(TCTG) - Phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường là một thế xu thế mang tính toàn cầu đang được nhiều quốc gia quan tâm. Để tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp cần phải tuân thủ tốt những qui định về môi trường trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm.
Thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm qua là rất đáng khích lệ, trong đó có sự đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, nó cũng đang đặt ra những thách thức không nhỏ về vấn đề bảo vệ môi trường.
Theo khảo sát của các chuyên gia thuộc Viện Khoa học quản lý môi trường (Tổng cục Môi trường), Việt Nam đã phát triển khá nhiều các khu công nghiệp trên cả nước. Tuy nhiên, tỷ lệ các khu công nghiệp có hệ thống xử lý chất thải hoạt động thường xuyên rất ít, đa số các khu công nghiệp không có hệ thống xử lý chất thải thường xuyên hoạt động, hoặc nếu có thì cũng vận hành không thường xuyên.
Chu trình sản xuất hàng hóa từ khâu nguyên liệu, sản xuất, đến tiêu thụ… đều liên quan đến môi trường (nguyên liệu liên quan tới khai thác tài nguyên, sản xuất gây ô nhiễm, hậu tiêu thụ là rác thải…), trong khi lượng rác thải thu gom hiện mới chỉ đạt khoảng 70%, và mới chỉ có khoảng 10% bãi chôn lấp rác thải đảm bảo vệ sinh... Mỗi năm, lượng chất thải xả ra môi trường từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh là không nhỏ. Đặc biệt, có doanh nghiệp bất chính còn đầu tư hệ thống xả trộm nước thải độc hại không qua xử lý ra môi trường gây hậu quả nghiêm trọng.
Yêu cầu bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh ngày càng cao, trong khi nhận thức của doanh nghiệp lại chưa đầy đủ, thiếu vốn đầu tư cho việc bảo vệ môi trường, thiếu thông tin về công nghệ, cùng với bài toàn toán giữa lợi nhuận và trách nhiệm xã hội bảo vệ môi trường... là những thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, thách thức cũng chính là cơ hội cho doanh nghiệp có thể tận dụng để gia tăng lợi nhuận, tăng năng lực cạnh tranh, uy tín và quảng bá thương hiệu thông qua việc áp dụng các giải pháp bảo vệ môi trường, tận dụng được các chính sách ưu đãi của Nhà nước về khuyến khích bảo vệ môi trường, tận dụng các cơ hội kinh doanh mới trong lĩnh vực môi trường để phát triển.
Để hạn chế gây ô nhiễm môi trường, ngoài các giải pháp khoa học - kỹ thuật thì chính sách, pháp luật, và biện pháp kinh tế cũng ngày càng được Nhà nước siết chặt với các tiêu chuẩn về môi trường, tăng cường thanh tra kiểm tra, thu các loại thuế/phí về môi trường, xử phạt hành chính, thậm chí có thể xử lý hình sự doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng về môi trường. Áp lực từ phía cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp cũng ngày một tăng, người tiêu dùng đòi hỏi doanh nghiệp phải đưa ra thị trường những sản phẩm thân thiện với môi trường.
Khi xuất khẩu hàng hóa, doanh nghiệp Việt Nam sẽ còn gặp phải rất nhiều các rào cản kỹ thuật trong thương mại tùy theo mỗi thị trường được dựng lên. Ngoài tính chất thương mại thì hầu hết các rào cản kỹ thuật đều nhằm tới mục tiêu bảo vệ môi trường và sức khỏe con người (qui định về vệ sinh an toàn thực phẩm; tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa ISO 9000; yêu cầu về đóng gói bao bì có thể tái chế sử dụng; kiểm dịch động, thực vật; nhãn hàng sinh thái…), nếu không vượt qua được những rào cản này hàng hóa của Việt Nam rất khó có chỗ đứng vững trên thị trường thế giới.
Cuộc sống ngày càng phát triển văn minh, quan tâm bảo vệ môi trường là xu thế tất yếu, là trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp. Vì vậy, việc cần phải tuân thủ và áp dụng các tiêu chuẩn ISO 9000; ISO 14000; HACCP; vệ sinh an toàn thực phẩm; tiêu chuẩn an toàn sinh học; áp dụng phương thức sản xuất sạch hơn (CDM)..., đồng thời đánh giá “chu trình sống” của hàng hoá để đưa ra các giải pháp về bảo vệ môi trường cho từng công đoạn sản phẩm là rất cần thiết.
Ở tầm vĩ mô, các chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần nghiên cứu các khung khổ chính sách phát triển thương mại bền vững đảm bảo tăng trưởng kinh tế gắn với tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường; thúc đẩy việc tuân thủ tốt các cam kết quốc tế về thương mại trong các hiệp định đã ký kết có liên quan đến môi trường cũng như các công ước về môi trường; xây dựng hệ thống pháp lý về môi trường phù hợp với quá trình hội nhập...; có chính sách thích hợp hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong công tác quản lý môi trường và đầu tư các sản phẩm thân thiện với môi trường./.
Lan Ngọc