Nếu không nhanh chóng thúc đẩy các hành động cụ
thể, loài voi sẽ tuyệt chủng trong tương lai không xa. Những tín hiệu
tích cực là các Chính phủ, các cơ quan chức năng, các tổ chức và các chủ
voi đều đang cùng nhau nghiêm túc hợp tác vì quyền lợi của loài voi.
Từ ngày 11-13/1, tại tỉnh Đăk Lăk, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổ chức Động vật Châu Á và Trung
tâm Bảo tồn Voi đã tổ chức hội thảo quản lý voi với quy mô lớn nhất tại
Việt Nam từ trước tới nay.
Nêu lên những vấn đề đang tồn tại, Ông Cao Chí Công- Phó Tổng cục
trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho
biết: "Nhìn lại quá trình bảo tồn quần thể voi Việt Nam thấy rất rõ loài
voi đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng mà nguyên nhân quần thể voi tự
nhiên suy giảm là do bị săn bắn để lấy ngà nên số lượng voi đực và voi
con còn lại rất ít, thậm chí có đàn không còn voi đực trưởng thành.
Trước đây, việc bắn voi chỉ để lấy ngà thì trong thời gian gần đây, tất
cả sản phẩm từ voi như da, vòi, đế chân, răng, xương, thịt đều có thể
thu lợi cho đối tượng săn trộm nên voi cái và voi con cũng bị giết”.
“Vùng sinh cảnh cho đàn voi ngày càng bị thu hẹp, xuống cấp khiến tập
tính sinh học của chúng bị rối loạn, ảnh hưởng lớn đến sinh sản phát
triển cá thể voi và quần thể. Xung đột người - voi ngày càng gia tăng
bởi sự lấn chiếm, phá rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của con
người ở những nơi voi sinh sống khiến cho mối quan hệ “voi giết người -
người giết voi” gần như không thể giải quyết được và xu thế tất yếu là
voi sẽ bị giết”, ông Cao Chí Công nói.
Theo số liệu điều tra năm 2015, Việt Nam chỉ còn khoảng 60 cá thể voi
nhà và trên 100 cá thể voi hoang dã, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Đắk
Lắk , Đồng Nai, và Nghệ An.
Riêng tỉnh Đắk Lắk có 44 con voi nhà, trong độ tuổi từ 20-40 chỉ còn
25 con. Mặc dù Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk đã có nhiều biện pháp chăm
sóc sức khỏe, giúp voi sinh sản tự nhiên nhưng đến nay vẫn chưa thành
công. Theo Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, đàn voi nhà còn lại ít nhưng
bị nuôi nhốt lâu năm trong điều kiện không có nơi chăn thả, không bảo
đảm nguồn thức ăn. Môi trường này đã ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe và
tập tính của loài voi như bản năng giao phối, tự tìm kiếm các cây thuốc
chữa bệnh. Ngoài ra, voi nhà cũng đang bị khai thác phục vụ du lịch quá
mức, ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng…
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra nhận định nếu không nhanh
chóng thúc đẩy các hành động cụ thể, loài voi sẽ tuyệt chủng trong tương
lai không xa. Những tín hiệu tích cực là các chính phủ, các cơ quan
chức năng, các tổ chức và các chủ voi đều đang cùng nhau nghiêm túc hợp
tác vì quyền lợi của loài voi.
Để giúp Trung tâm Bảo tồn Voi nâng cao chất lượng và năng lực chăm
sóc, rất nhiều các chuyên gia, Tổ chức, điển hình là Tổ chức Động vật
Châu Á (Animals Asia) đã và đang tư vấn thiết kế, hỗ trợ xây dựng và bổ
sung cơ sở vật chất cho khu vực chăm sóc và quản lý voi; nâng cao năng
lực chăm sóc, điều trị cho voi cho các bác sỹ thú y và nhân viên trực
tiếp chăm sóc voi của Trung tâm Bảo tồn Voi, tỉnh Đắk Lắk.
Từ năm 2014, Tổ chức Động vật Châu Á đã thực hiện nhiều chương trình
giúp đỡ cho Trung tâm Bảo tồn Voi Đắk Lắk. Tổ chức đã giới thiệu và cử
các chuyên gia chăm sóc voi quốc tế đến làm việc khám sức khỏe cho 36 cá
thể voi cũng như đưa ra những tư vấn về kỹ thuật chăm sóc, quản lý voi.
Tổ chức cũng đã tài trợ và mời các cán bộ của Trung tâm bảo tồn Voi Đắk
Lắk tham gia các khóa tập huấn nâng cao phúc lợi cho động vật tổ chức
tại Vườn thú Hà Nội và Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Với việc xây dựng cơ sở hạ
tầng cho Trung tâm Bảo tồn Voi, Tổ chức cũng giới thiệu chuyên gia
thiết kế quốc tế từ Tổ chức Veasey Zoo & Design sang tư vấn việc
thiết kế, xây dựng cơ sở hạ tầng. Với các trường hợp khẩn cấp nhu voi
rừng bị thương, Tổ chức ngay lập tức cử chuyên gia thú y quốc tế tới
khám điều trị và phẫu thuật mổ vết thương lấy dị vật và hỗ trợ
chăm sóc như trường hợp dị vật mắc trong chân cá thể voi rừng cứu
hộ năm 2015.
Năm 2016, Tổ chức Động vật Châu Á đã ký một chương trình hợp tác
trong 2 năm với Trung tâm Bảo tồn Voi ưu tiên cho công tác cứu hộ voi
rừng bị tai nạn hoặc voi nhà không có điều kiện chăm sóc đảm
bảo nhằm phục vụ cho công tác bảo tồn, giúp nâng cao phúc lợi
động vật. Đồng thời, hỗ trợ thực hiện các chương trình nâng cao nhận
thức hướng đến cộng đồng dân cư khu vực xung quanh cũng như trên cả
nước về bảo tồn voi, bảo vệ các loài động vật hoang dã khác
tại Đắk Lắk, cũng như đảm bảo phúc lợi động vật. Tháng 11/2016,
Tổ chức Động vật Châu Á đã trao tặng một hệ thống hàng rào điện giúp cho
hai cá thể voi Jun và Gold của Trung tâm Bảo tồn Voi có thể được di
chuyển tự do trong một khu vực an toàn./.
Theo chinhphu.vn