Thứ Bảy, 28/9/2024
Pháp luật
Thứ Hai, 16/3/2009 22:12'(GMT+7)

Bảo vệ người tiêu dùng- cần đổi mới

Cuộc tọa đàm được tổ chức nhằm tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức có có thẩm quyền trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng cũng như giúp người tiêu dùng trang bị các kiến thức tiêu dùng cơ bản, nhận biết hàng thật, hàng giả trên thị trường.

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận các chuyên đề như: Tổng quan công tác bảo vệ người tiêu dùng năm 2008; Thực trạng an toàn lương thực, thực phẩm và cách nhận biết thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng; Thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm, những khuyến cáo cho người tiêu dùng; Trao đổi về cách nhận biết, phòng chống hàng giả, hàng nhái; Kết quả thực hiện công tác bảo vệ người tiêu dùng theo chủ đề năm 2008 về thực phẩm chống béo phì cho trẻ em; Thực trạng hàng giả hiện nay và một số khuyến nghị; Thực phẩm vi phạm pháp luật đo lường và cách phòng tránh.

Ở nước ta, công tác bảo vệ người tiêu dùng được đặt ra cách đây 10 năm, với văn bản pháp luật có giá trị cao nhất là Pháp lệnh bảo vệ Người tiêu dùng, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 27/4/1999 và có hiệu lực từ ngày 1/10/1999.

Cùng với việc tuyên truyền phổ biến nội dung pháp lệnh, người tiêu dùng cũng được tuyên truyền đầy đủ về 8 quyền cơ bản theo quy định của Liên Hợp Quốc. Đồng thời, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cùng với văn phòng khiếu nại và các câu lạc bộ trực thuộc như CLB Người tiêu dùng nữ, CLB chống hàng giả,… cũng ra đời để thực hiện vai trò là đại diện cho cộng đồng người tiêu dùng.

Hành lang pháp lý và tổ chức đại diện có đủ, nhưng trên thực tế, quyền lợi của người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm, đặc biệt là trong lĩnh vực vệ sinh thực phẩm. Hàng loạt những vụ sữa nhiễm melamine, sữa không đủ hàm lượng đạm công bố gần đây cho thấy điều đó. Rồi chuyện kinh doanh xăng dầu gian lận, chuyện cân – đong – đo – đếm thiếu vẫn “là chuyện thường ngày” đối với người tiêu dùng.

Thiệt hại về vật chất cũng như tinh thần mà người tiêu dùng phải gánh chịu do kiểu kinh doanh gian dối, coi thường lợi ích, sức khỏe và tính mạng khách hàng của nhiều nhà sản xuất, kinh doanh thời gian qua thật khó tính đến.

Trong khi đó, dù được tuyên truyền khá sâu rộng, nhưng ý thức về quyền lợi của người tiêu dùng rất thấp. Kết quả điều tra cuối năm 2008 của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho thấy, chỉ có 36% số người được hỏi có biết đến Pháp lệnh bảo vệ người tiêu dùng, 64% còn lại không biết. Bên cạnh đó, người tiêu dùng chưa hề được hướng dẫn đầy đủ, nên dù có muốn theo đuổi đến cùng các vụ vi phạm, cũng không biết phải kiện ai, kiện ở đâu, thủ tục hồ sơ cần những gì?

Không phủ nhận vai trò Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam trong nỗ lực trong các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhưng với cơ chế hiện tại, tổ chức Hội bị hạn chế nhiều chức năng, nên khó hoàn thành sứ mệnh bảo vệ người tiêu dùng.

Những kết quả hoạt động của Hội thường chỉ được sử dụng với mục đích tham khảo, thiếu giá trị pháp lý. Thực tế này cho thấy, công tác bảo vệ người tiêu dùng cần được thay đổi về chất. Trước hết, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần là một cơ quan Nhà nước, chứ không nên hoạt động với tư cách một tổ chức xã hội nghề nghiệp như hiện nay.

Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng, theo kế hoạch sẽ được nâng thành Luật bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, nguồn thu lợi bất chính của các chủ thể vi phạm cần được gọi là tài sản chiếm đoạt của người tiêu dùng, tài sản đó cần trả về quỹ bảo vệ người tiêu dùng, để tổ chức đào tạo, giáo dục tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng trong cuộc đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho họ.

Nhân dịp này, Bộ Công Thương cũng đã trao tặng Bằng khen cho 3 tập thể và 2 tổ chức có thành tích nổi bật trong hoạt động bảo vệ người tiêu dùng./.

VOVNews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất