Tuy nhiên, “Điện toán đám mây” đang tồn tại
những hạn chế như: an ninh bảo mật; sự phụ thuộc người tiêu dùng vào
công nghệ và chất lượng dịch vụ của các nhà cung cấp; sự đòi hỏi về mức
độ phát triển của hạ tầng công nghệ thông tin… Tuy nhiên, đây là công
nghệ có nhiều triển vọng sẽ được ứng dụng trên thế giới.
“Điện toán đám mây” là gì ?
“Điện
toán đám mây”, còn được gọi là “điện toán máy chủ ảo”, là mô hình điện
toán sử dụng các công nghệ máy tính và phát triển dựa vào mạng Internet.
Ở mô hình “Điện toán đám mây”, mọi yêu cầu của khách hàng liên quan đến
công nghệ thông tin, đều được cung cấp dưới dạng các “dịch vụ”, cho
phép người sử dụng truy cập các dịch vụ công nghệ từ một nhà cung cấp
nào đó “trong đám mây” mà không cần phải mua sắm các cơ sở hạ tầng phục
vụ công nghệ đó cũng như không cần phải có các kiến thức về công nghệ
đó.
“Điện toán đám mây” là khái niệm tổng thể bao gồm các phần mềm
dịch vụ, Web 2.0,… trong đó, nhiệm vụ chủ yếu của “Điện toán đám mây”
là dựa vào Internet để đáp ứng những nhu cầu điện toán của người dùng.
Thí dụ, dịch vụ Google App Engine cung cấp những dịch vụ kinh doanh trực
tuyến thông thường, có thể truy cập được từ một trình duyệt Web, còn
lại, các phần mềm và dữ liệu đều được lưu trữ trên các máy chủ.
Thuật
ngữ “điện toán đám mây” có thể được diễn giải một cách đơn giản là, các
nguồn điện toán khổng lồ như phần mềm, dịch vụ… sẽ nằm ở các máy chủ
ảo trên Internet thay vì trong máy tính gia đình và văn phòng các doanh
nghiệp (đặt trên mặt đất), để mọi người có thể kết nối và sử dụng khi
cần. Với các dịch vụ có sẵn trên Internet, các doanh nghiệp không phải
mua sắm thiết bị và duy trì hệ thống máy tính và phần mềm. Họ chỉ cần
tập trung vào công việc kinh doanh lĩnh vực riêng của mình, vì đã có nhà
cung cấp lo cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin thay cho họ.
Mô
hình “Điện toán đám mây” có cấu trúc 3 tầng, gồm: các dịch vụ cơ sở hạ
tầng ở dưới cùng; các dịch vụ nền tảng ở giữa; các dịch vụ ứng dụng ở
trên cùng. Nhìn vào cấu trúc này, người ta có thể đánh giá chính xác các
quy mô của khối công nghệ thông tin, bởi nó liên quan đến chi phí, yêu
cầu không gian vật lý, bảo trì, quản lý, giám sát và mức độ lạc hậu của
công nghệ đang vận hành.
Những tiện ích của “Điện toán đám mây”
So
với điện toán truyền thống, “Điện toán đám mây” đã và đang đưa lại rất
nhiều tiện ích cho đời sống hiện nay, trong đó nổi trội hai vấn đề sau:
Một
là, công nghệ “Điện toán đám mây” giúp cho khách hàng tiết kiệm đáng kể
về tài chính và nguồn nhân lực, bởi “Điện toán đám mây” đã giúp khách
hàng cắt bỏ các khoản chi phí đầu tư cho cơ sở hạ tầng công nghệ thông
tin và cắt giảm được bộ phận quản lý, bảo trì các cơ sở này. Khách hàng
chỉ phải trả một số tiền nhất định cho nhà cung cấp dịch vụ “đám mây”,
ít hơn rất nhiều so với mô hình điện toán truyền thống.
Hai là,
các mô hình “Điện toán đám mây” có khả năng cung cấp rất đa dạng linh
hoạt và kịp thời những thông tin cần thiết cho khách hàng. Điều đó có
nghĩa là, các doanh nhân có khả năng truy cập chia sẻ nguồn tài nguyên,
lấy các dữ liệu thông tin, đưa ra các quyết định kinh doanh kịp thời từ
xa. Nhờ giải pháp “Điện toán đám mây”, một loạt các dịch vụ mạng mới đã
xuất hiện và thỏa mãn ngày càng tốt hơn các yêu cầu đa dạng của khách
hàng.
Những hạn chế của “Điện toán đám mây”
Thứ
nhất, “Điện toán đám mây” có thể đem lại cho các cá nhân và doanh
nghiệp rất nhiều tiện ích, nhưng bên cạnh đó là các nguy cơ mất an ninh
thông tin từ mô hình này luôn luôn rình rập. Khách hàng lo ngại về việc
các thông tin bí mật, nhạy cảm, quan trọng, có tính chất riêng tư… của
họ có thể bị “rò rỉ”, bị “đánh cắp”, hoặc bị sử dụng vào các mục đích
xấu, mang tính trục lợi nếu nhà cung cấp dịch vụ không làm tốt vấn đề
quản trị mạng, bảo đảm an ninh thông tin. Mặt khác, “Điện toán đám mây”
cũng đang phải đối mặt với các nguy cơ như virus, ăn cắp thông tin, lừa
đảo trực tuyến, tấn công mạng…
Thứ hai, người dùng bị phụ thuộc
vào công nghệ và chất lượng dịch vụ của nhà cung cấp, khiến cho sự linh
hoạt và sáng tạo của họ bị giảm đi. Người sử dụng chỉ có quyền thực hiện
những việc trong phạm vi nhà quản trị cho phép, hơn nữa, những thông
tin mới nhất thường chưa được nhà mạng cập nhật kịp thời, trong khi
khách hàng lại mong muốn bắt kịp những cải tiến mới nhất, do vậy khách
hàng cảm thấy không được thỏa mãn, thậm chí tỏ ra bức bối bởi sự khống
chế đó, hoặc do lỗi, nghẽn mạng.
Thứ ba, chỉ có thể ứng dụng “Điện
toán đám mây” trên cơ sở một hạ tầng công nghệ thông tin đã phát triển ở
mức độ nhất định. Điều này có nghĩa là, không thể sử dụng công nghệ này
trên một nền tảng công nghệ thông tin sơ khai và lạc hậu, hoặc cũng
không thể sử dụng giải pháp “Điện toán đám mây” một cách hiệu quả khi
khách hàng không nối mạng, hoặc phải sử dụng các đường truyền thiếu tin
cậy.
Dự báo về ứng dụng “Điện toán đám mây”
Các
chuyên gia dự báo, công nghệ “Điện toán đám mây” sẽ được ứng dụng rộng
rãi trên thế giới cũng như ở Việt Nam trong những năm tới.
“Điện
toán đám mây” đang được phát triển và cung cấp bởi nhiều nhà cung cấp
truyền thống như Sun Microsystems, HP, IBM, Intel, Cisco và Microsoft.
“Điện toán đám mây” ngày càng được nhiều khách hàng quan tâm, từ cá nhân
đến những doanh nghiệp, những công ty xuyên quốc gia chấp nhận và sử
dụng:
Hãng Coca-Cola đã ký thỏa thuận đưa tất cả tài khoản
e-mail của họ lên dịch vụ trực tuyến Microsoft Exchange Online; Hãng
Oracle vừa công bố kế hoạch của hãng này về việc triển khai “Điện toán
đám mây”; Tập đoàn HP cũng khẳng định sẽ xây dựng dịch vụ đám mây trên
nền webOS...
Năm 2011 Chính phủ Trung Quốc chủ trương đầu tư mạnh
vào thị trường “Điện toán đám mây” và ngành này tại Trung Quốc đã tăng
trưởng 30% trong năm 2012. Ấn Độ cũng dự kiến sẽ đạt doanh thu 4,5 tỉ
USD vào năm 2015.
Tại Mỹ, “Điện toán đám mây” đã trở thành giải
pháp phổ biến thay cho công nghệ điện toán truyền thống kể từ năm 2011.
Chính phủ Mỹ khuyến khích các cơ quan Liên bang sử dụng “Điện toán đám
mây” và coi đây là một trong những giải pháp hữu hiệu để tiết kiệm kinh
phí đầu tư cho công nghệ thông tin, góp phần giảm thiểu thâm hụt ngân
sách. Quốc hội Mỹ đã yêu cầu Bộ Quốc phòng nước này chấp nhận giải pháp
“Điện toán đám mây” nhằm tiết kiệm chi phí cho việc lưu trữ khối dữ liệu
khổng lồ đang nằm ở Bộ Quốc phòng Mỹ.
Đối với Việt Nam, công nghệ
“Điện toán đám mây” được coi là một trong những giải pháp hữu hiệu cho
những vấn đề mà nhiều doanh nghiệp đang gặp phải như thiếu năng lực công
nghệ thông tin, kinh phí đầu tư còn hạn chế… Trên thực tế đã có một số
khách hàng tiếp cận dịch vụ đám mây thông qua các dự án của một số doanh
nghiệp nước ngoài như Microsoft, Intel…, và bước đầu chấp nhận loại
hình dịch vụ này.
Theo các chuyên gia công nghệ thông tin, việc
ứng dụng công nghệ “Điện toán đám mây” có thể giúp các doanh nghiệp tiết
kiệm hàng triệu USD mỗi năm. Tuy nhiên, xét về mặt lợi ích kinh tế
thuần túy, thực tiễn cho thấy, có những doanh nghiệp lớn, có doanh
nghiệp vừa và nhỏ, có những khách hàng với tư cách chỉ là một cá nhân,
do vậy những tiện ích do “Điện toán đám mây” đưa lại cho họ là khác
nhau.
Xét về mặt chính trị-xã hội, ngoài những thông tin có ý
nghĩa nhân bản và nhân đạo, còn có những thông tin xuyên tạc sự thật với
những mưu toan chính trị xấu cần được ngăn chặn, nhưng nó lại được cài
đặt từ những máy chủ ảo từ xa, đang làm tổn hại đến danh dự quốc thể và
chế độ. Tuy nhiên, việc gỡ bỏ những thông tin xấu đang trôi nổi trên đám
“mây” lại không đơn giản, bởi nó liên quan đến những điều kiện pháp lý
rất phức tạp.
Chuyên gia nước ngoài cho rằng, “Việt Nam xác định
công nghệ thông tin-truyền thông là một ngành mũi nhọn trong nền kinh tế
quốc gia, và “Điện toán đám mây” có khả năng thúc đẩy điều này. Việt
Nam nên triển khai công nghệ “Điện toán đám mây” phù hợp với nhu cầu
kinh doanh của mình, chẳng hạn như một vài doanh nghiệp vẫn tiếp tục sử
dụng phần mềm chạy ngay trên máy tính, một số khác sẽ hoàn toàn sử dụng
“Điện toán đám mây”, hoặc lại có những doanh nghiệp kết hợp cả hai”.
Như
vậy, công nghệ “Điện toán đám mây” là sự tiến bộ vượt bậc của khoa
học-công nghệ và tin học hiện đại, có khả năng lưu trữ và xử lý toàn bộ
khối lượng thông tin khổng lồ trong “đám mây” Internet, đưa lại rất
nhiều tiện ích cho người dùng cả về thông tin và kinh tế. Mặc dù những
hạn chế của công nghệ “Điện toán đám mây”, đặc biệt là vấn đề đảm bảo an
ninh thông tin khi sử dụng loại dịch vụ này đang gây quan ngại cho
người dùng. Tuy nhiên, công nghệ “Điện toán đám mây” vẫn là sự lựa chọn
của con người trong thời đại hiện nay.
Nguyễn Nhâm/Nhân Dân