyên trách ATTT của chúng ta chỉ là con số không tròn trĩnh. Thêm nữa, các trường đại học trong nước cũng chưa đào tạo ngành ATTT. Những người làm bảo mật hiện nay chủ yếu là tự học thêm hoặc được đào tạo qua các khóa ngắn hạn.

Được biết, Bộ Thông tin – Truyền thông, mà cụ thể là Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam VNCERT, đang tiến hành soạn thảo Luật An toàn thông tin số để trình Quốc hội thông qua. Lúc đó, khái niệm chủ quyền số, cách thức, nội dung để bảo vệ chủ quyền quốc gia trong lĩnh vực mới mẻ này sẽ được đề cập và quy định rõ ràng hơn. Và chúng ta sẽ có căn cứ pháp lý để bảo vệ tốt hơn không gian mạng.

Còn trong lúc này, vẫn cần lắm ý thức của mỗi cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước trong việc bảo vệ từng cái máy tính, trang web hay hệ thống nội bộ của mình. Và việc giữ yên cho từng “mái nhà” bằng lực lượng “du kích” như thế cũng là góp phần bảo vệ chủ quyền chung của quốc gia trên không gian số.

LÂM THẢO

Nguồn: Nhân Dân


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất